Chủ nhật, 05/05/2024, 15:11[GMT+7]

Hưng Hà bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Thứ 2, 28/09/2015 | 08:36:10
2,410 lượt xem
Tự hào là vùng đất cổ được hình thành từ hơn 2.500 năm trước với bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến, do đó, làm sao và làm như thế nào để người dân nhận thấy cái mới ở nông thôn mới (NTM), đồng thời vừa xây dựng NTM vừa bảo tồn di tích lịch sử văn hóa là vấn đề các cấp ủy đảng, chính quyền ở Hưng Hà luôn trăn trở và quyết tâm thực hiện hiệu quả.

Thi cỗ cá tại lễ hội đền Trần năm 2015. Ảnh: Thành Tâm

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hưng Hà còn lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng quý giá. Toàn huyện có 696 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích lịch sử và 1 di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng cấp quốc gia, 77 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, ở Hưng Hà thường diễn ra 175 lễ hội lớn nhỏ, mang đậm bản sắc dân tộc, tiêu biểu là lễ hội đền Trần, lễ hội đền Tiên La, tục giao chạ giữa hai làng Tam Đường (xã Tiến Đức) và làng Vân Đài (xã Chí Hòa)... Để thực hiện được mục tiêu vừa phát triển kinh tế, xây dựng NTM vừa gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hưng Hà đã vào cuộc sát sao, quyết liệt, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân nhằm khơi dậy ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Các ban quản lý trong hệ thống di tích của toàn huyện đã từng bước tổ chức tu bổ, chống xuống cấp di tích, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, giữ gìn và khai thác giá trị của di tích. Công tác sưu tầm, nghiên cứu về truyền thống lịch sử văn hóa được coi trọng đúng mức và triển khai khá đồng bộ, hiệu quả. Huyện đã chỉ đạo các địa phương chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, thực hiện bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo, phục dựng các di sản văn hóa, hoàn thiện quy hoạch và tổ chức thực hiện các dự án văn hóa trọng điểm như: Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn, đền Tiên La, di tích Thái phó Lưu Khánh Đàm; thường xuyên tu bổ, trùng tu, nâng cấp Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Hồng An, Đền thờ và lăng mộ các vị vua triều Trần tại xã Tiến Đức. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất văn hóa, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong xây dựng NTM.

Những hoạt động thiết thực trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn thể cán bộ, nhân dân trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, góp phần thúc đẩy phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" phát triển mạnh mẽ và sâu rộng, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị và xây dựng NTM của địa phương. Đến nay, toàn huyện Hưng Hà có 79,7% thôn làng đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, 45,45% số xã đạt danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới". Ông Chu Ngọc Diệp, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến chia sẻ: Trong quá trình xây dựng NTM, địa phương luôn chú trọng công tác bảo tồn các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa truyền thống để góp phần đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển toàn diện, bền vững. Bà Lê Thị Hà, xã Chí Hòa cho biết: Giữ gìn nét đẹp của các lễ hội, phong tục truyền thống của địa phương không những làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân mà còn khơi dậy thuần phong mỹ tục để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau biết trân trọng, bảo vệ và phát huy nét đẹp văn hóa của quê hương.

Hiệu quả từ việc bảo tồn các giá trị văn hóa trong xây dựng NTM ở Hưng Hà đã cho thấy đây là một chủ trương đúng, tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền và nhân dân địa phương phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện hơn. Đặc biệt, việc gìn giữ tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tạo đà để sự phát triển của vùng đất cổ ngày một vững mạnh. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Soi, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Hưng Hà: Hiện địa phương còn khó khăn về kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa. Do đó, cần lồng ghép công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM trên địa bàn. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, cần tích cực huy động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, nhất là nhân dân địa phương để bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa. Đồng thời, có hình thức khen thưởng xứng đáng những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích để văn hóa truyền thống không bao giờ mai một theo thời gian.

Mai Thư

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày