Thứ 5, 09/05/2024, 13:46[GMT+7]

Triển khai nhiệm vụ công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn phòng Chính phủ

Thứ 5, 18/01/2018 | 08:06:07
707 lượt xem
Sáng 17-1, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội năm 2018 tại 63 điểm cầu trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: TRẦN HẢI

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng: Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Vũ Ðức Ðam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ðào Ngọc Dung, Bộ trưởng LÐ-TB và XH và đại diện nhiều bộ, ngành, các địa phương.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả ngành LÐ-TB và XH đạt được trong năm 2017. Ngành đã tổ chức thành công, quy mô lớn các hoạt động "Ðền ơn, đáp nghĩa", tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng… Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, chất lượng, hiệu quả trong một số lĩnh vực chưa được cải thiện, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, như: năng suất lao động thấp, thu nhập trung bình của người lao động chưa cao, tỷ lệ thất nghiệp cao, tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội thấp, công tác giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng bạo hành trẻ em gây bức xúc dư luận xã hội… Thủ tướng đề nghị, ngành LÐ-TB và XH phải nghiêm túc đánh giá, tìm ra nguyên nhân chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan cùng vào cuộc để có các giải pháp thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ được giao.

Quán triệt tinh thần Chính phủ kiến tạo, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ LÐ-TB và XH khẩn trương xây dựng đề án cải cách tiền lương, đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để trình Hội nghị T.Ư 7. Cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực, đó chính là "chìa khóa" để thoát bẫy thu nhập trung bình. Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia xây dựng trường nghề, cung cấp dịch vụ hướng nghiệp… Tăng cường quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập cao. Tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh, chính sách giảm nghèo… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, người lao động, nhất là những ngành nghề sử dụng lao động. Vì vậy, Bộ LÐ-TB và XH cần chủ động, đồng bộ trong phát triển khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực. Năm 2018, ngành phải tập trung đổi mới hệ thống dạy nghề theo hướng tự chủ, gắn với doanh nghiệp, hướng về công nghệ mới, nhất là kỹ năng công nghệ thông tin. Trong bối cảnh, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), cần nắm tình hình công nhân và người lao động sát hơn nữa, quan tâm quyền lợi chính đáng, nhất là các thiết chế văn hóa cần thiết cho người lao động.

Thủ tướng đề nghị, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, ngành LÐ-TB và XH và các cấp, các ngành hết sức quan tâm đến đối tượng người nghèo, người có công, người không có nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người lao động ở khu vực công nghiệp, người ở công trường, bệnh viện…

★ Ngày 17-1, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự, có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Ðảng, Chánh Văn phòng T.Ư; Vũ Ðức Ðam, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng nhiều mặt của VPCP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm qua, nhất là làm tốt công tác tham mưu, tổng hợp. Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi, chúc mừng nhiệt liệt của các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đến tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động VPCP.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu một số bất cập, hạn chế mà VPCP cần khắc phục trong thời gian tới. Thủ tướng nêu rõ, VPCP là cơ quan tham mưu, tổng hợp trực tiếp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, do đó, việc xây dựng VPCP hiện đại, đáp ứng yêu cầu là nhiệm vụ hết sức cấp bách. VPCP có trách nhiệm giúp Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân.

Ðề cập phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu VPCP phải tiên phong thực hiện phương châm hành động của Chính phủ; nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là công tác tham mưu, tổng hợp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chất lượng công việc phải được nâng lên. VPCP là cơ quan "gác gôn", người sát nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ. Nêu bật ba nguyên nhân làm kinh tế chậm phát triển: chậm thực hiện kinh tế thị trường; kỷ cương phép nước không nghiêm; tình trạng tham nhũng, "lợi ích nhóm" còn tồn tại, Thủ tướng cho rằng, công tác tham mưu, tổng hợp của VPCP phải khắc phục các vấn đề này; phải tham mưu, tìm ra những dư địa để giải phóng sức sản xuất, để đất nước phát triển mạnh hơn, không rơi vào bẫy thu nhập trung bình. VPCP phải cùng với các bộ, ngành chức năng đề xuất những định hướng chính sách; có trách nhiệm tạo nên môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với những giải pháp cụ thể để tạo môi trường phát triển cho đất nước. Trong quá trình này không được nôn nóng phát triển mà quên các yếu tố bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng đề nghị VPCP chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng sử dụng người tài, có năng lực, sáng kiến; thưởng phạt nghiêm minh. VPCP phải lắng nghe các ngành, địa phương... trong tham mưu, xây dựng thể chế chính sách, đề án. Công tác này phải được làm nhanh để phục vụ điều hành kinh tế vĩ mô. Làm tốt tham mưu chiến lược, dự báo, phân tích, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tiếp tục phát huy vai trò Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; không để chậm trễ, nợ đọng các văn bản pháp luật. Tích cực xây dựng Chính phủ điện tử; lắng nghe ý kiến đóng góp, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày