Thứ 7, 11/05/2024, 03:35[GMT+7]

Ô nhiễm môi trường làng nghề Phương La

Thứ 6, 06/07/2018 | 08:12:25
5,000 lượt xem
Trở thành “làng tỷ phú” nhờ nghề dệt truyền thống song cùng với sự hưng thịnh của làng nghề, người dân xã Thái Phương (Hưng Hà) đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường.

Sông Đồng Buộm nước đen đặc, rác kín sông.

Tỷ phú làng nghề

Nhắc tới nghề dệt, có lẽ không ai là không biết đến làng Phương La, xã Thái Phương hay còn gọi là làng Mẹo, với 100% hộ dân làm nghề. Gắn bó với nghề truyền thống này nhiều gia đình không chỉ có tiền mua đất xây biệt thự, sắm ô tô, đầu tư cho con cái học hành mà còn tích lũy tiền tỷ. Nghề dệt của làng chưa bao giờ phát triển nhanh, mạnh, rộng khắp như hiện nay. 4 thôn Phương La, gần 100% hộ làm nghề dệt, 75% số hộ trong xã làm nghề dệt. Toàn xã có gần 100 công ty, tạo việc làm ổn định cho trên 3.000 lao động, với thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng và gần 20.000 lao động vệ tinh khắp các xã trong huyện. 

Các sản phẩm của làng nghề không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước. Thị trường xuất khẩu của làng nghề được mở rộng đến các nước châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Mặt hàng cũng đa dạng hơn, chủ lực là khăn mặt, đũi và tơ tằm thay vì những mặt hàng đơn thuần là vải, màn, quần bò, quần sa tanh, chiếu như trước đây.

Ô nhiễm vì chất tẩy nhuộm

Phương La, ngôi làng được mệnh danh là làng tỷ phú, đi lên từ dệt vải. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, cơ sở tẩy nhuộm vải hầu như chưa có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp và việc bảo hộ lao động rất sơ sài. Chính vì vậy, hóa chất tẩy nhuộm cứ vô tư xả thẳng ra môi trường, ngấm vào nguồn nước, đồng ruộng của người dân. 

Những ngày hè nóng nực, đến đầu làng, cảnh tượng đầu tiên chúng tôi bắt gặp là rác thải sinh hoạt nằm ngổn ngang trên con sông Đồng Buộm, sông Tân Việt. Những rãnh dẫn nước thải đặc đen kịt, bốc mùi hôi thối, không khí ngột ngạt, khó thở. Hàng ngày người dân nơi đây bị “tra tấn” không chỉ bởi bụi, tiếng ồn mà còn cả mùi hôi thối từ các cơ sở tẩy nhuộm và từ con sông dẫn nước chảy dọc quanh làng.

Dây chuyền tẩy nhuộm của Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Tuấn Lộc.

Dẫn chúng tôi đi dọc con sông Tân Việt và sông Đồng Buộm chạy qua địa phận thôn, phục vụ tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp đã bị đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ông Nguyễn Xuân Thịnh, Bí thư Chi bộ thôn Phương La 3 bức xúc: Thời gian qua, các doanh nghiệp, hộ tẩy nhuộm nhiều lần bị UBND tỉnh, UBND huyện Hưng Hà ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế, yêu cầu chuyển địa bàn hoạt động do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép ra môi trường. Song chỉ được một thời gian, các doanh nghiệp lại phá niêm phong, hoạt động trở lại và tiếp tục xả chất thải độc hại ra môi trường, khiến dòng sông ngày càng đen đặc, mùi rất khó chịu. Mỗi ngày, các cơ sở tẩy nhuộm xả nước thải từ 1.000 đến 1.500m3, hàm lượng BOD5, COD, TSS vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam cho phép từ 1,5 - 3 lần, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân. Việc xử lý các cá nhân, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã kéo dài nhưng vẫn chưa có hồi kết.

Video: o_nhiem_moi_truong_lang_nghe_phuong_la_web_110718.mp4

Nhà máy xử lý nước thải chậm đi vào hoạt động

Ông Đoàn Ngọc Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Phương cho biết: Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải trong sản xuất công nghiệp gây ra, năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã đầu tư cho Thái Phương một nhà máy xử lý nước thải với trị giá gần 80 tỷ đồng và công trình đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục. Địa phương mong muốn nhà máy xử lý nước thải sớm đi vào hoạt động nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do xả thải ra sông, ngòi để bảo đảm yêu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Hiện, 6 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động nấu, giặt, tẩy nhuộm tại làng nghề Thái Phương đang rất mong mỏi khu xử lý nước thải đi vào hoạt động. Lúc đó, sẽ không còn cảnh sản xuất theo kiểu “liều mình như chẳng có” đối phó với các cơ quan chức năng như hiện nay. Bởi, bản thân các cơ sở sản xuất, kinh doanh luôn mong muốn yên ổn để phát triển, không phải nơm nớp lo sợ các cơ quan chức năng đến thanh tra, kiểm tra, cưỡng chế dừng hoạt động sản xuất.


Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Tuấn Lộc (xã Thái Phương)

Bản thân các doanh nghiệp từ khi thành lập cụm công nghiệp Phương La tới nay đã sẵn sàng tự đầu tư chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng. Doanh nghiệp chúng tôi đang mòn mỏi trông chờ ngày hệ thống xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động. Hoặc các cấp chính quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường.

Ông Phạm Hồng Quân, thôn Phương La 3, xã Thái Phương

Cuộc sống của chúng tôi không được bảo đảm vì tình trạng ô nhiễm môi trường. Mùi thối bốc lên thật khó chịu. Nước tại các sông, ao, hồ trong làng đều không được sạch sẽ. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nhà tôi cấy gần 2 mẫu ruộng, nước sông Tân Việt những ngày này đen đặc, chúng tôi không dám lấy nước vào ruộng để làm đất, gieo cấy đúng khung thời vụ.

Bà Trần Thị Liên, công nhân cụm công nghiệp Phương La, xã Thái Phương

Nhà ở xã Hồng An (Hưng Hà) nhưng tôi đã làm việc và gắn bó với cụm công nghiệp hơn 10 năm nay. Công việc này nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ, thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Nhưng công việc của chúng tôi thường xuyên bị ảnh hưởng do cụm công nghiệp chưa có khu xử lý nước thải tập trung, khiến người dân bức xúc, doanh nghiệp phải dừng hoạt động.


Đức Dũng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày