Chủ nhật, 12/05/2024, 05:18[GMT+7]

Kỳ vọng của cử tri gửi tới kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XVI

Thứ 6, 07/07/2017 | 08:22:02
853 lượt xem
Kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XVI sẽ diễn ra từ ngày 12 - 14/7/2017. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tập trung thảo luận, xem xét, cho ý kiến về các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh; thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của tỉnh. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Bình ghi nhận một số ý kiến, kiến nghị cũng như mong muốn, kỳ vọng của cử tri gửi tới kỳ họp.

Ông Nguyễn Văn Cau, xã Hùng Dũng (Hưng Hà)

Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Toàn tỉnh đã tiến hành rà soát các đối tượng thuộc diện hỗ trợ về nhà ở. Một số gia đình đã vay tiền để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Nhưng do vốn về chậm nên những người đã vay mượn xây hoặc sửa nhà đang gặp nhiều khó khăn. Để động viên và giảm bớt khó khăn cho các gia đình có công với cách mạng, đề nghị tỉnh có giải pháp hỗ trợ nguồn kinh phí sớm để các gia đình hoàn trả số tiền đã vay để xây, sửa nhà ở và có tiền xây mới, sửa chữa nhà ở đã cũ.


Bà Lê Thị Thanh Tâm, phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình)

Trước đây, một bộ sách giáo khoa có thể dùng cho 3 - 4 thế hệ học sinh mà vẫn tốt, nhờ thế, trong một gia đình bố mẹ có thể kèm con, anh chị có thể kèm em học bài, vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục. Nhưng mấy năm gần đây sách giáo khoa thay đổi liên tục, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước, gây khó khăn cho phụ huynh. Không những thế, sách giáo khoa của nhiều nhà xuất bản không có sự thống nhất về nội dung, sách tham khảo có khi ra sai đề, không có tính giáo dục, phụ huynh không biết mua của nhà xuất bản nào để đúng với yêu cầu của nhà trường. Đề nghị các cấp, các ngành kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo nghiên cứu, thống nhất hệ thống sách giáo khoa cho phù hợp, quản lý chặt chẽ việc lựa chọn nội dung và phân phối sách giáo khoa, sách tham khảo nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, tránh lãng phí kinh phí của nhà nước, tiền của của nhân dân.


Ông Nguyễn Văn Thăng, xã An Châu (Đông Hưng)

Thái Bình hiện sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu, tuy nhiên nông dân lại không giàu lên từ nông nghiệp mà phải làm thêm rất nhiều nghề khác nhau để nâng cao chất lượng cuộc sống. Vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”, điển hình nhất là đợt giảm giá lợn hơi hiện nay, từ trung ương đến địa phương vẫn chưa biết làm cách nào để giúp đỡ người chăn nuôi. Vì vậy, tôi đề nghị, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh cần có quy hoạch phát triển nông nghiệp đồng bộ, ưu tiên phát triển những ngành, lĩnh vực làm ra sản phẩm thị trường cần. Chú trọng xây dựng các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân, có sự giám sát, điều tiết của nhà nước để sản phẩm khi làm ra có đầu ra ổn định, bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống nông dân.


Ông Lê Trường Sinh, xã Thái An (Thái Thụy)

Mặc dù các cơ quan chuyên môn đã thông báo loại thuốc dùng, liều lượng, cách pha chế, cách phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho cây trồng tới từng hộ nông dân song hiện nay nhiều hộ nông dân vẫn phun kèm, phun ghép nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật trong một lần, không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn vừa gây tốn kém, hiệu quả phòng, trừ sâu bệnh thấp vừa gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, việc sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan không chỉ gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Vì thế, các đại biểu HĐND tỉnh cần tăng cường các hoạt động giám sát, kiến nghị với ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc trừ cỏ; đẩy mạnh tuyên truyền người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Đỗ Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày