Thứ 7, 11/05/2024, 04:41[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018)

Thứ 6, 01/06/2018 | 08:45:32
1,273 lượt xem
(Chuyên đề đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 6/2018)

Ảnh tư liệu.

Cách đây 70 năm, giữa thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Để triển khai Chỉ thị này, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.

Mục đích thi đua ái quốc là:

Diệt giặc đói,

Diệt giặc dốt,

Diệt giặc ngoại xâm.

Cách làm là: dựa vào:

Lực lượng của dân,

Tinh thần của dân, để gây:

Hạnh phúc cho dân.

Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau:

Làm cho mau,

Làm cho tốt,

Làm cho nhiều.
Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. 

Thực hiện khẩu hiệu:
Toàn dân kháng chiến
Toàn diện kháng chiến
Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta:
Vừa kháng chiến,
Vừa kiến quốc.
Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc sẽ là:
Toàn dân đủ ăn đủ mặc,
Toàn dân biết đọc, biết viết,
Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới,
Để diệt ngoại xâm,
Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn.
Thế là chúng ta thực hiện:
Dân tộc độc lập,
Dân quyền tự do,
Dân sinh hạnh phúc,
Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra.
Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin
Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,
Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,
Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,
Đồng bào công nông thi đua sản xuất,
Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,
Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân,
Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.
Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi.
Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.
Hỡi toàn thể đồng bào!
Hỡi toàn thể chiến sĩ!
Tiến lên!


       Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 913-915
                 Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội - 2000


Đảng bộ và nhân dân Thái Bình thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: “… mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945), ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Lời kêu gọi của Người có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.

70 năm qua, thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, quân và dân Thái Bình đã đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, vượt qua khó khăn, gian khổ, giành những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phát huy truyền thống quê hương, thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng vạn thanh niên Thái Bình đã lên đường nhập ngũ, hàng ngàn tấn lương thực đã kịp thời chi viện cho chiến trường, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân có những thành tích xuất sắc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, như: huyện Quỳnh Côi (nay là huyện Quỳnh Phụ) - huyện thanh toán nạn mù chữ đầu tiên trong toàn quốc; Thái Bình cũng là 1 trong 2 tỉnh thanh toán nạn mù chữ sớm nhất cả nước, được Bác tặng Sổ vàng lưu niệm. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Thái Bình đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”, làng Nguyên Xá, huyện Tiên Hưng (nay là huyện Đông Hưng) được tặng cờ “Làng kháng chiến kiểu mẫu”; nhiều cá nhân vinh dự được nhận danh hiệu anh hùng, trong đó có chị Nguyễn Thị Chiên, nữ Anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên trong toàn quốc.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhân dân Thái Bình tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được phát động sôi nổi, rộng khắp từ nông thôn đến thành thị: thi đua sản xuất và tiết kiệm; thi đua cải tiến kỹ thuật canh tác; thi đua phá kỷ lục về năng suất lúa giữa các địa phương, tổ đổi công...

Khi đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhân dân trong tỉnh đã hăng hái sản xuất, thực hành tiết kiệm, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, củng cố, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Thái Bình được Nhà nước công nhận là tỉnh có tỷ lệ thanh niên đi bộ đội so với dân số cao nhất toàn miền Bắc. Các phong trào “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”… được toàn dân hưởng ứng mạnh mẽ. Năm 1965, cả tỉnh được mùa; hai huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực đạt bình quân 5 tấn thóc/ha trên toàn bộ diện tích lúa; Hợp tác xã Tân Phong, xã Việt Hùng, huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư) đạt 6,9 tấn thóc/ha, dẫn đầu hợp tác xã nông nghiệp toàn miền Bắc về năng suất lúa; Thái Bình cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước đạt 5 tấn thóc/ha. Ngày 5/11/1965, lần đầu tiên quân và dân Thái Bình đã bắn rơi máy bay phản lực Mỹ bằng súng bộ binh, được Bác Hồ thưởng Cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”… Những thành tích đó của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã góp phần cùng quân và dân cả nước giành Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Suốt những năm kháng chiến gian khổ, Thái Bình luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác thường xuyên theo dõi các phong trào thi đua, viết báo biểu dương, gửi thư khen những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã đạt được. Trong nhiều năm theo dõi Báo “Thái Bình tiến lên”, Bác đã thưởng Huy hiệu cho 67 người tốt, việc tốt. Năm 1968, Người gửi thư khen tỉnh Thái Bình có nhiều thành tích trong phong trào thi đua sản xuất và chiến đấu, thâm canh tăng năng suất lúa, làm tốt nghĩa vụ lương thực. Bác khen 41 giáo viên dạy giỏi, 197 học sinh giỏi. Bác hai lần gửi thư khen Hợp tác xã Tân Phong (xã Việt Hùng, huyện Thư Trì) có thành tích đạt năng suất lúa cao, khen Hợp tác xã Nam Hưng, xã Thái Sơn, huyện Thái Ninh (nay là huyện Thái Thụy), Đông Bình Cách, xã Đông Xá, huyện Đông Quan (nay là huyện Đông Hưng) chăn nuôi trâu bò giỏi, khen Hợp tác xã Hiệp Hòa, xã Hiệp Hòa, huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư) trồng cây giỏi, tặng cờ thi đua cho Đội thủy lợi Quang Trung, xã Vũ Vân, huyện Vũ Tiên (nay là huyện Vũ Thư) có thành tích làm thủy lợi khá nhất miền Bắc... Bác gửi Tỉnh ủy 3 tấm ảnh có chữ ký của Bác làm phần thưởng. Những lời động viên, căn dặn của Người chính là động lực để Đảng bộ và nhân dân Thái Bình thêm đoàn kết, thống nhất, tiếp tục giành những thắng lợi mới trên mọi mặt trận. Với những thành tích to lớn và đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Thái Bình đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân... Nhiều tập thể và cá nhân được ghi nhận và được tặng thưởng các danh hiệu cao quý.

Từ khi cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, nâng tầm trí tuệ, vững vàng trước mọi thử thách, kiên định niềm tin sắt đá vào lý tưởng của Đảng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng; khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa tỉnh phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Nhất là trong giai đoạn từ 2011 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, XIX trong điều kiện rất nhiều khó khăn, song với quyết tâm chính trị, tư duy đổi mới và đột phá của Đảng bộ, đã thu được những kết quả quan trọng. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực được phát động, triển khai sâu rộng trong Đảng và toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng vững mạnh.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế: phong trào “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “Phát triển nghề, xây dựng làng nghề”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Tất cả vì phát triển thị trường”... đạt kết quả tốt, tạo không khí thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế. GRDP bình quân năm 2016 tăng trên 10% so với năm 2015; năm 2017, tăng 11,28% so với năm 2016. Đến nay, toàn tỉnh có 200 xã đạt tiêu chí nông thôn mới và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: các phong trào thi đua ngày càng phát triển sâu rộng, đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương. Năm 2017, toàn tỉnh có 87,5% số gia đình đạt tiêu chí gia đình văn hóa; 63,9% số thôn, tổ dân phố, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; 67,5% số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 51,6% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Chất lượng giáo dục ở các ngành học, bậc học ngày càng được nâng cao; 82,3% số trường phổ thông trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.

Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể: các phong trào, cuộc vận động xây dựng tổ chức đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, “Dân vận khéo”, xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa và ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đông đảo cán bộ, đảng viên hưởng ứng tham gia. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã phát động nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động có nội dung thiết thực, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, “Xứ họ đạo 4 gương mẫu” của Mặt trận Tổ quốc; phong trào “Làm nghìn việc tốt”, “Sổ vàng làm theo lời Bác”, “Hiến máu tình nguyện”, “Xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” của Đoàn Thanh niên; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và xây dựng các tổ tiết kiệm của Hội Phụ nữ; phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng” của Hội Nông dân; phong trào “Cựu chiến binh Thái Bình làm theo lời Bác” của Hội Cựu chiến binh...

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh: nhiều phong trào được duy trì thường xuyên như: phong trào “Thi đua quyết thắng”, “Thi đua huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Học tập, thực hiện 6 điều Bác dạy Công an nhân dân, xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an Thái Bình trong lòng nhân dân”, “Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh…

Thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. 5 năm qua, toàn tỉnh đã có trên 12.500 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực được khen thưởng. Trong đó: 173 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương các loại, các hạng; 437 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 52 tập thể được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc; UBND tỉnh đã tặng 513 cờ thi đua, 5.613 bằng khen và 1.465 danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, 1.054 danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cho các cá nhân trong tỉnh có thành tích tiêu biểu xuất sắc hàng năm; tặng và truy tặng bằng khen cho hơn 100 cá nhân có thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ theo Quyết định số 98/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Để phong trào thi đua yêu nước tiếp tục là động lực cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hăng say lao động, học tập, công tác, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Cùng với đổi mới, đa dạng hóa các phong trào thi đua, thường xuyên phát hiện các nhân tố mới, tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức giao lưu, gặp gỡ, biểu dương các điển hình tiên tiến. Nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong các phong trào thi đua... Trong đó, trọng tâm trước mắt, tập trung thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tạo bước chuyển quan trọng hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.