Thứ 6, 10/05/2024, 02:23[GMT+7]

Nam Bình - năm 2017 không xảy ra vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn

Thứ 6, 03/11/2017 | 08:26:01
968 lượt xem
Nhờ chú trọng thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, những năm qua, xã Nam Bình (Kiến Xương) không để nảy sinh những vụ việc phức tạp và tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài góp phần giữ gìn ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.

Niêm yết công khai các thủ tục hành chính để người dân chủ động tìm hiểu, biết và thực hiện.

Chỉ vì nghi ngờ lấn đất của nhau, gia đình ông Phạm Văn Vinh, gia đình bà Bùi Thị Ngọc và gia đình bà Lê Thị Má ở thôn Đa Cốc, xã Nam Bình nảy sinh tranh chấp, mâu thuẫn. Vụ việc có thể sẽ trở nên phức tạp khiến cho ba gia đình đánh mất tình làng nghĩa xóm và kéo nhau ra tòa để phân xử. Nhưng được sự vào cuộc kịp thời của các thành viên tổ hòa giải thôn Đa Cốc và chính quyền xã nên mọi người đều nhận ra sai phạm của mình, giải quyết triệt để mâu thuẫn và hàn gắn được tình cảm “sớm lửa tối đèn có nhau”. 

Ông Phạm Văn Dương, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Đa Cốc chia sẻ: Để hòa giải những xích mích của các gia đình, ngoài căn cứ vào các quy định của pháp luật để phân tích cho người dân hiểu rõ đúng, sai thì việc lấy tình cảm, đạo lý truyền thống của dân tộc để tuyên truyền, vận động và dùng uy tín của những người có vai trò trong dòng họ, người được nhân dân tin tưởng để thuyết phục họ hòa giải với nhau rất quan trọng. Sự kết hợp hài hòa giữa lý và tình trong quá trình hòa giải sẽ giúp cho các đối tượng dễ chia sẻ với nhau và đi đến thống nhất không mâu thuẫn nữa.

Năm 2016, Nam Bình xảy ra 5 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến các vấn đề: đất đai, trật tự an toàn xã hội và hôn nhân gia đình. Cả 5 vụ việc khi mới phát sinh đều được các tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải thành công. 

Bà Ngô Thị Hồng Loan, cán bộ tư pháp xã cho biết: Xác định công tác hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, hành động theo pháp luật của người dân và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương nên nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ cho các tổ hòa giải hoạt động. Sau mỗi kỳ đại hội chi bộ, các đoàn thể và bầu cử trưởng thôn, UBND xã tổ chức kiện toàn ngay nhân sự của tổ hòa giải. Hiện nay, xã có 6 tổ hòa giải với 40 hòa giải viên gồm trưởng ban công tác mặt trận, trưởng thôn, chi hội trưởng các đoàn thể. Đặc biệt, việc đưa trưởng các dòng họ và người có uy tín trong cộng đồng tham gia tổ hòa giải đã mang lại hiệu quả rất thiết thực.

Nhằm nâng cao trình độ cho các hòa giải viên, hàng năm, địa phương phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức từ 1 - 2 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải cho các thành viên tổ hòa giải. Bên cạnh trang bị kiến thức pháp luật, các hòa giải viên còn được cấp sổ tay cẩm nang hòa giải, được thảo luận, trao đổi, chia sẻ kỹ năng, phương pháp hòa giải từ khâu tiếp nhận vụ việc, nắm bắt vấn đề mâu thuẫn, tâm tư nguyện vọng của các đối tượng đến xây dựng kế hoạch, định hướng xử lý và tiến hành hòa giải. Với từng vụ việc cụ thể, tổ hòa giải sẽ phân công thành viên phù hợp, không huy động đông người để tránh đối tượng được hòa giải có tâm lý mặc cảm, e ngại mà thân tình chia sẻ những bức xúc từ đó làm căn cứ để hòa giải hiệu quả.

Song song với nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải, UBND xã cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức. Mỗi năm, địa phương tổ chức 6 - 7 hội nghị chuyên đề tuyên truyền pháp luật tại xã và từng thôn cho hơn 900 lượt người; gần 20 cuộc tuyên truyền lồng ghép tại hội nghị của các đoàn thể và họp khu dân cư; kẻ vẽ hàng chục bảng tường, băng rôn, khẩu hiệu; hàng tháng có chuyên mục tuyên truyền pháp luật trên hệ thống đài truyền thanh xã; tổ chức các buổi tư vấn, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách, người nghèo… 

Ông Bùi Văn Biển, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Do làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nên từ đầu năm 2017 đến nay trên địa bàn xã không xảy ra vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn. Tình làng nghĩa xóm, đoàn kết trong cộng đồng dân cư được củng cố; tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp không còn, góp phần ổn định về chính trị, tạo điều kiện để kinh tế - xã hội địa phương phát triển, giữ vững thành quả xây dựng nông thôn mới.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày