Thứ 6, 26/04/2024, 16:32[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Thụy Việt Phải bắt đầu từ chính người dân

Thứ 3, 29/05/2012 | 13:38:49
3,215 lượt xem
Xã Thụy Việt (Thái Thụy) những năm trước được biết đến là nơi mất ổn định tình hình an ninh nông thôn, khiếu kiện kéo dài. Từ năm 2011, địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên trong điều kiện còn “muôn vàn khó khăn” để mục tiêu trở thành hiện thực trước hết cần sự đồng lòng quyết tâm của chính những người dân nơi đây.

Làng quê Thụy Việt đang đổi thay từng ngày

Muôn vàn khó khăn

Nhiều năm qua, Thụy Việt luôn được xếp vào nhóm những xã khó khăn nhất tỉnh. Suốt thời gian dài từ năm 2000 đến 2008, trong khi các địa phương khác tập trung phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống cho người dân thì nơi đây vẫn chỉ “ loay hoay” với việc ổn định tình hình an ninh nông thôn, giải quyết khiếu kiện của một số người dân. Đội ngũ cán bộ xã thường xuyên thay đổi, năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo còn hạn chế. Các phong trào thi đua luôn ở vị trí cuối cùng của huyện, Đảng bộ, chính quyền xếp loại yếu kém.

 

Toàn xã có hơn 90% dân số sinh sống nhờ sản xuất nông nghiệp nhưng đến nay địa phương chưa thành lập được HTX dịch vụ nông nghiệp. Mọi công việc đều do Ban điều hành (BĐH) sản xuất của xã chịu trách nhiệm, cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc nên cùng với việc xây dựng, triển khai đề án, chỉ thực hiện được khâu bảo vệ thực vật. Khâu thủy nông do các thôn tự đứng ra thu tiền của dân để hoạt động.

 

Nhiều năm nay, BĐH sản xuất xã cũng không tự tổ chức chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KHKT cho nông dân mà phải lồng ghép qua các hội nghị của hội nông dân, phụ nữ, Trung tâm học tập cộng đồng; không có điều kiện khảo nghiệm, ứng dụng các mô hình sản xuất mới trên đồng ruộng nên phần lớn diện tích vẫn độc canh cây lúa, cây màu, cây vụ đông chỉ đạt 35 đến 45 ha.

 

Hệ thống các công trình thủy lợi: cầu cống, mương máng, đường ra đồng của Thụy Việt xuống cấp nghiêm trọng. Toàn xã có 44.200 m kênh mương cấp I, II nhưng mới 635m kênh cấp I được cứng hoá, 100% bờ vùng, bờ thửa đắp đất thấp nhỏ; hai cống lấy sa vùng ngoài bãi triều đã hỏng hoàn toàn, một năm xã phải đắp đập từ 2 đến 3 lần để giữ nước, tốn nhân công và chi phí.

 

Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh hầu hết không được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa. Trụ sở Đảng uỷ, UBND xã nay xuống cấp, cả 5 thôn không có nhà văn hoá. Trường Mầm non nằm phân tán ở 5 điểm lẻ, Trường Tiểu học dù đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ I nhưng không đủ về diện tích, thiếu các công trình phụ trợ.

 

Đặc biệt, Trường THCS xây dựng cách đây mấy chục năm đã xuống cấp nghiêm trọng, giáo viên, học sinh phải dạy và học trong điều kiện đặc biệt khó khăn: nóng bức, mưa dột, thiếu thốn đủ mọi thứ. Trường có 8 lớp học nhưng chỉ có 6 phòng học, xã và phụ huynh học sinh cùng hỗ trợ xây thêm 2 phòng học tạm lợp ngói Brô ximăng và phải chia ca học 2 buổi/ngày. Khu nhà tập thể của giáo viên trước đây xập xệ, cũ nát lẽ ra phải dỡ bỏ nhưng nay vẫn phải tận dụng làm nhà hiệu bộ cho giáo viên.

 

Những chuyển biến tích cực

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Phạm Trọng Quán cho biết: trước những khó khăn như vậy, thời gian qua, các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện đã tích cực chỉ đạo, giúp Thụy Việt ổn định tình hình. Xã thực hiện nghiêm quy trình tiếp công dân, giải quyết những ý kiến, kiến nghị của người dân. Nhiều lần trong các hội nghị, cán bộ xã đã trực tiếp xin lỗi nhân dân về những việc làm chưa đúng của lớp cán bộ trước, mong muốn bà con khép lại “quá khứ”, đoàn kết một lòng thực hiện phong trào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Mọi vấn đề, công việc của xã, của thôn đều được đưa ra họp bàn, công khai dân chủ trong Đảng, lấy ý kiến của nhân dân, khi nào đại đa số tán thành thì mới triển khai thực hiện.

 

Từ chỗ mọi phong trào chìm lắng, gần như không hoạt động, đến tháng 12/2007 cả 5/5 thôn của Thụy Việt đều thực hiện quy ước văn hoá, 98,7% số gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao được khôi phục và phát triển.

 

Cùng với thực hiện việc dồn điền đổi thửa, nhân dân các thôn hăng hái ra đồng làm thủy lợi và đào đắp tổng khối lượng 50.000m3/60.000m3. Năm 2010, từ nguồn đổi đất lấy công trình, Thụy Việt đã đầu tư xây dựng Trạm y tế xã khang trang, đạt chuẩn Quốc gia với vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Địa phương được Nhà nước đầu tư làm 1,9km đường giao thông từ nguồn vốn WB3. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần được cải thiện, xã không còn nhà dột nát. Nhân dân các thôn đã tự đứng lên góp nhân công, vật liệu làm 8 ngõ xóm và 1 đường ra nghĩa trang.

 

Những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm, không để xảy ra trọng án. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán vừa qua Thụy Việt là 1 trong 18 xã của Thái Thụy đêm giao thừa không có tiếng pháo. Cũng từ năm 2008 đến nay, hoạt động của các tổ chức đoàn thể xếp loại trung bình trở lên, riêng năm 2011 xếp loại tốt, Đảng bộ- chính quyền vươn lên xếp loại khá.

 

Cần sự đoàn kết, quyết tâm của chính người dân

Cái được lớn nhất sau hơn 1 năm Thụy Việt  triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới chính là người dân ai cũng hồ hởi, phấn khởi, nhiệt tình đón nhận, tham gia đóng góp ý kiến. Đến nay, địa phương đã hoàn thiện lập quy hoạch chung, triển khai lập các quy hoạch chi tiết và đạt 5/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vừa qua, xã điều tra, khảo sát đánh giá lại toàn bộ thực trạng kinh tế-xã hội của địa phương để lập đề án xây dựng nông thôn mới, khả năng huy động các nguồn lực, đưa ra lộ trình thực hiện phù hợp. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới của địa phương ước khoảng 300 tỷ đồng.

 

Trước mắt, Thụy Việt tập trung chỉ đạo quyết liệt chuẩn bị các điều kiện, thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp, coi đây là vấn đề mấu chốt để phát triển sản xuất, sau đó mới triển khai thực hiện nội dung, tiêu chí khác. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra với địa phương là, một số người dân vẫn còn băn khoăn, chưa tin tưởng vào hoạt động mô hình HTX nên vẫn còn hơn 10% hộ dân chưa làm đơn đăng ký tham gia.

 

Thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu lợi ích thiết thực của xây dựng nông thôn mới. Làm tốt công tác tư tưởng trong Đảng, trong nhân dân đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra tạo sự đoàn kết thống nhất một lòng từ đảng viên đến nhân dân xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

 

Anh Quán khẳng định: đây là vấn đề mấu chốt nhất đối với Thụy Việt và phải làm được điều này thì  tình hình anh ninh nông thôn của địa phương mới thực sự ổn định, có điều kiện huy động các nguồn lực, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của các cấp, các ngành đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chính cuộc sống của người dân.

 

Đối với việc thành lập HTX, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ vấn đề: chỉ khi có HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động độc lập thì  mới có thể đảm nhận các khâu dịch vụ một cách chuyên sâu-hiệu quả, bảo đảm đầy đủ lợi ích của xã viên trong quá trình sản xuất, đồng thời đây cũng là tiêu chí bắt buộc phải thực hiện trong xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 (Tác phẩm tham dự Cuộc thi Báo chí viết về đề tài Xây dựng nông thôn mới)

  • Từ khóa