Thứ 6, 26/04/2024, 20:49[GMT+7]

Khát vọng làng Côn

Thứ 2, 10/04/2017 | 08:42:34
1,042 lượt xem
Truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta nói chung, của người dân làng Côn nói riêng thấm đẫm triết lý nhân sinh lấy trí nhân thay cường bạo. Tiếng ngân khánh ngọc của Minh Công đánh tan giặc dữ bảo vệ cuộc sống thanh bình cho đất nước như lời vọng về từ nghìn năm thể hiện khát vọng hòa bình của người làng Côn.

Hội làng mở giữa sân đình.

Các cụ già ở làng Côn, xã Tảo Sơn, tổng Quan Bế, nay là thôn Cun, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà vẫn kể mãi câu chuyện về người tên Minh Công lên núi Phượng Hoàng kiếm củi, trông thấy hai ông cụ đầu râu tóc bạc đánh cờ uống rượu, hai bên đặt nhiều chuông vàng khánh ngọc. Minh Công lấy làm lạ, cho là tiên lão chốn bồng lai liền chạy đến vái rằng: “Người tiên, khách trần may được gặp gỡ, xin tha thứ về tội đường đột của tiểu nhân”. Hai ông cụ mỉm cười: “Chốn này là cảnh tiêu giao của ta, cách biệt cõi trần, người thường làm sao đến được”. Nói xong bèn cho Minh Công một chiếc khánh ngọc và bảo: “Ta cho ngươi chiếc khánh ngọc này nếu gặp hoạn nạn lấy tay phải gõ vào khánh ba tiếng thì sự xấu sẽ biến thành sự tốt, ngươi phải giữ cẩn thận, chớ coi thường”.

Thần tích làng Côn kể rằng, ở phủ Thiệu Thiên, châu Ái, có người họ Cao tên Tổ, vợ là Lê Thị Hoan vốn nhà hào phú, vợ chồng một niềm trung hậu, một chút hại người cũng không hề nghĩ đến, một mảy lợi mình chẳng đoái tâm. Hai người đã ngoại tứ tuần mà buồng lan chưa thấy nức mùi thơm, cửa quế vắng không đóa hoa đẹp. Bền lòng làm phúc cố sức làm việc nhân, nhân dân nơi đó đều khen là nhà tích thiện, tất được hưng thịnh. Một đêm trời thanh trăng tỏ, vợ chồng nằm rỗi chốn hiên hoa, mơ màng ngủ thiếp, chợt thấy một ông lão đầu râu tóc bạc, hai tay ôm một đứa bé đưa cho bà Lê thị mà rằng: “Nhà ngươi đức dày, trời đã xét rõ. Nay ta cho một đứa thanh đồng, ngày sau sẽ giúp đời yên dân làm rạng rỡ tổ tông”. Nghe lời chưa dứt thì chợt tỉnh giấc. Bà liền đem giấc mộng nói cùng chồng. Từ đó Lê thị có mang, ngày 10 tháng 10 mùa đông sinh đứa con trai mặt mũi khôi ngô hệt đứa trẻ trong mộng đặt tên là Minh Công.

Thấm thoắt thoi đưa, đến năm 13 tuổi, Minh Công được cha mẹ cho vào học trường của Dương Đường tiên sinh, học được vài năm văn chương quán triệt, thấu suốt đạo lý. Năm 17 tuổi cha mẹ kế nhau qua đời, hàng ngày Minh Công phải đi kiếm củi để đổi lấy miếng ăn. Rồi một ngày, vua xuống chiếu cầu hiền, ngày đó thuyền bè chật các sông, xe ngựa mọi đường, nghe chiếu thiên tử nức lòng đều muốn đoạt tranh khôi. Minh Công lặn lội tìm đến tới kinh đô ứng thí, lúc vào bệ kiến sân rồng, nhà vua thấy Minh Công tướng mạo khác thường, tinh thông văn võ, đủ sức chăm dân giúp nước, lập tức phong chức Tham chính ở điện Quảng Chính nắm giữ binh quyền. Được ba năm, nước Việt có giặc Ô Lý, vua triệu Minh Công về triều sai đi dẹp giặc. Đánh tan giặc, một hôm đi chơi ở ven sông, ngoạn thưởng phong vị nhà chài, đường qua làng Côn, xã Tảo Sơn, tổng Quan Bế, phủ Ngự Thiên, đạo Sơn Nam, ông vào chơi trong thôn ấp, trông thấy đất, nước làng Côn, khe nước quanh vòng, cồn đống khuất khúc bèn nhẩm miệng một vần thơ:

Ngân bình ngọc trướng chu vi khởi

Cẩm hộ chu liêm thứ đệ khai

Dư khí trung thành tuy tiểu mạch

Diện cư chân khả kiên cung dài.

Tạm dịch:

Bình ngân trướng ngọc đủ chung quanh

Cửa gấm rèm châu tiếp thả mành

Linh khí đúc lên thành mạch nhỏ

Dựng lên vững chắc một cung đình.

Ngay hôm ấy Minh Công truyền lệnh cho làng Côn lập một hành cung hướng Nam để ở. Được hai năm ông thường mộng thấy cùng thần Đông Hải uống rượu. Minh Công nhớ ngày trước trong thơ thần Đông Hải có câu: “Hương hỏa Côn thôn người khác hưởng”, bèn theo thần hiệu Đông Hải Đà La trấn quốc đại vương, giao cho làng Côn lập miếu phụng thờ, dâng biểu lên vua nói rõ sự việc xin cho làng Côn được miễn binh dịch, phu phen để ông cùng với thần Đông Hải hưởng cúng tế. Vua xuống chiếu thuận cho. Được vài năm bỗng có chúa nước Hồ Tôn Tinh câu kết với mấy nước láng giềng Ô Lý, Ai Lao, Bố Chính tập hợp được 60 vạn quân, dùng Ma La Đạt làm đại tướng đến xâm lược nước Việt, chiếm được quận Đông Hải. Tin cấp báo từ biên thùy khiến nhà vua cả lo, triệu tập các quan bàn thế công thủ. Quần thần đều nín lặng, không dám lên lời, riêng Minh Công tâu: “Sự thế lúc này, tôi xin gánh vác”. Vua cả mừng, liền lập đàn tế trời đất, phong ông làm nguyên soái thống suốt 30 vạn quân thủy bộ chống giặc. Ông phụng mệnh đem thêm trai tráng ở làng Côn, mỗi họ mấy người để làm gia binh giúp việc (lúc đó các họ làng Côn là Lê, Trương, Phạm, Nguyễn, Bùi, Trần, Đinh, Đặng, cộng là 8 họ được 42 người theo ông làm thủ túc). Vâng mệnh vua, bái tạ, đường đường dẫn quân đi, thuyền bè khua chiêng đánh trống, nghìn dặm nổi sấm sét vang rền, thẳng tới Đông Hải. Cách giặc 20 dặm đặt đại bản doanh để phòng thủ, lệnh binh sĩ dựng một chiếc lầu cao ở bên đại bản doanh để quan sát địa hình. Quân giặc trùng trùng, Minh Công lâm vào cảnh nguy cấp, bèn lấy tay phải gõ vào khánh ngọc ba tiếng, tự nhiên mây mù vụt đến, mặt biển nổi sóng cồn, thấy một người diện mạo khác thường, thân cao chín thước, mặc áo đỏ đai lưng bằng ngọc lưu ly, đầu đội mũ bách tinh, thân cầm ba thước kiếm đứng trên mặt nước cất tiếng mắng rằng: “Ta là Thủy thần quyền coi Đông Hải nay thừa sắc mệnh Hoàng thiên, hiển chấn oai thanh phù nước, giúp dân dẹp giặc. Bọn giặc chúng bay và lũ quỷ chết không sót một tên”. Quân giặc tan tác, Ma La Đạt chết trận... Vua nghe tin ban chiếu rút quân úy lạo quân sĩ, gia phong Minh Công làm Cao Minh Chính Trực đại vương, ban cho thiết việt, cùng nhân dân cả nước hưởng phúc. Minh Công bái tạ, rước sắc về làng Côn, xã Tảo Sơn mở tiệc lớn ăn mừng. Đang lúc hoan ca bỗng thấy trời đất tối sầm, mây gió đùng đùng nổi lên, chỉ trong khoảnh khắc trời đất lại sáng sủa, gió lặng mưa yên thì không thấy Minh Công đâu cả, chỉ thấy mũ áo còn lại.

Sau khi ông hóa, nhân dân làng Côn dâng biểu tâu lên vua, vua được tin đau buồn vô hạn, phong ông là Đông Hải Đà La trấn quốc đại vương, thượng đẳng thần, Cao Minh chính trực đại vương, chuẩn cho làng Côn, xã Tảo Sơn phụng thờ, ban cho 300 quan tiền xanh (thanh tiền) đem về làng Côn làm lễ tế. 

Truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta nói chung, của người dân làng Côn (thôn Cun ngày nay) nói riêng thấm đẫm triết lý nhân sinh lấy trí nhân thay cường bạo. Tiếng ngân khánh ngọc của Minh Công đánh tan giặc dữ bảo vệ cuộc sống thanh bình cho đất nước như lời vọng về từ nghìn năm thể hiện khát vọng hòa bình của người làng Côn.


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Truyền thống lịch sử, văn hóa của làng Côn xưa thể hiện rõ nét trong thần tích của làng kể về giai thoại Minh Công được các tiên ông trao cho khánh ngọc, một thứ vũ khí chỉ cần gõ lên âm thanh là đánh tan giặc dã cũng chính là khát vọng sống hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc và cách bảo vệ non sông bờ cõi của người dân làng Côn không phải dùng gươm đao mà lấy lòng nhân từ để diệt trừ gian ác.

Ông Đào Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà

Làng Côn xưa thuộc xã Tảo Sơn, tổng Quan Bế, phủ Ngự Thiên nay là thôn Cun, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà có 55 hộ với 180 nhân khẩu trong đó 97% đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Đình Cun còn lưu giữ ba đạo sắc phong triều Hậu Lê và nhiều thần phả, thần tích về mảnh đất và con người làng Cun. Với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cán bộ và nhân dân thôn Cun đang từng ngày nỗ lực dựng xây quê hương giàu đẹp. Hiện tại, hệ thống đường làng ngõ xóm đổ bê tông đạt 100%, không còn gia đình có nhà dột nát, tỷ lệ nhà mái bằng, mái ngói đạt 100%, các thiết chế văn hóa như đình, chùa, nhà văn hóa được nhân dân đóng góp xây dựng, tôn tạo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng.

Ông Đào Văn Đào, Bí thư Chi bộ thôn Cun, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà

Dân gian tương truyền qua các đời Trần, Lê... Cao Minh chính trực đại vương từng có công giúp nước cứu dân, đảo mưa cầu nắng đều được linh ứng cho nên nhiều triều đại đế vương gia phong mỹ tự để làm hương hỏa muôn nghìn năm phụng khai các tiết lễ ngày sinh và ngày hóa, cùng với chữ húy kiêng hẳn ba chữ Đông Hải Minh. Ngày kỵ giỗ làng cấm mặc hai sắc vàng, tía khi hành lễ. Lễ khánh hạ (ăn mừng) vào ngày 10 tháng 2, lễ phẩm dùng thịt lợn đen, xôi rượu, hát xướng một ngày.

Quang Viện