Chủ nhật, 05/05/2024, 10:38[GMT+7]

Đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp chung sức xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 09/11/2015 | 08:45:45
1,317 lượt xem
Nhân dịp Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vai trò của đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp đối với sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thu hoạch lúa mùa ở Đông Hưng. Ảnh: Tất Đạt

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những đóng góp của đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh những năm qua?

Đồng chí Nguyễn Xuân Dương: Đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp đã có sự phát triển lớn mạnh cả về chất và lượng. Toàn ngành có 2.395 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trong đó, 933 cán bộ, công nhân viên chức có trình độ đại học, 54 thạc sĩ, 2 nghiên cứu sinh và 1 tiến sĩ. Đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp là lực lượng chủ động, tích cực, sáng tạo trong chỉ đạo, tham mưu và triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành, sâu sát với thực tế, nhanh nhạy trong tiếp cận các thông tin khoa học, tiến bộ kỹ thuật mới để nghiên cứu, chuyển giao vào sản xuất, góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp của tỉnh 5 năm (2010 - 2015) ước tăng bình quân 3,9%/năm. Sản xuất lúa liên tục được mùa lớn với sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn/năm. Diện tích cây màu được mở rộng đạt trên 65.000ha và nâng cao giá trị.

Hàng năm, các đơn vị trong ngành thực hiện từ 5 - 7 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, triển khai 20 - 30 mô hình khuyến nông, khuyến ngư, khảo nghiệm khoảng 300 giống cây trồng mới và quy trình canh tác mới. Kết quả, đã đưa các giống mới có ưu thế vượt trội về năng suất, chất lượng, kháng chịu sâu bệnh tốt vào sản xuất, thay thế dần các giống cũ; ứng dụng công nghệ canh tác tiên tiến vào sản xuất. Để hỗ trợ nông dân nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp, hàng năm, đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp chủ động tham mưu với ngành, với tỉnh xây dựng và tổ chức triển khai đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách như: cơ chế hỗ trợ vụ xuân, vụ hè, vụ đông, máy nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu, phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, các cơ chế, chính sách trong xây dựng nông thôn mới...

Phóng viên: Đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đồng chí có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Đồng chí Nguyễn Xuân Dương: Đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp là lực lượng chủ trì tham mưu, soạn thảo Đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới, tiếp đó là Đề án xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Đồng thời, đội ngũ trí thức của ngành cũng giữ vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai thực hiện, đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp đã kết hợp với các ngành, chỉ đạo triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; luôn sâu sát cơ sở, tổng kết thực tiễn để kịp thời tham mưu điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách của tỉnh cho phù hợp.

Trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa cùng loại sản phẩm với quy mô hàng trăm ha/vùng như: vùng trồng ớt, khoai tây, ngô, lúa chất lượng cao... đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông dân.

Hết năm 2014 đã có 85 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra (chiếm 32,3% tổng số xã xây dựng nông thôn mới), 59 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 113 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, còn 6 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Bình quân tăng 10 tiêu chí/xã so với năm 2010. Năm 2015, 80 xã đăng ký về đích nông thôn mới đã tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hết năm, toàn tỉnh sẽ có trên 160 xã về đích nông thôn mới và có một huyện đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đưa Thái Bình trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Phóng viên: Để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong những năm tới, theo đồng chí, cần có những giải pháp như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Xuân Dương: Theo quan điểm của cá nhân tôi, trước hết, tỉnh cần mở rộng hơn nữa chính sách thu hút người tài, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là những chuyên ngành tỉnh ta còn thiếu và yêu cầu phải có trình độ chuyên môn cao. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, đáp ứng tốt việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật của đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp. Tăng nguồn vốn cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp như: đề tài nghiên cứu khoa học, xây dựng mô hình trình diễn, khảo nghiệm khuyến nông, khuyến ngư - nhất là các ứng dụng khoa học phục vụ tái cơ cấu ngành và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, đội ngũ trí thức ngành Nông nghiệp cần đi sâu vào việc triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với tích tụ ruộng đất và chuyển dịch lao động trong nông nghiệp. Tiếp tục có những giải pháp mới nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã về đích nông thôn mới, đặc biệt là bài toán phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân gắn với bảo vệ môi trường bền vững là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Nguyễn Hình
                   (thực hiện)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày