Thứ 5, 02/05/2024, 13:03[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 8)

Thứ 2, 29/05/2017 | 08:31:47
1,544 lượt xem

Tù binh bị quân giải phóng bắt trong trận đánh vào quận lỵ Tiên Phước (Quảng Nam). Ảnh tư liệu

Kỳ 8: Đánh bại ý chí xâm lược của đối phương

Đầu tháng 3/1968, địch huy động lực lượng đánh chiếm lại thành phố Huế, giành giật từng căn nhà, phá hủy nhiều cơ sở, nhà cửa của nhân dân, chúng đã phá hủy 10.000 trong số 17.000 ngôi nhà cổ.

Tại đây, chúng đã bị quân giải phóng và lực lượng dân quân địa phương đánh trả quyết liệt. Mỗi mét đất chúng giành lại đều phải đổi bằng tính mạng của không ít lính Mỹ. Tuy nhiên, địch có hỏa lực mạnh cùng các loại vũ khí nguy hiểm, súng cối 106 ly, đạn tổ ong sát thương rộng. Súng được đặt trên những chiếc xe tăng cơ động, bắn áp đảo đối phương. Một sĩ quan quân đội Mỹ tại Việt Nam nhận xét: Bên cạnh những thành công, quân giải phóng cũng mắc những sai lầm trong kế hoạch tác chiến. Họ đã có những đánh giá không đúng với thực tế tình hình, nhận định thấp về khả năng của đối phương, không lường hết sức mạnh của những vũ khí mới nên tổn thất của họ quá lớn.

Mặt khác, quân giải phóng cũng có lý do để cho rằng, Mậu Thân là một thắng lợi chiến lược trong chiến tranh của họ. Bởi họ đã “đánh bại ý chí xâm lược của đối phương, bắt buộc người Mỹ phải xuống thang”. Mậu Thân thắng bại khôn lường. Những người lính hy sinh trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân là một đóng góp vô cùng ý nghĩa. Xương máu của họ đã làm thay đổi cuộc chiến tranh xâm lược mà người Mỹ thừa nhận. Cuộc tổng tấn công khiến dư luận nước Mỹ thấy rõ việc đưa quân đội vào tham chiến ở Việt Nam là một lầm lỗi, gây căng thẳng trong xã hội Mỹ, kinh tế giảm sút, để lại nhiều hệ lụy xấu. Không đánh bại được đối phương mà còn bị đối phương tiêu diệt. Đội quân viễn chinh thương vong ngày một tăng. Các chính trị gia trong Quốc hội Mỹ gây sức ép đòi Chính phủ Mỹ phải giải quyết chiến tranh bằng thương lượng và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

Không chỉ ở Huế, Sài Gòn mà các căn cứ quân sự trọng điểm cũng bị tấn công. Ở nhiều chiến trường khác, cuộc chiến đấu giữa quân giải phóng và lực lượng đối phương diễn ra hết sức cam go.

Đây là vùng chiến sự thuộc huyện Đắc Lây, tỉnh Kon Tum. Các cựu binh Tiểu đoàn 404, Quân khu 5 vào thăm. Các ông đã tái hiện lại cảnh 65 liệt sĩ của 404 chiến đấu anh dũng, hy sinh như thế nào khi tiếp cận mục tiêu, đánh căn cứ ở Đắc Pét. Đắc Pét một căn cứ quân sự chiến lược được quân đội Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa canh gác dày đặc. Nếu không còn nhân chứng kể lại bằng hình ảnh như thế này làm sao có thể biết được các chiến sĩ 404 đã dấn thân luồn sâu vào lòng địch để tiêu diệt chúng. Cuộc chiến đấu diễn ra không cân sức. Những người lính đặc công trong tay không nhiều vũ khí, khi bị lộ, phải đối mặt với lực lượng địch khá đông. Các chiến sĩ đã tiêu diệt phần lớn lực lượng địch nhưng đơn vị 404 hy sinh trận đó cũng rất lớn. 65 chiến sĩ phải nằm lại nơi đây. Nhân dân Đắc Glei đã đưa được 38 hài cốt liệt sĩ của Tiểu đoàn 404 về nghĩa trang của huyện. Số anh em hy sinh còn lấp khuất, rồi đây địa phương cùng đơn vị tiếp tục tìm kiếm. Đón các anh về muộn là có tội với Tổ quốc, với nhân dân.

Ông Nguyễn Xuân Thái - chiến sĩ D23 bị trọng thương trong một trận đánh. Trong mắt ông hôm nay, ngày đó, anh em xung phong tiêu diệt quân địch trên cao điểm 601 như thể vừa mới xảy ra. Bởi đồng đội của ông, những người đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, làm sao ông có thể quên được. Trận ấy, các ông đã tiêu diệt và làm bị thương hơn 200 lính Mỹ. Chúng phản công, bốn lần xua quân lên đều bị các ông đánh bật lại.

Thành phố Đà Nẵng tự do nhộn nhịp sau ngày giải phóng. Ảnh tư liệu

Ông Lê Hải Triều cho biết, chiến thuật đánh Mỹ chỉ khi giáp mặt mới tấn công. Còn những lúc như thế này thì phải bình tĩnh, chờ khi chúng sơ hở, đánh theo cách nắm thắt lưng Mỹ mà đánh. Trận đánh trên cao điểm 601 và một số trận đánh khác các ông thực hiện chiến thuật bắn tỉa, tiêu diệt từng bộ phận. Có trận, ông Lê Hải Triều bắn chết hàng chục tên Mỹ.

Trong chiến dịch Khe Sanh, đường 9, quân giải phóng thực hiện kế hoạch đánh theo chiến thuật chia cắt địch để tấn công. Kế hoạch tác chiến được thảo luận, tìm phương án đánh hiệu quả nhất.

Chiến trường từ Lao Bảo chạy dọc hành lang Đông Tây sang Lào, địch co cụm đều nằm trong mục tiêu tấn công của quân giải phóng.

Các chiến sĩ bám trụ trên các điểm chốt, cắt đường 9 ra thành nhiều phân khúc, lùa địch vào tầm ngắm rồi đồng loạt nổ súng.

Quân địch dựa vào hỏa lực và xe cơ giới có sự yểm trợ của không quân nống ra đường 9, đánh chặn lực lượng đối phương đều bị đánh bật trở lại.

Xe tăng Mỹ liên tiếp bị hạ gục. Máy bay trực thăng bị bắn cháy nằm ngổn ngang trên khắp vùng mặt trận.

Các cựu binh Tiểu đoàn 141 vào thăm chiến trường, hào khí một thời đánh giặc cùng những ký ức đau thương, đan xen lại hiện về trong trí nhớ.

Khi quân địch nống ra chiếm cao điểm số 1 phía Lao Bảo, các chiến sĩ quân giải phóng đã đánh bật chúng ra khỏi mục tiêu và tiến lên tiêu diệt chiếm thêm cao điểm số 2  và số 3.

Cuộc chiến diễn ra căng thẳng, có lúc ta và địch giành giật từng khúc hào, từng đoạn đường, chặn đánh các mục tiêu co cụm rồi tiến lên chiếm lĩnh các điểm cao.

Địch phản công, dàn đội hình chống trả. Quân giải phóng siết chặt vòng vây, dồn chúng vào mục tiêu cho lực lượng pháo binh trút đạn tiêu diệt.

Tuy nhiên, đối phương lại cho rằng trong chiến dịch đường 9 Khe Sanh quân giải phóng bị thương vong một cách thảm hại.

Hy sinh, mất mát trong chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Cuộc chiến quyết liệt như thế này làm sao con người trong cuộc chiến không đổ máu. Điều quan trọng là kết cục ai sẽ thắng. Điều đó đã quá rõ. Người Mỹ phải chùn bước, lui quân sau chiến dịch đường 9 vì không ít cảnh tượng thảm bại của họ ở Khe Sanh đã diễn ra như thế này.

Cựu binh Preton Wood từng có mặt ở chiến trường đường 9 Khe Sanh những năm 1968 - 1969 cho biết: Tôi đã phải giết người. Khi giải ngũ, tôi cứ bị ám ảnh giết người, thế là tôi phản đối chiến tranh, tham gia vào phong trào bảo vệ hòa bình. Năm 1989, tôi quay lại Việt Nam, gặp một số nhà văn người miền Bắc. Chúng tôi ăn tối cùng nhau. Có người đã chiến đấu với chúng tôi một số trận ở đường 9. Họ thật tuyệt vời. Còn chúng tôi, những cựu binh Mỹ vẫn còn tức giận, căm ghét chiến tranh.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng ám ảnh về cuộc chiến diễn ra ở đường 9 Khe Sanh vẫn còn đó.

Khe Sanh vẫn còn lưu dấu hình ảnh cuộc chiến tranh hủy diệt để giữ lại cho mai sau. Nơi người Mỹ đã thử nghiệm không ít loại vũ khí tối tân giết người trên mảnh đất này cũng còn đó.

Lòng đất Khe Sanh vẫn còn lưu giữ những linh hồn các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của một dân tộc luôn khát vọng hòa bình. Những anh hùng đã hóa thân vào cát bụi cho non sông, đất nước mãi trường tồn, bình yên.

(còn nữa)

Ký sự của nhà văn Minh chuyên

  • Từ khóa