Thứ 5, 09/05/2024, 08:39[GMT+7]

Nữ nhạc công quê lúa

Thứ 2, 14/03/2016 | 15:05:08
4,544 lượt xem
Cùng với gần 30 đội kèn nữ trong tỉnh, các thành viên Ðội kèn nữ Giáo xứ Bồng Tiên (xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư) vẫn ngày ngày kiên trì luyện tập để mang lại những bản nhạc hay nhất, ghi dấu trong lòng người nghe những giai điệu khó quên, đồng thời tạo được thương hiệu cho riêng mình.

Đội kèn nữ Giáo xứ Bồng Tiên ngày mới thành lập.

 

“Nghề chơi” công phu của những “chị hai năm tấn”

 

Sở dĩ nói là nghề chơi bởi đó không chỉ là công việc mang lại thu nhập hàng tháng, góp phần trang trải cuộc sống thường ngày mà còn là sự đam mê, là thú chơi đặc biệt không phải nơi nào cũng có của những người phụ nữ Bồng Tiên.

 

Nhớ về những ngày “vạn sự khởi đầu nan”, nhạc trưởng của Ðội, chị Trần Thị Bích Nga cho biết: Mới đầu, Ðội chỉ có hơn 20 người, đều là những chị em say tiếng nhạc, mê tiếng kèn. Dần dần, chúng tôi tập trung nhau đến từng nhà vận động chị em tham gia. Khi ấy, kinh tế còn khó khăn mà kèn đồng gần như là một thú chơi xa xỉ. Ðể tạo nên một đội kèn cần đủ loại, từ Trumpet, Trumbone, Saxophone Alto, Vuvuzela đến Saxophone Tenor... Giá mỗi chiếc kèn dao động từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng. Vốn “nông dân chi điền”, các chị chỉ dám dành dụm để mua loại kèn có giá 5 - 7 triệu đồng. Về sau, khi dư dả, các chị mới sắm những loại đắt hơn, khoảng hơn chục triệu đồng. Kèn không đủ thì cho nhau mượn để học... Ấy là còn chưa kể đến chi phí may đồng phục biểu diễn.

 

Ðể học được những nốt nhạc đầu tiên, chị em phải tranh thủ tối đa thời gian của mình. Có người sáng đi chợ chiều về học kèn. Có người chưa hết buổi đêm đã tất bật dậy sớm chuẩn bị làm bún, làm đậu, sáng kịp ra đồng để chiều về học nhạc. “Vất vả là vậy nhưng hễ cứ nghe tiếng kèn là bao mệt mỏi, lo toan đều tan biến, thay vào đó là sự phấn khởi, háo hức với thứ thanh âm du dương. Nhiều khi chân còn lấm, tay còn bùn nhưng cứ nghe nhịp kèn là đã có thể múa luôn được” - chị Nga hào hứng.

 

Những buổi đầu học nhạc lý khá bỡ ngỡ. Ða phần các bà, các cô đều đã ở tuổi đeo kính nên thổi còn chưa đúng âm. Những chuyện như “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, tiếng được tiếng chăng” khôi hài vấp váp là chuyện bình thường. Có người ban đầu thổi không ra hơi, chưa quen với kèn nên miệng phồng lên sưng rát. Người lại đứng trước gương để học. Cũng có người vừa đi làm đồng vừa nhịp chân; có người vừa ngồi bán đậu vừa gõ đũa theo bài hát, dầu mỡ bắn tung tóe nhưng miệng vẫn nhoẻn cười. Cuốn sách nhạc một thời gian là người bạn gối đầu giường, đặt cạnh bên khi làm việc. Ðêm về ngủ, các chị cũng mê mình đang tập nhạc, đánh trống. Có chị nói chắc như đinh đóng cột: Chưa học được nhạc thì chưa về nhà! Sự say mê dường như bao trọn lấy những người phụ nữ ấy. “Tiếng kèn, tiếng trống làm cho các chị thấy yêu đời hơn, tinh thần phấn chấn hơn” - Trần Thị Dinh, nữ nhạc công trẻ trong Ðội chia sẻ.

 

Nhờ miệt mài, chăm chỉ, chỉ sau một tuần tập luyện, các thành viên trong Ðội đã cơ bản nắm được nhạc lý, chơi bắt đầu có sự ăn khớp. 24 ngày sau, Ðội kèn nữ ra mắt bà con địa phương, nhận được nhiều lời khen ngợi, động viên, ủng hộ của chính quyền và nhân dân trong xã. Người ta ngưỡng mộ, dành cho các chị cái tên trìu mến: Ðội kèn nữ nông dân quê lúa.

 

Thổi kèn cũng là làm văn hóa

 

Mới đầu, Ðội thành lập chỉ để phục vụ các cuộc rước của nhà thờ, cũng là để thỏa lòng đam mê của những người đàn bà chất phác. Về sau, dân họ thấy hay rồi đến hỏi thuê nên mới nảy sinh ra dịch vụ, cũng là để kiếm thêm chút ít thu nhập, duy trì cho sự đam mê ấy. Tiếng lành đồn xa, ban đầu chỉ trong làng, trong xóm rồi đến ngoại tỉnh, người ta biết tiếng Ðội kèn nữ Giáo xứ Bồng Tiên, tìm đến tận nơi để thuê biểu diễn. Có ngày, Ðội nhận đến 2 - 3 suất diễn. Nhiều tuần các chị phải đi suốt.

 

Ðội kèn của các chị không chỉ cuốn hút người xem bằng âm thanh ngọt ngào, lúc trầm bổng, lúc thăng hoa mà còn bởi phong cách biểu diễn nhẹ nhàng, mềm mại, uyển chuyển nhưng vô cùng chuyên nghiệp. Ðội cũng không quên bám nắm các hoạt động, phong trào của địa phương. Những dịp hội hè, lễ, tết hay chương trình hội nghị, các chị đều có mặt để phục vụ, qua đó góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, tạo đời sống tinh thần lành mạnh, sôi nổi.

 

Anh Tuấn, một người dân địa phương chia sẻ: Nhờ có “những cô gái làm nông chơi nhạc”, đời sống tinh thần của bà con phong phú thêm rất nhiều. Mỗi bản nhạc các chị chơi là một khúc tấu với âm hưởng khác nhau. Cánh đàn ông chúng tôi rất thích và ủng hộ vợ mình đi học kèn, học nhạc...

 

Còn sức khỏe là còn đam mê

 

Âm nhạc không đợi tuổi, cũng không bao giờ là quá muộn để theo học bất kỳ một loại nhạc cụ nào. Ðội kèn nữ Giáo xứ Bồng Tiên cũng vậy. Ngoài những người trẻ, Ðội còn có cả những bác đã ở tuổi lục tuần. Hiện Ðội kèn nữ Giáo xứ Bồng Tiên có gần 50 thành viên, luân phiên sinh hoạt bởi các chị còn phải dành thời gian cho thiên chức làm mẹ, có chị lập gia đình tỉnh xa… Dù vậy, “tre già măng mọc”, các chị vẫn ngày đêm gìn giữ nhiệt huyết rồi truyền lại niềm đam mê cho lớp trẻ. Ðiểm sơ qua, trong Ðội đã có vài cặp mẹ con. Vượt ra khỏi công năng của một nhạc cụ, kèn đã trở thành chất keo gắn kết tình mẫu tử, tình làng xóm, tình vợ chồng…

 

Sáu năm là tay chơi Saxo Alto, chị Nga cho biết: Âm thanh của kèn Saxophone giống như rượu nồng, càng ủ càng ngon. Với chị, khi đã “dính” lấy kèn là mê. Cũng từ khi thành lập, Ðội kèn nữ được “chuộng” hơn đội kèn nam vì người ta cho rằng tiếng kèn của các chị trong và hay hơn. Sự yêu mến ấy chính là chất xúc tác giúp các chị thêm phấn khởi và say nghề hơn.

 

Cùng với gần 30 đội kèn nữ trong tỉnh, các thành viên Ðội kèn nữ Giáo xứ Bồng Tiên vẫn ngày ngày kiên trì luyện tập để tạo ra những bản nhạc hay nhất, ghi dấu trong lòng người nghe những giai điệu khó quên nhất, tạo dựng thương hiệu của riêng mình. Khi được hỏi về nghề, chị Trần Thị Tươi, người đã 6 năm gắn bó với Ðội tự hào: Kèn đồng được xác định bởi cách tạo ra âm thanh của nó chứ không phải từ vật liệu mà nó được làm ra. Người ta nói chơi kèn là một nghệ thuật, người chơi kèn là một nghệ sĩ cũng vì vậy. Trút bỏ vẻ bề ngoài thô kệch của những người đàn bà tần tảo quanh năm một nắng hai sương nơi đồng ruộng, các chị đã trở thành những nữ nhạc công thực thụ. Chị Nga tâm sự: Mỗi lần khoác lên mình bộ đồng phục trắng thanh thoát, lịch thiệp, tôi luôn tự nhủ còn sức khỏe là còn đam mê với nghiệp kèn.

 

"Ðội kèn nữ Giáo xứ Bồng Tiên là nét văn hóa độc đáo của miền quê lúa. Hoạt động của Ðội đã thể hiện tinh thần đoàn kết lương giáo, tạo sự đột phá trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cũng như nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc cho bà con nơi đây".

 

(Ông Trần Mạnh Bảo, nguyên Bí thư Ðảng ủy xã Vũ Tiến)

 

Thùy Dung

Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày