Thứ 4, 01/05/2024, 10:02[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 22)

Thứ 2, 11/09/2017 | 08:41:21
1,741 lượt xem

Trực thăng UH-1D của Đại đội không quân 336 (Không lực Hoa Kỳ) rải chất hóa học lên một vùng rừng rậm tại miền Nam Việt Nam.

Kỳ 22: Thảm họa da cam

Trên 80% diện tích rừng và rừng ngập mặn bị rải thảm chất độc hóa học. Nhiều vùng rừng không còn sự sống, cây trụi lá, thân cành khô, trơ trụi.

Đau xót hơn, chất độc triệt hạ sự sống của con người, Hơn 4,8 triệu người Việt Nam là nạn nhân da cam. Hàng vạn người đã chết. Hàng vạn người khác đang chịu cảnh nửa sống nửa chết, quằn quại suốt ngày đêm.

Ba thế hệ một gia đình cùng chung nỗi đau. Người cha trực tiếp nhiễm. Con cháu thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba. Rồi đây, chắt của người lính, thế hệ thứ tư, thế hệ thứ năm chắc gì đã thoát họa da cam.

Gia đình ông Hồ Sỹ Hải ở thành phố Thái Bình, bản thân ông ảnh hưởng không nặng nhưng các con của ông mỗi người một số phận bi thương.

Người mang dòng máu da cam là người nghèo nhất trong số những người nghèo, người khổ đau nhất trong số những người khổ đau. Có nỗi đau nào cơ cực như nỗi đau da cam. Nó đẩy con người vào hoàn cảnh đau thương, cùng cực.

Một loại chất độc di truyền qua phủ tạng, kéo dài hết đời này qua đời khác, nhiều người Việt Nam đang phải gánh chịu.

Thế hệ thứ năm ư? Chiến tranh hóa học, sao mi tàn ác thế? Mi còn giết người đến bao giờ? Đến bao giờ?

Đất nước còn nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước ta vẫn dành một phần kinh phí thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam.

Nhiều địa phương đã có những hành động thiết thực. Đà Nẵng hình thành các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam. Đây là cơ sở thường xuyên nuôi dưỡng, phục hồi cho trên 200 nạn nhân thế hệ thứ ba. Trong tương lai, Đà Nẵng đầu tư hoàn thành một số công trình mới.

Việc thực hiện chính sách vừa là lương tâm vừa là vấn đề công bằng xã hội. Những người xả thân chiến đấu đem lại hòa bình cho Tổ quốc, cho nhân dân đang mang họa da cam, khốn khó, giúp họ là lẽ sống, là trách nhiệm.

Hội nạn nhân chất độc da cam/Điôxin các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình... ngoài việc xây dựng cơ sở tập luyện phục hồi chức năng còn tổ chức đào tạo nghề, lo việc làm, giúp các gia đình nạn nhân vươn lên trong cuộc sống.

Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có hơn 20.000 nạn nhân da cam đang đầu tư xây dựng mô hình làng Cam, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tại làng. Đây là một ý tưởng nhân văn độc đáo. Chắc chắn làng Cam sẽ đem lại hiệu quả cho các nạn nhân.

Trung tâm tẩy độc tại Thái Bình đã sử dụng nhiều năm đạt kết quả tốt. Nạn nhân từ các tỉnh miền Bắc tập trung về đây điều trị. Qua tẩy độc sức khỏe dần dần được hồi phục.

Các cấp hội đã chi hơn 3.000 suất học bổng, 60 tỷ đồng cấp vốn hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho các gia đình nạn nhân khó khăn. Xây dựng hàng chục trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân.

Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ số người bị di chứng chất độc da cam rất nhiều, tỉnh hội đã vận động cộng đồng xã hội cùng chung tay chăm lo giúp đỡ các nạn nhân.

Nỗi đau này người Mỹ không thể thoái thác, Hội nạn nhân chất độc da cam/Điôxin đã tổ chức nhiều cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ và tham gia các diễn đàn quốc tế. Phối hợp đấu tranh gây sức ép đối với chính phủ Mỹ. Tổ chức các đoàn nạn nhân sang Mỹ vận động, đấu tranh.

Đại diện Hội trực tiếp vận động nghị sĩ quốc hội Mỹ khóa 112 đề nghị chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm với người nhiễm chất độc Điôxin và tẩy độc những vùng người Mỹ rải thảm.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhiều lần tham dự điều trần tại Mỹ, bà cho biết: Thực trạng hậu quả chiến tranh hóa học ở Việt Nam làm nên sự rung động hàng triệu trái tim và thức tỉnh lương tri con người.

Hiện tại, Hội nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu hậu quả ảnh hưởng của Điôxin làm cơ sở khoa học pháp lý đấu tranh để chính phủ Mỹ và những cơ quan gây ra cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam phải có trách nhiệm tẩy rửa môi trường nhiễm độc và bồi thường cho các nạn nhân da cam.

Nhiệm vụ đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân, yêu cầu chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm giải quyết vấn đề chất độc da cam là một việc làm được dư luận ủng hộ, xã hội đánh giá cao. Hội đã tích cực xúc tiến các vụ kiện công ty hóa chất sản xuất, cung cấp chất độc cho quân đội Mỹ sử dụng tại Việt Nam, gây hậu họa nghiêm trọng. Vụ kiện bắt đầu từ tháng 1/2004. Để đi đến công lý một hành trình gặp không ít khó khăn. Tòa sơ thẩm và phúc thẩm của Mỹ từ chối không thụ lý hồ sơ vụ kiện. Tòa án tối cao Mỹ thông báo không xem xét đơn kháng án của nạn nhân Việt Nam, vụ kiện vì thế mà dừng lại. Trước sự hậu thuẫn của Hội, các nhân chứng cùng đại diện nguyên đơn Việt Nam tiếp tục lên đường sang Mỹ tranh đấu. Cùng với các vụ kiện, Hội còn đẩy mạnh các hoạt động vận động, đấu tranh yêu cầu chính phủ Mỹ không thể thoái thác trách nhiệm. Sau cuộc điều trần tháng 5/2008, Hội còn tiến hành hai cuộc điều trần khác về chất độc da cam tại quốc hội Mỹ. Mặt khác, Hội tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, phối hợp đấu tranh gây sức ép với chính phủ Mỹ, tổ chức nhiều đoàn nạn nhân sang Mỹ vận động đấu tranh. Lãnh đạo Hội trực tiếp đến quốc hội Mỹ, vận động nghị sĩ quốc hội khóa 112 Bôn phim Nờ đề nghị chính phủ Mỹ phải tăng cường hỗ trợ nạn nhân và tẩy độc môi trường tại Việt Nam. Sau các vụ kiện tại Mỹ, Hội còn phối hợp với Hội Luật gia dân chủ thế giới và một số tổ chức khác mở phiên tòa công lý tại Paris, xét xử 37 công ty hóa chất của Mỹ. Phiên tòa có tác dụng tố cáo mạnh mẽ trách nhiệm của người Mỹ về việc rải thảm chất độc hóa học tại Việt Nam. Hiện nay Hội đang thu thập chứng cứ để triển khai các vụ kiện mới tại Mỹ nhằm đấu tranh đòi lại công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam. Hoạt động đối ngoại ngày càng được mở rộng, tập hợp lực lượng vì hòa bình và công lý. Phát động chương trình nhắn tin từ thiện, thúc đẩy phong trào hành động vì nạn nhân chất độc da cam. Các hoạt động trên lĩnh vực tài chính, công tác sử dụng quỹ thực hiện khá tốt. Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin Việt Nam trở thành một trong những chỗ dựa vững chắc của nạn nhân, xứng đáng với 13 chữ “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam” do Ban Bí thư Trung ương Đảng trao tặng và tấm huân chương cao quý do Chủ tịch nước tặng. Thay mặt hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam, đồng chí Chủ tịch Hội xúc động, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng đồng bào, chiến sĩ, các doanh nghiệp và bạn bè quốc tế... đã chia sẻ bằng những nghĩa cử cao đẹp, sát cánh cùng các cấp hội làm được nhiều việc có ý nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam. Các cấp hội cần phải đoàn kết, nỗ lực hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, chung sức chung lòng cùng toàn xã hội mới có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ và tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân.

  • Từ khóa