Thứ 7, 27/04/2024, 03:20[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 1)

Thứ 2, 10/04/2017 | 08:48:33
3,551 lượt xem
“Bức thông điệp lịch sử” gồm 23 phần của nhà văn Minh Chuyên, khái quát những chiến công to lớn của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bằng cách nhìn từ 3 phía: Quân đội nhân dân Việt Nam, quân đội Mỹ, quân đội Việt Nam cộng hòa, những người trực tiếp tham gia cuộc chiến đã tạo nên nội dung bức thông điệp về lịch sử cuộc chiến tranh tàn khốc do quân đội Mỹ gây ra và tinh thần anh dũng, quả cảm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Xe tăng của quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu


Kỳ 1: Từ mưu toan chiếm Đông Nam Á

Cuộc chiến tranh Việt Nam mở đầu năm 1955, khép lại năm 1975 là một trong những huyền thoại bi hùng nhất. Người Mỹ đã sử dụng một khối lượng bom đạn gấp nhiều lần số bom đạn sử dụng trong thế chiến thứ hai cùng với vũ khí tối tân và chiến lược từ chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ đến Việt Nam hóa chiến tranh với âm mưu thôn tính Việt Nam rồi đánh chiếm ba nước Đông Dương.

Để đạt bằng mọi giá âm mưu đó, các đời tổng thống Mỹ đã huy động lực lượng tối đa cho cuộc chiến. Họ đã không từ một hành động dã man nào. Bắn phá, hủy diệt, quyết đẩy lùi miền Bắc về thời kỳ đồ đá. Thâu tóm toàn bộ lãnh thổ miền Nam Việt Nam, dựng lên một chính quyền tay sai thân Mỹ. Nhưng kết cục, mưu đồ càng lớn thảm họa càng đau.

Bài học mà mãi tới khi chiến tranh khép lại người Mỹ mới nêu lên. Bài học thua trận ở Việt Nam. Thua trong thế mạnh, tiềm năng chiến tranh, trang bị hiện đại, quân lực hùng mạnh mà vẫn thua.
Người Mỹ cho rằng đó là bài học của ý chí chiến đấu. Lấy ít thắng mạnh bởi ý chí của một dân tộc quyết không chịu nô lệ. Điều đó đã thấm vào máu thịt của người Việt Nam. Khi đất nước có ngoại xâm thì dù quân xâm lược có đông đến đâu, mạnh đến đâu cũng không làm gì được họ. Bởi ý chí chống giặc ngoại xâm đã làm nên sức mạnh để họ chiến đấu và chiến thắng.


*
*      *


Hơn 40 năm sau, những người lính năm xưa, các cựu binh Việt Nam và các cựu binh Mỹ có dịp trở lại vùng đất một thời đối mặt. Người thắng cuộc và người bại trận có dịp nhìn lại cuộc chiến tranh mà họ đã từng tham gia.

Mỗi khi kể chuyện ngày cuối cùng ở dinh Độc Lập, người bại trận vẫn không khỏi bàng hoàng, dẫu biết rằng kết cục không thể nào khác. Ngày 30/4 đã đi vào lịch sử của một dân tộc đã vùng lên chiến đấu và chiến thắng. Từ mốc son này, ngược dòng thời gian, ta hiểu vì sao cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam phải trải qua một chặng đường đau thương dài như thế.

Hiệp định Genève về Đông Dương đặt tại Thụy Sĩ, được ký kết năm 1954. Ngay sau đó, phái đoàn Mỹ đã có những động thái phá hoại. Mỹ không công nhận kết quả Hiệp định Genève đem lại hòa bình cho Việt Nam, ngang nhiên can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam.

Phái đoàn quân sự Mỹ và CIA đã mở chiến dịch tuyên truyền tâm lý chiến, kêu gọi, cưỡng ép dân chúng miền Bắc di cư vào miền Nam. Hàng vạn người, phần đông là đồng bào giáo dân đã rời bỏ quê hương, xuống tàu đi theo tiếng gọi của chúa, do người Mỹ dựng lên. Tăng cường huấn luyện cho người Việt thân Mỹ. Trong hai năm 1955 - 1956, Mỹ đã bỏ ra trên 414 triệu đô la để xây dựng cơ sở quân sự, đưa vũ khí vào miền Nam. Dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm nhằm thực hiện kế hoạch “Bình định Việt Minh”, tiêu diệt người kháng chiến cũ.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh có thời kỳ làm việc dưới quyền tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Hạnh cho biết: Theo tài liệu của lầu 5 góc nhà nghiên cứu Felix Green người Mỹ, mục tiêu của Mỹ không chỉ có Việt Nam, Mỹ phải chiếm cả Đông Dương và toàn bộ vùng Đông Nam Á. Vì đây là một trong những khu vực giàu có nhất thế giới. Làm sao họ có thể ngăn được khi mà người Mỹ đã nhòm ngó. Kẻ nào thắng trận người đó sẽ nắm được quyền lợi của vùng đất Đông Nam Á. Đó là lý do vì sao người Mỹ ngày càng quan tâm đến Việt Nam. Đối với Mỹ, đó là một khu vực phải nắm được bằng bất kỳ giá nào.

Một số người khác thì cho rằng, mục tiêu cơ bản của Mỹ là muốn bảo vệ sự tồn tại của chính phủ thân Mỹ ở vùng Đông Nam Á, làm tiền đề để chống chủ nghĩa cộng sản và duy trì quyền lực tư bản Mỹ lên thị trường vùng đất này.

Một người Việt chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh, nhiều năm sinh sống ở nước Mỹ, ông cho biết: Kế hoạch A-xen-hao của một đại cường quốc ban đầu không chỉ đơn phương triệt tiêu lực lượng chống đối mà người Mỹ đã sớm thâu tóm quyền lực, từng bước xâm chiếm miền Nam.

Vũ khí tối tân Mỹ cung cấp cho quân đội Sài Gòn đã tàn phá mảnh đất miền Nam theo mưu đồ của người Mỹ. Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Nam Bắc trở thành cây cầu chia cắt hai miền Bắc Nam. Để có nhịp cầu bình yên, đất nước thống nhất, đã có biết bao người Việt Nam phải đổ máu, hy sinh. Từ vĩ tuyến 17 trở vào, nhân dân miền Nam phải đối mặt với sự kìm kẹp cùng những công cụ giết người vô cùng thảm khốc.

Chính sách của Ngô Đình Diệm ngày càng siết chặt, tàn bạo. Hệ thống ấp chiến lược mọc lên khắp nơi. Chúng ra sức dồn dân vào các trại tập trung trá hình để cách ly cách mạng và quân giải phóng với dân chúng.

Giáo sư Kevin Bowen, cựu binh Mỹ, từng có mặt ở đường 9 Nam Lào hơn một năm, sau đó bỏ ngũ về Mỹ viết sách và tham gia nghiên cứu tại Trung tâm Joiner, một tổ chức chống chiến tranh và ông đã làm giám đốc hơn 20 năm của tổ chức này. Đó là lịch sử của một đất nước không cam chịu sự can thiệp của chính phủ Mỹ với danh nghĩa ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm. Một thể chế mà sự oán hận của dân chúng từ chính sách tàn bạo của ông ta. Tôi có một thời gian tham chiến ở Việt Nam theo nghĩa vụ. Khi nhận ra bản chất của cuộc chiến không phải như người ta cam kết, tôi đã bỏ ngũ trở về Mỹ, tham gia phong trào phản đối chiến tranh. Lần đầu tiên tôi đã hiểu ra độ sâu sắc của người dân Việt Nam đối với đất nước mình và họ đã sẵn sàng hy sinh vì đất nước của họ. Vì thế tôi rất muốn ủng hộ người dân của hai quốc gia hiểu về lịch sử của đất nước mình.


Chế độ Việt Nam cộng hòa đàn áp khốc liệt những người kháng chiến cũ, thủ tiêu và tra tấn rất dã man đối với những người quyết không chịu ly khai chủ nghĩa Cộng sản.
Tội ác nổi bật của quan thầy họ Ngô thời kỳ cai quản một nửa đất nước là luật 10-59. Hàng vạn người phải chịu cảnh máu chảy, đầu rơi.
Cuộc đàn áp Phật tử, một dấu ấn khó mờ phai trong ký ức của người Việt Nam về một thời đất nước bị chia cắt. Lòng dân ly tán, oán hờn.
Ngọn lửa tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức ở Sài Gòn phản đối chính sách của Ngô Đình Diệm cũng chính là ngọn lửa tự giết chết anh em họ Ngô những năm sau này. Đây là thời kỳ cam go nhất của cách mạng Việt Nam.

Dù có phải đổ máu, hy sinh, nhân dân miền Nam quyết đứng lên. Ngày 20 tháng 12 năm 1960 - ngày khai sinh một tổ chức cách mạng. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Mặt trận tập hợp mọi lực lượng, siết chặt hàng ngũ chiến đấu, quyết tâm đánh đổ chế độ Ngô Đình Diệm và quan thầy của chúng. Từ đây, phong trào cách mạng nhanh chóng lan tỏa khắp miền Nam. Cuối năm 1960 toàn miền đã có 1.380 xã do mặt trận giải phóng kiểm soát.
Cuộc họp của Bộ Chính trị diễn ra đầu năm 1957 chỉ đạo cuộc cách mạng miền Nam và khẳng định: Con đường duy nhất nhân dân miền Nam vùng lên đấu tranh cứu nước, cứu nhà là dùng bạo lực cách mạng chiến đấu trực diện với kẻ thù.
Lực lượng quân giải phóng miền Nam được thành lập. Các cuộc đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang nổi dậy khắp các tỉnh Nam Bộ. Quân giải phóng và du kích các địa phương liên tiếp tấn công vào hàng ngũ quân địch. Từ đó đã làm thay đổi cục diện chiến trường. Đẩy người Mỹ và chính quyền Sài Gòn vào thế bị động, lúng túng.
Nội bộ chia rẽ, phe cánh sát hại lẫn nhau. Người Mỹ nhìn lại con bài do mình dựng lên, thấy không còn có lợi để thực hiện được mưu đồ đã quyết định “thay ngựa giữa dòng”, làm hậu thuẫn cho tướng Dương Văn Minh và lực lượng Việt Nam cộng hòa thực hiện cuộc đảo chính.

Giáo sư Wayne Kalin nói: Người Mỹ cho rằng họ đã chọn sai con bài nên người Mỹ rất thất vọng. Thực chất qua điều hành ở tầm vĩ mô cũng như trong thực tế, ông Diệm không theo, có lý do riêng của ông ấy. Kế sách của ông ta là bề ngoài chiều theo người Mỹ. Nhưng thực chất ông ta đã đi ngược những gì người Mỹ yêu cầu. Ông ta tôn thờ quyền độc lập dân tộc. Ví như trong chiến lược chiến tranh đặc biệt đội ngũ cố vấn của người Mỹ nắm tới tận đơn vị cơ sở và nắm quyền điều hành. Nhưng ông Diệm lại ngại không muốn tăng cường đội ngũ cố vấn này. Và kết cục như các ông biết đó. Không làm theo lời Mỹ, việc “thay ngựa giữa dòng” là điều không tránh khỏi.
Từ cái chết thảm hại của anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, người Mỹ lại bắt đầu một mưu đồ mới. Dùng sức mạnh đồng đô la cùng vũ khí tối tân và tăng cường đội quân cố vấn Mỹ để bước vào cuộc chiến tranh đặc biệt tại miền Nam Việt Nam

Sau khi lật đổ chính quyền của ông Diệm, ai sẽ lên thay Ngô tổng thống? Nhà sử học người Mỹ, Giáo sư Paul Atwood cho rằng: Đó là một bài toán khó, người Mỹ buộc phải lựa chọn một con bài mới phù hợp với tư tưởng xâm chiếm Việt Nam bằng mọi giá. Có Việt Nam, Mỹ sẽ có cả vùng Đông Nam Á.
Trong cuộc chiến tranh, người Mỹ không chỉ ngắm từ tầm xa. Về chiến lược, họ tiếp tục tăng cường đội ngũ cố vấn Mỹ, đặt nền tảng cho một âm mưu sâu hơn, rộng hơn, toàn diện hơn. Để từ đây, chính quyền Sài Gòn mở rộng cánh cửa đón người Mỹ vào, trước hết là quân đội Mỹ chiếm giữ các vùng chiến thuật với mưu đồ xâm chiếm từng bước miền Nam Việt Nam.

(còn nữa)

Ký sự của nhà văn Minh chuyên