Thứ 5, 02/05/2024, 08:06[GMT+7]

Đông Hưng gieo cấy lúa xuân

Chủ nhật, 19/02/2017 | 16:59:18
2,197 lượt xem
Những ngày đầu xuân Đinh Dậu 2017, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân Đông Hưng nô nức xuống đồng gieo cấy lúa xuân, mang theo hy vọng một mùa vàng bội thu.

Nhiều máy cày cỡ lớn được xã Phú Châu (Đông Hưng) huy động làm đất phục vụ sản xuất.

Vào vụ cấy, trên cánh đồng xã Phú Lương đông vui hơn hẳn. Bà Phạm Thị Mùa ở thôn Duyên Phú cho biết: Vụ xuân năm nay gia đình tôi cấy 8 sào, chủ yếu là lúa xuân muộn trên cánh đồng lớn của xã. Trước tết Nguyên đán Ðinh Dậu, gia đình đã tranh thủ thu hoạch rau màu vụ đông, làm bờ, lấy nước để sau tết tập trung gieo cấy cho kịp thời vụ, bắt đầu cấy từ ngày 12/2, sau khoảng 3 ngày là xong. Ðể đạt mục tiêu gieo cấy 299ha lúa xuân xong trước ngày 25/2 bằng các giống lúa ngắn ngày như BC15, TBR-1, Hương thơm 1, Bắc thơm số 7… HTX DVNN xã đã huy động 40 máy làm đất cỡ lớn và máy cầm tay làm đất cho nông dân; vận hành các trạm bơm lấy nước vào đồng ruộng; tổ chức chiến dịch diệt chuột trên khắp các cánh đồng bảo vệ lúa xuân. Ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc HTX chia sẻ: Vụ xuân năm nay, toàn xã phấn đấu cấy trên 100ha lúa theo hiệu ứng hàng rộng, hàng hẹp để giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí nhân công, tăng năng suất.

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân xã Phú Châu sắp xếp công việc, thuê, mượn, đổi công cho nhau bảo đảm gieo cấy trong khung thời vụ. Bà Ngô Thị Khánh ở thôn Cốc cho biết: Vì các con đi làm công ty nên mấy chị em tôi đổi công cho nhau cấy để bảo đảm khung thời vụ cho phép. Chỉ trong hai ngày 11 - 12/2, gia đình đã cấy xong hơn 5 sào ruộng. Năm nay thời tiết nắng ấm nên mạ rất đẹp, cấy xuống sẽ sinh trưởng tốt. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động xã viên thực hiện nghiêm đề án sản xuất vụ xuân năm 2017 và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của trên, HTX DVNN xã Phú Châu còn hướng dẫn bà con kỹ thuật thâm canh tăng năng suất: với các vùng không trồng cây vụ đông thì tiến hành vỡ đất sớm để phơi ải, vùng chua trũng phải bừa cấy trước 2 - 3 ngày để lắng chua mới cấy, vùng đất cát pha bừa xong cấy ngay; tổ chức tu sửa, nạo vét kênh mương thuận tiện cho tưới, tiêu. Tổ chức tốt dịch vụ cung ứng phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng, giao tận nhà cho xã viên.

Nông dân Phú Lương (Ðông Hưng) vào vụ cấy.

Vụ xuân năm nay, Ðông Hưng phấn đấu gieo cấy 11.500ha lúa, trong đó lúa chất lượng cao 4.025ha, gieo thẳng 4.000ha; kết thúc vụ cấy trước ngày 25/2. Ðể nông dân cấy lúa xuân đúng thời vụ, cơ cấu, hết diện tích, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và các xã, thị trấn, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi kiểm tra, tu sửa hệ thống trạm bơm, cống đập, điều hành lấy nước vào ruộng theo đúng lịch chỉ đạo. Ðồng thời, cung ứng đầy đủ giống, vật tư nông nghiệp có chất lượng cho nông dân; hướng dẫn bà con tập trung gieo mạ trên nền đất cứng, có che phủ nilon; áp dụng triệt để biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, trong đó tập trung giảm lượng giống, giảm bón đạm đơn, giảm thuốc bảo vệ thực vật. Huy động các lực lượng tham gia chiến dịch diệt chuột trước và sau cấy để bảo vệ mùa màng. Ngay từ những ngày làm việc đầu tiên của năm mới, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HÐND, UBND, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tích cực xuống cơ sở, cùng lãnh đạo các xã, thị trấn thăm đồng, động viên, khuyến khích bà con nông dân thực hiện cấy lúa đúng kỹ thuật, đúng khung thời vụ, điều tiết nước hợp lý để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Vụ xuân năm 2016, năng suất lúa bình quân của Ðông Hưng đạt 72,65 tạ/ha, cao nhất tỉnh. Ðể tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu tỉnh về năng suất lúa xuân, ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng có những hỗ trợ cụ thể như: hỗ trợ 50% giá giống lúa Thiên ưu 8, T10, TBR225 cho các xã tham gia xây dựng cánh đồng lớn có liên kết tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; hỗ trợ 100% tiền giống cho những xã xây dựng mô hình hiệu ứng hàng rộng, hàng hẹp với diện tích từ 3ha trở lên. Ðông Hưng phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa xuân trước ngày 25/2.

Giảm công cấy, lượng giống, nhân công, thuốc trừ sâu và giảm thời gian gieo cấy, năng suất cao hơn cấy truyền thống là những hiệu quả của mô hình mạ khay, cấy máy mà xã Nguyên Xá (Ðông Hưng) áp dụng gần đây.

Năm 2015, Nguyên Xá đưa mô hình mạ khay, cấy máy vào đồng ruộng với diện tích trên 50ha. HTX DVNN xã đảm nhận dịch vụ gieo mạ khay và cấy máy theo hai mức giá: 230.000 đồng/sào với những hộ khoán trọn gói và 90.000 đồng/sào với những hộ tự gieo mạ, HTX chỉ lo phần cấy. Các giống lúa chất lượng cao được địa phương sử dụng gieo mạ khay, cấy máy để làm lúa hàng hóa, đem lại hiệu quả cao như BC15, T10, DT86, Bắc thơm, Nếp cái hoa vàng… Máy cấy với mật độ trung bình 28 - 30 khóm/m2, đều hàng, cách nhau 30cm hàng dọc, hàng ngang, tạo độ thoáng cao giúp cây lúa quang hợp, sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh. Có nhiều ưu điểm vượt trội nên diện tích cấy máy của Nguyên Xá đến nay đã tăng lên 70ha, mở rộng ra 7/8 thôn, trong đó thôn nhiều diện tích cấy máy nhất là Ðông Khê, riêng thôn Ðề Quang do ruộng trũng, khó thoát nước nên chưa áp dụng được phương pháp mới này. Ông Phan Thanh Giảng, Trưởng thôn Trần Phú, một trong những người tiên phong cấy máy cho biết: Lúc đầu triển khai mô hình gieo mạ khay, cấy máy, cán bộ xã, thôn gương mẫu thực hiện trước, các hộ nông dân thấy hiệu quả thì làm theo. Rất phấn khởi là ngay từ vụ đầu tiên hiệu quả đã được khẳng định: lúa bén rễ hồi xanh nhanh, đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, số nhánh hữu hiệu nhiều; giảm được sự phá hại của ốc bươu vàng và chi phí thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu; giảm công lao động 100.000 đồng/sào, giảm lượng giống hơn 1kg/sào; thời gian sinh trưởng của cây lúa ngắn nên chủ động được thời vụ. Ðặc biệt, năng suất thường cao hơn phương pháp cấy truyền thống, đạt trên 2 tạ/sào. Bắt đầu từ vụ xuân năm nay, anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Trần Phú cũng đã thuê máy cấy toàn bộ 8 sào ruộng của gia đình. Anh Thắng cho biết: Phải mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để giải phóng sức lao động, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích và quan trọng là không phải lo làm mạ, không phải lo cấy chỉ cần đăng ký với HTX là xong.


Cấy máy tại cánh đồng thôn Trần Phú, xã Nguyên Xá (Ðông Hưng).

Hiệu quả cao hơn nhiều so với cấy lúa truyền thống nhưng những vụ đầu Nguyên Xá đưa máy cấy vào đồng ruộng gặp không ít khó khăn do các hộ xã viên còn băn khoăn, lo lắng vì đây là phương thức sản xuất mới nên chưa mạnh dạn áp dụng dù HTX đã đảm nhận toàn bộ các khâu làm đất, ủ mộng, gieo mạ, cấy máy. Ngoài ra, đồng đất Nguyên Xá không đồng đều, có nhiều diện tích  trũng xen kẹp nên công tác cải tạo mặt bằng đưa máy cấy vào đồng ruộng cũng là thách thức lớn. Ðến nay, khi hiệu quả cấy mạ khay được khẳng định thì nhu cầu của các hộ xã viên ngày một tăng cao. Song toàn xã mới chỉ có 1 máy gieo mạ, 5 máy cấy, không đáp ứng đủ nhu cầu khi thời vụ đến. Ông Nguyễn Trọng Tài, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Trung bình một máy cấy một ngày chỉ cấy được 3 mẫu, dù máy cấy đã tăng từ 2 lên 5 máy nhưng trong 10 ngày của thời vụ cũng chỉ cấy tối đa được 150 mẫu. Hơn thế, cấy máy, khâu khó nhất nhưng lại quan trọng nhất là gieo mạ khay, gieo phải đúng quy trình, đúng kỹ thuật, bảo đảm tỷ lệ cây mạ thì máy cấy mới đều, mới bảo đảm nhưng xã chưa có máy làm đất mà phải mua từ Thanh Hóa về, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ gieo mạ khay còn thiếu, các hộ xã viên lại ngại tự gieo mạ vì sợ không đạt yêu cầu. Muốn cấy máy, ngay từ đầu vụ các hộ xã viên phải đăng ký với HTX để chủ động các khâu gieo mạ khay, nhưng với tình trạng thiếu máy, thiếu nơi bảo quản mạ khay như hiện nay, không phải hộ nào muốn đăng ký gieo mạ khay và cấy máy cũng được đáp ứng. Ðể cân bằng giữa “cung” và “cầu”, thời gian tới, HTX tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để các hộ xã viên tự gieo mạ khay theo hình thức HTX và các chủ máy cấy làm đất, ngâm ủ giống, gieo mạ, sau đó các hộ xã viên đến đưa về nhà chăm sóc, bảo quản, đến vụ đưa ra đầu ruộng để máy cấy. HTX cũng sẽ đảm nhận hoàn tất thủ tục xin kinh phí hỗ trợ cho các cá nhân tự mua máy cấy, hiện đã có 2 người đăng ký mua máy cấy để phục vụ bà con từ vụ mùa năm 2017.

Gieo mạ khay, cấy máy là một trong những giải pháp nhằm giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập cho người nông dân, xu hướng tất yếu của quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của Nguyên Xá nói riêng, toàn tỉnh nói chung. Vì vậy, các địa phương nên nghiên cứu áp dụng và mở rộng trong những vụ tới.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày