Thứ 7, 27/04/2024, 00:22[GMT+7]

Thời hoa lửa

Thứ 4, 26/04/2017 | 09:18:38
1,632 lượt xem
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở Thái Bình, cùng với gần 18 vạn thanh niên vào bộ đội, đã có hơn 34.200 thanh niên xung phong tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, lực lượng TNXP Thái Bình đã cùng với quân và dân ta lập nên nhiều kỳ tích, góp phần to lớn vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các cựu thanh niên xung phong C895 thắp hương tưởng niệm đồng đội hy sinh tại ga Núi Gôi.

Lực lượng TNXP Thái Bình đã có mặt ở tất cả những vùng trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ với những địa danh lịch sử như: Ga Phủ Lý, núi Gôi (Nam Định); cầu Ninh Bình; cầu Đò Lèn, Hàm Rồng và núi Nấp (Thanh Hóa); K448, phà Xuân Sơn, phà Long Đại (đường 15); Mụ Dạ, Xiêng Phan, Cha Lo (đường 12); Áng Sơn, ngã ba Dân Chủ, Cổng Trời, Yên Ngựa (đường 10); Chà Lỳ, làng Ho (đường 16); K12, ATP (đường 20 Quyết Thắng)... Đó không chỉ là những tên đường, những con số vô cảm, mà là mồ hôi, xương máu của những lớp người trẻ tuổi anh dũng tham gia mở đường, chiến đấu bảo vệ đường để luôn bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần đưa hàng triệu tấn hàng hóa, vũ khí cùng những đoàn quân ra tiền tuyến, phục vụ thắng lợi từng chuyến đi, từng chiến dịch.

Ông Hoàng Công Ánh, nguyên Đội phó Đội 81 TNXP, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh nhớ lại: Cùng với Ngầm Ta Lê, cua Chữ A, km12 là một trong những trọng điểm ác liệt nhất trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Một bên là núi Chà Ang dựng đứng, cao chót vót, một bên là vực sâu. Đường vừa dốc hẹp, lại toàn đá nên đào hầm tránh bom đạn địch rất khó khăn. Đỉnh núi Chà Ang có một mỏm đá nhô ra chon von, hiểm trở. Đứng ở đây có thể quan sát cả cung đường, nhìn rõ chỗ nào bị tắc, chỗ nào còn bom nổ chậm để báo cho đơn vị kịp thời xử lý. Nhưng đó cũng là “túi” đựng bom đạn của giặc Mỹ. Đầu tháng 10/1968, Đại đội 932 TNXP Thái Bình (thuộc Đội 81) đã dũng cảm thay bộ đội công binh nhận nhiệm vụ quan sát trên đỉnh Chà Ang. Anh chị em phân công từng người luân phiên nhau để nếu có hy sinh thì có đồng đội khác lên thay. Cả đơn vị giành giật với kẻ thù từng phút, từng mét đường, máu của các chiến sĩ đã đổ xuống trọng điểm này. Hôm đầu tiên, chị Phạm Thị Nga và 3 đồng chí công binh hy sinh. Không để bom đạn kẻ thù khuất phục, chị Đoàn Thị Lơ xung phong thay chị Nga làm nhiệm vụ quan sát và chị cũng hy sinh. Rồi chị Đoàn Thị Công lên thay. Hai hôm sau thì chị Công lại ngã xuống… Người này ngã xuống, người kia lên, thay nhau chiếm lĩnh các cao điểm quan sát máy bay, đánh dấu bom nổ chậm, cảnh giới cho lực lượng ở mặt đường đánh bom mìn, phá đá san lấp hố bom.

Đại đội 932 Đội 81 thanh niên xung phong Thái Bình. Ảnh tư liệu 

Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã có vị trí đặc biệt quan trọng trên tuyến giao thông Bắc - Nam. Năm 1965, khi quyết định mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã nhằm mục tiêu vào cầu Hàm Rồng nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhưng trong khói lửa, bom đạn của chiến tranh, cùng với quân và dân, Đội 93 TNXP Thái Bình vẫn trụ vững chiến đấu, quyết tâm bảo vệ huyết mạch giao thông. 

Ông Đỗ Văn Tụy, cựu TNXP Đại đội 931, Đội 93 kể: Trong 2 tháng từ tháng 9 - 11/1966, Đội 93 có 17 chiến sĩ hy sinh, gần 30 người bị thương, bị sức ép của bom đạn. Biến đau thương thành hành động, TNXP Đội 93 sát cánh cùng các đơn vị khác kiên cường bám trụ bảo vệ cầu Hàm Rồng thông suốt trong mọi tình huống. Chúng tôi cùng xếp lại đội hình, bám từng thước đường ray, làm thêm 3 tuyến đường tránh cầu Hàm Rồng, cầu Tào Xuyên, cầu Đò Lèn dài 3km, bắc cầu phao tàu hỏa vượt qua sông, phá thế độc tuyến. Khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa ta đi” trở thành lẽ sống và mục tiêu hành động cụ thể của TNXP Thái Bình tham gia bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần, những thanh niên một thời xông pha nơi lửa đạn đã viết lên truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP. Tổ quốc ghi công 500 TNXP Thái Bình đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập, tự do của đất nước, hạnh phúc của nhân dân; hơn 5.000 TNXP của tỉnh Thái Bình bị thương tật và phơi nhiễm chất độc hóa học của giặc Mỹ. Những chiến công xuất sắc, thầm lặng của TNXP sẽ còn lưu mãi trong lịch sử Đảng, lịch sử Đoàn, đồng thời là tấm gương thôi thúc, giục giã thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tiếp tục noi gương, hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho quê hương, đất nước.

Ông Hoàng Công Ánh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh
Không chỉ cung cấp sức người, sức của theo yêu cầu của mặt trận, tại địa phương, năm 1966, theo đề nghị của Tỉnh đoàn, Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Bình còn quyết định thành lập riêng một lực lượng mang tên “Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước”, được hưởng chế độ phụ cấp như TNXP trung ương nhằm phục vụ yêu cầu chiến đấu tại chỗ, đặc biệt là bảo vệ các công trình giao thông và thủy lợi trên “Cánh đồng 5 tấn”. Lực lượng này đã cùng với các tổ, đội TNXP các huyện, đội thủy lợi các xã tiến hành đắp đê bảo vệ thị xã Thái Bình và xây dựng công trình cống Trà Linh, cống Lân, các đoạn đê xung yếu trên sông Hồng, sông Trà, sông Luộc, phà Tân Đệ, phà Triều Dương; phá hàng nghìn quả bom nổ chậm, thủy lôi của địch tại các vùng cửa biển...

Bà Lã Thị Hiên, cựu TNXP Đại đội 394, Đội 39
Thời bấy giờ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, chúng tôi thi đua đăng ký đi bộ đội, gia nhập TNXP. Đăng ký chưa yên tâm, nhiều anh, chị còn viết đơn tình nguyện, thậm chí viết bằng máu, yêu cầu cha mẹ cùng ký tên; có người chưa đủ tuổi thì khai tăng tuổi, thiếu cân thì nhờ bạn cân giúp hoặc quấn gạch vụn vào người. Khi tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tuy có nguy hiểm, có thể bị mất tính mạng bất cứ lúc nào, điều kiện sinh hoạt lại cực kỳ thiếu thốn (nhất là với phụ nữ) nhưng chúng tôi vẫn tâm niệm sống sao cho ra sống với ý chí và quyết tâm “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ, góp sức chiến đấu vì độc lập, tự do Tổ quốc.

Chị Đỗ Phương Anh, đoàn viên thanh niên phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình
Tấm gương anh dũng trong kháng chiến và mẫu mực trong xây dựng chủ nghĩa xã hội của TNXP luôn là bài học thực tiễn sinh động, có tính giáo dục sâu sắc với thế hệ trẻ chúng tôi. Kế thừa truyền thống của các thế hệ thanh niên đi trước, chúng tôi quyết tâm ra sức thi đua học tập, lao động, phấn đấu về mọi mặt, thi đua xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, phát triển kinh tế; xung phong trên các lĩnh vực, đảm nhận những công trình, phần việc thanh niên góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Xuân Phương