Thứ 6, 10/05/2024, 18:14[GMT+7]

Trường Sa mùa biển động

Thứ 2, 02/07/2018 | 08:53:21
2,564 lượt xem
Đối với mỗi người làm báo chúng tôi, được tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa là một vinh dự nghề nghiệp lớn lao, không phải ai cũng may mắn có được. Vượt qua không ít khó khăn, mỗi người cầm bút đều mong muốn mang đến những tác phẩm báo chí phản ánh chân thực nhất về cuộc sống sinh hoạt, tâm tư tình cảm của quân và dân nơi đảo xa.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại đảo Đá Tây đầu năm 2018.

Vốn xuất phát từ dân Toán, ngoại đạo với nghề báo, được làm nghề với tôi có lẽ đã là cái duyên. Nhưng càng may mắn hơn nữa, đầu năm 2018, tôi có vinh dự được cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đến Trường Sa trong dịp thay thu quân và tặng quà tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Đến Trường Sa dịp giáp tết, đúng vào mùa biển động, khiến cánh phóng viên báo chí chúng tôi gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với nhau từ những thông tin khai thác được hay phương tiện tác nghiệp để hoàn thành tác phẩm của mình. 

Trở ngại đầu tiên mà hầu hết những người lần đầu đến Trường Sa như chúng tôi gặp phải là say sóng. 

Sau hai ngày đầu hải trình khá êm ả, con tàu kiểm ngư KN490 hiện đại với trọng tải 2.400 tấn đưa chúng tôi đến với những điểm đảo đầu tiên không mấy khó khăn. Thế nhưng, sang đến ngày thứ 3 trước khi đoàn cập đảo Đá Tây, không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Trường Sa. Gió biển mạnh cấp 6, cấp 7, những con sóng cao từ 3 - 4m, khiến tàu KN490 cũng tròng trành, nghiêng ngả. Lúc này, nhiều người trong số chúng tôi bắt đầu cảm thấy nôn nao, khó chịu, bỏ bữa vì mệt và đặc biệt, nhiều phóng viên nữ đã phải nằm bẹp vì say sóng. Phóng viên Thúy Hằng (Báo Hậu Giang) và Việt Quỳnh (Báo Lâm Đồng), Quang Vũ (Báo Đắk Nông) có lẽ là những người thấm thía nhất cảm giác này những người khi phải oằn mình vật lộn với những cơn say sóng xuyên suốt hải trình. Tuy nhiên, điều khiến tôi khâm phục nhất ở Hằng, Quỳnh hay các đồng nghiệp trong đoàn công tác là dù có bị say sóng nằm bẹp một chỗ ngay từ lúc tàu rời bến, vậy mà khi nghe thông báo đến đảo là bật dậy, ôm máy quay, máy ảnh, mặc áo phao chuẩn bị xuống xuồng, háo hức lên đảo.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại đảo Trường Sa Đông đầu năm 2018.

Một thử thách khác đối với phóng viên chúng tôi khi tác nghiệp ở Trường Sa chính là những lần di chuyển từ tàu lớn qua xuồng nhỏ vào đảo. 

Đi Trường Sa trong lúc biển động dữ dội, thường xuyên đối mặt với sóng to, gió lớn, việc lên, xuống là cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần một cái bước chân bị hụt hay lỡ nhịp sóng nâng xuồng lên là rất dễ xảy ra tai nạn. Do đó, trước mỗi lần lên đảo, chúng tôi phải sử dụng túi chống nước chuyên dụng để bảo quản thật kỹ phương tiện, máy móc... Bởi chỉ cần xảy ra sơ suất nhỏ, có thể ảnh hưởng tới việc tác nghiệp của cả hải trình. Khó khăn là thế nhưng vượt qua tất cả, mỗi người đều ý thức được rằng đi Trường Sa là cơ hội có một không hai khi làm nghề trong cuộc đời nên mỗi khi tàu hú vang báo hiệu đến đảo là tất cả đã trong tư thế sẵn sàng.

Một điều tưởng chừng như vô lý khác là ở nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa, nơi mà quanh năm chỉ toàn sóng nước và gió biển mặn mòi, cánh phóng viên chúng tôi lại bị thiếu “sóng”. 

Sóng ở đây không phải sóng biển mà là sóng điện thoại, mạng internet 3G, 4G. Tàu rời quân cảng Cam Ranh chừng 30 hải lý thì sóng điện thoại, mạng 3G yếu dần, hạ xuống còn 2G, rồi không thể kết nối được. Do đó việc chuyển tải tin, bài về tòa soạn kịp thời là một bài toán nan giải. Nhờ kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước, sau mỗi lần tác nghiệp trên đảo, tôi phải sử dụng phần mềm để nén, giảm bớt dung lượng tin, bài, ảnh gửi về. Khi tàu neo gần đảo có sóng, chờ đến nửa đêm, khi mọi người đã say giấc tôi mới lên boong tàu, sử dụng điện thoại, cố gắng kết nối liên tục cả đêm mới có thể gửi về tòa soạn được 2, 3 bức ảnh.

Cùng đi với tôi trong chuyến công tác Trường Sa có phóng viên Hứa Ngọc Hòa, Đài PTTH tỉnh Khánh Hòa. Anh chia sẻ: Dù đây đã là lần thứ 7 ra Trường Sa tác nghiệp nhưng với tôi mỗi lần đến Trường Sa đều mang lại những trải nghiệm khác nhau mà tôi luôn muốn tìm tòi, khám phá. Đã đặt chân đến gần hết các đảo, điểm đảo nơi đây, nhưng anh vẫn chưa muốn dừng lại, bởi với anh: Được chứng kiến Trường Sa phát triển, lớn mạnh từng ngày là niềm hạnh phúc, tự hào.

Không chỉ với những nhà báo kỳ cựu, những phóng viên trẻ như tôi có cơ hội đến với quần đảo Trường Sa cũng cảm thấy thật vinh dự và thiêng liêng. Chuyến đi tác nghiệp kéo dài gần một tháng lênh đênh trên biển, được đặt chân đến các đảo chìm, đảo nổi nơi đầu sóng ngọn gió, được tận mắt chứng kiến đời sống sinh hoạt, rèn luyện, chiến đấu và chia sẻ, lắng nghe, tâm tình với những người lính biển đang làm nhiệm vụ thiêng liêng canh giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đã cho tôi những trải nghiệm quý giá. Qua đó càng thôi thúc những phóng viên trẻ như chúng tôi thêm nhiệt huyết và hoài bão để rèn luyện bản thân mình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Nguyễn Thơi