Chủ nhật, 05/05/2024, 08:00[GMT+7]

Nông thôn chuyển mình

Thứ 4, 11/11/2015 | 09:00:05
1,454 lượt xem
Hết năm 2014, toàn tỉnh có 85 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới (NTM). Theo tiến độ thực hiện ở các địa phương, dự kiến đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 165/263 xã về đích và 1 huyện đạt huyện NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã, tăng 10 tiêu chí/xã so với trước khi triển khai. Thái Bình đã hoàn thành vượt xa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở

Đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Thành Tâm.

 

Phóng viên: Khi triển khai xây dựng NTM, nhiệm vụ nào được tỉnh đặt lên hàng đầu, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Xuân Dương: Để thực hiện các tiêu chí NTM, công tác quy hoạch được tỉnh xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM. Để bảo đảm chất lượng, tiến độ quy hoạch và giảm bớt kinh phí quy hoạch, tỉnh đã chỉ đạo và giao các ngành chức năng rà soát, lựa chọn các đơn vị tư vấn, lập quy hoạch trong tỉnh; phân công cán bộ chuyên ngành xuống cơ sở trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ việc triển khai lập quy hoạch và góp ý kiến vào quy hoạch của cơ sở; đồng thời, yêu cầu các xã phải trực tiếp tham gia quy hoạch, không phó mặc cho tư vấn, phải công khai bàn bạc, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân; cải cách thủ tục hành chính tiếp nhận và thẩm định hồ sơ quy hoạch. Đến cuối năm 2012, 100% số xã trong tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng NTM, quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng,quy hoạch phát triển sản xuất vàquy hoạch khu trung tâm xã.

 

Phóng viên: Thưa ông, Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) đặt ra mục tiêu đầu tiên là xây dựng NTM có nền sản xuất phát triển, việc này đã được triển khai thực hiện như thế nào?

 

Ông Nguyễn Xuân Dương: Tỉnh đã phê duyệt đề án và kế hoạch dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp gắn với quy hoạch để tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Thông qua tuyên truyền, vận động và bằng cách làm dân chủ, công khai, minh bạch, khơi dậy và phát huy tốt sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đến hết tháng 6/2013, 100% số xã trong tỉnh đã hoàn thành dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, vượt kế hoạch đề ra. Sau dồn điền đổi thửa, bình quân chung toàn tỉnh là 1,79 thửa/hộ, giảm gần 2 thửa/hộ.

 

Tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất lúa, sản xuất cây màu, cây vụ đông; cơ chế xây dựng mô hình cánh đồng mẫu… Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 143 cánh đồng mẫu trên diện tích 6.072ha, trong đó có 115 cánh đồng mẫu có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Nhiều cánh đồng mẫu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm, góp phần không nhỏ nâng cao đời sống người dân nông thôn, thúc đẩy phong trào xây dựng NTM.

 

Phóng viên: Xây dựng NTM đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi đó ngân sách của trung ương, tỉnh hỗ trợ còn hạn hẹp, vậy tỉnh đã có giải pháp gì để huy động nguồn lực trong dân, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Xuân Dương: Trước hết, tỉnh đã chủ động và tập trung huy động mọi nguồn lực phục vụ xây dựng NTM. Đồng thời, đã kịp thời ban hành và điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Cơ chế huy động cũng được thực hiện theo hướng đa dạng hóa các nguồn vốn thông qua lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; huy động tối đa nguồn lực của địa phương; các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn tín dụng; các nguồn vốn hợp pháp khác. Đặc biệt, việc hỗ trợ xi măng theo Quyết định số 19 của UBND tỉnh và cơ chế người dân làm chủ trong đầu tư được thực hiện từ cuối năm 2013, tổng nguồn lực huy động trong dân tăng gấp gần 3 lần so với tổng nguồn lực huy động từ những năm trước. Tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM đến năm 2015 của tỉnh đạt trên 14.400 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp cho chương trình xây dựng NTM trên 4.000 tỷ đồng, vốn huy động từ cộng đồng dân cư trên 6.600 tỷ đồng (gồm cả ngày công, tài sản, hiến đất, hiện vật quy ra tiền), vốn xã hội hóa 1.095 tỷ đồng. Thông qua việc huy động các nguồn lực, kết cấu hạ tầng NTM ở các địa phương được tập trung đầu tư, tạo nên diện mạo mới ở nhiều thôn, xã.

 

Phóng viên: Kết quả đối với những tiêu chí không đòi hỏi nguồn lực lớn như thế nào, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Xuân Dương: Các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phát triển sôi nổi, rộng khắp ở các xã, thôn; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh. Kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở được giữ vững; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã; những bức xúc về ô nhiễm môi trường ở nông thôn từng bước được tập trung giải quyết. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm hỗ trợ.Các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chínhsách đối với người và gia đình có công với cách mạng, các chính sách xã hội được thực hiện tốt.

 

Hệ thống chính trị ở các xã trong tỉnh được củng cố, kiện toàn; có bước đổi mới nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, vai trò quản lý, điều hành của chính quyền; dân chủ được phát huy; MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Nguyên Bình

(thực hiện)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày