Thứ 5, 09/05/2024, 21:26[GMT+7]

Cần quan tâm hơn nữa đến việc dạy người

Thứ 2, 21/08/2017 | 14:57:22
2,573 lượt xem
Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016 -2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Dự hội nghị còn có đồng chí Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội. 

Dự điểm cầu Thái Bình có đồng chí Đặng Phương Bắc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2016 - 2017, bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ quan quản lý giáo dục ở Trung ương và địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế chủ yếu trong công tác quản lý giáo dục các cấp trong năm học vừa qua, trong đó, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong từng vấn đề cụ thể. Đồng thời, đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của ngành Giáo dục trong năm học tới, xem các nội dung này đã đúng, trúng chưa, trên cơ sở đó cùng nhau tập trung thực hiện cho hiệu quả.

Theo báo cáo tổng kết năm học 2016 - 2017, toàn ngành đã tập trung triển khai thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 giải pháp cơ bản theo chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được một số kết quả trong việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp, lồng ghép các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.... Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra rất nhiều hạn chế, yếu kém như quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp, chậm hướng dẫn triển khai; thiếu trường, lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết; năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ quản lý trường học còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới;  tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp ở một số địa phương còn thấp.

Năm học 2017 – 2018, ngành Giáo dục vẫn tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản đó là: rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đổi mới chương trình giáo dục giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua, nhất là việc phổ cập mầm non 5 tuổi; công tác quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều tiến bộ, giảm bớt bệnh thành tích, bỏ bớt những cuộc thi, những thủ tục hành chính không cần thiết. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra 5 bất cập của ngành giáo dục: quản lý nhà nước, quản trị đại học, quản trị trong các trường phổ thông còn nhiều bất cập; chậm trong triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa; chưa chú ý toàn diện đến việc dạy người; thừa, thiếu giáo viên cục bộ giáo dục thường xuyên, nhất là cho người lớn chưa được chú trọng. Đặc biệt, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ ra thời gian tựu trường, khai giảng đang bất cập bởi hầu hết các trường đều học trước, khai giảng sau. Đồng chí đề nghị năm học tới, ngành Giáo dục cần quan tâm hơn nữa đến việc dạy người, dạy ngay từ mẫu giáo; cần bãi bỏ những quy định có tính chất cứng nhắc, hình thức, câu nệ, bệnh thành tích; tăng cường tính tự chủ của cơ sở giáo dục, phải tự chủ xuống đến từng giáo viên, đến từng bộ môn; bảo đảm cung cấp kết quả đáng tin cậy cho các trường tuyển sinh; năm học tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bàn kỹ vấn đề về thời gian tựu trường, khai giảng để có quy định phù hợp.

Đặng Anh




Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày