Thứ 6, 17/05/2024, 14:52[GMT+7]

Vượt lên số phận

Thứ 2, 26/11/2018 | 11:03:11
1,286 lượt xem
Từ những người chịu nhiều thiệt thòi, biến cố trong cuộc sống, bằng nghị lực phi thường, niềm khát khao mãnh liệt họ đã nỗ lực vươn lên chiến thắng số phận và trở thành người có ích cho xã hội.

Công ty của anh Phạm Văn Đáp thu hút nhiều lao động là người khuyết tật.

Vượt lên từ đôi chân tật nguyền

Với người bình thường con đường đi đến thành công đã khó, với người khuyết tật (NKT) càng gian nan gấp bội phần. Nhưng với Lại Văn Điệp, thôn Đông Hòa, xã Vũ Ninh (Kiến Xương), tật nguyền, gian khó chẳng những không làm Điệp nản chí mà còn là động lực thúc đẩy khao khát vươn lên. Sinh ra mới được 10 tháng tuổi sau một trận sốt bại não 2 chân, 1 tay bị teo, cột sống cong vẹo khiến cho việc sinh hoạt, đi lại hết sức khó khăn song không lúc nào cậu bé Điệp từ bỏ ước mơ được học tập. Tuy nhiên, vì không muốn tạo thêm gánh nặng cho gia đình, học hết lớp 10 Điệp quyết định tạm gác lại chuyện học văn hóa, chuyển sang học nghề. 

Với Lại Văn Điệp học nghề gì lúc đó là một bài toán khó, bởi anh không có đôi bàn tay, bàn chân lành lặn như bao người bình thường khác. Sau nhiều ngày suy nghĩ và cuối cùng Điệp quyết định học nghề chạm khắc gỗ, vì đây là nghề anh đam mê lại phù hợp với NKT. Với sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ bảo của gia đình, thầy dạy và bạn học, chỉ sau một năm Điệp đã trở thành thợ chạm khắc gỗ. Không dừng lại ở đó, Điệp còn cất công đi tìm hiểu, học thêm kỹ thuật của các làng nghề truyền thống có tiếng trong và ngoài tỉnh với tâm nguyện phấn đấu trở thành một thợ giỏi, có thể truyền nghề, tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ.

Có kinh nghiệm về chạm khắc gỗ lại không cam chịu cảnh đi làm thuê, năm 2002, Lại Văn Điệp quyết tâm mở xưởng mộc tại quê, không tiền, không máy, không gỗ, không thợ... chỉ có hai bàn tay trắng, bao khó khăn đè nặng lên đôi vai chàng trai khuyết tật. Mặc dù việc mở xưởng bị bố mẹ phản đối nhưng với mong ước là mở xưởng để làm nghề và giúp nhiều người khuyết tật. Vay mượn từ bạn bè được số vốn ít ỏi, Điệp mua sắm một số máy móc thiết bị cần thiết. Sau giai đoạn đầu nhận chạm thuê cho những cơ sở lớn, dần dần Điệp đã có những khách hàng riêng của mình. Và khi khách hàng tìm đến ngày càng đông hơn cũng là lúc các sản phẩm đồ thờ, đồ gỗ mỹ nghệ do bàn tay Điệp làm ra đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Lúc này, Điệp bắt đầu thực hiện ước mơ thứ hai của mình là truyền nghề cho những người có cùng cảnh ngộ. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ với khoảng gần 10 lao động, trong đó chủ yếu là lao động khuyết tật đến nay cơ sở của anh đã là một công ty đồ gỗ mỹ nghệ người khuyết tật có tiếng trong và ngoài tỉnh; sản phẩm đồ thờ, giường, tủ được khách hàng khắp nơi tìm đến đã mang lại doanh thu lớn cho công ty của anh. Hiện nay, bình quân doanh thu mỗi năm của công ty đạt trên 5 tỷ đồng. Tạo việc làm cho 30 lao động, trong đó có 14 lao động khuyết tật với thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Với nỗ lực phi thường của mình, Lại Văn Điệp không chỉ vượt lên số phận, chiến thắng tật nguyền, xây dựng cơ nghiệp mà còn giúp cho nhiều người có cùng cảnh ngộ tạo lập cuộc sống.

Công ty của anh Lại Văn Điệp đạt doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.

“Ông chủ” của người khuyết tật

Về xóm 1, xã Vũ Lễ (Kiến Xương) hỏi thăm Công ty Sản xuất và Dịch vụ may mặc người khuyết tật không ai không thán phục về nghị lực vượt khó của chàng trai Phạm Văn Đáp. Mặc dù bị khuyết tật bẩm sinh từ bé với chân trái bị teo cơ nhưng với quyết tâm vượt lên số phận, chàng trai ấy đã tạo lập được cơ ngơi mà nhiều người khỏe mạnh cũng phải mơ ước. Với vai trò là giám đốc, hiện công ty của anh đang tạo việc làm cho 60 lao động địa phương, trong đó có nhiều lao động là NKT. Với người dân nơi đây, Phạm Văn Đáp chính là “ông chủ” của NKT. Và chính NKT là động lực để anh thành công và phát triển như ngày hôm nay.

Kể về quá trình thành lập công ty, anh chia sẻ: Học hết cấp 2 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và nghĩ mình là NKT học xong cũng khó xin việc nên tôi động viên bố mẹ cho nghỉ học để xin đi học may và mở hiệu may tại gia đình. Được một thời gian, cơ sở có uy tín, nhiều gia đình có con bị khuyết tật đến xin học nghề nhưng do cơ sở chật chội nên tôi không dám nhận. Sau nhiều năm gây dựng và nung nấu ý nghĩ nếu mình không giúp NKT họ sẽ không có cơ hội vươn lên. Năm 2016, với chút vốn tích góp cùng việc thế chấp tài sản tôi quyết định thành lập công ty. 

Thời kỳ đầu thành lập chỉ có khoảng 15 người đều là khuyết tật, rồi dần số lượng lao động đông lên, đơn hàng cũng đặt nhiều, anh Phạm Văn Đáp quyết định mở cơ sở 2 tại xã Đông Trung (Tiền Hải) với mong muốn tạo nhiều việc làm cho NKT. Đến nay, số lượng công nhân tăng lên 60 người, trong đó 30 lao động là NKT chia đều tại 2 cơ sở. Doanh thu mỗi tháng của công ty khoảng 250 triệu đồng, thu nhập bình quân của NKT từ 2 - 4 triệu đồng/tháng, lao động có tay nghề trên 5 triệu đồng/tháng.

Theo anh Phạm Văn Đáp để thành công như ngày hôm nay bản thân anh và nhiều NKT phải có ý chí để biết vươn lên. “Đừng nghĩ NKT không làm được việc gì, không làm được việc nặng cố gắng làm việc nhẹ. Nếu luôn nghĩ mình yếu đuối không làm được việc gì thì mãi mãi sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội” - anh Đáp chia sẻ.

Hàng ngày có nhiều học sinh đến thư viện của Nguyễn Lan Hương để đọc sách.

Nghị lực của cô thủ thư bại não

Bị bệnh bại não từ nhỏ, toàn thân co quắp, di chuyển rất khó khăn trên chiếc xe lăn nhưng Nguyễn Lan Hương, sinh năm 1993, thôn Phong Lôi Tây, xã Đông Hợp (Đông Hưng) vẫn không từ bỏ niềm đam mê đọc sách. Cũng vì đọc được nhiều kiến thức mới mẻ từ sách, cô gái này đã quyết định mở thư viện sách miễn phí mang tên “Niềm tin” để cùng chia sẻ với mọi người.

Căn bệnh bại não khiến em chưa một lần được đi bằng đôi chân, cầm nắm mọi vật bằng đôi tay của mình. Để thỏa mãn niềm đam mê đọc sách của mình, em phải dùng lưỡi của mình để lật từng trang sách và dùng cằm giữ nếp gấp sách. Khó khăn là vậy nhưng niềm đam mê đọc sách của em không bao giờ cạn. 

Lan Hương cho biết, thư viện của em có sách thuộc nhiều lĩnh vực như kỹ năng sống, sách văn hóa, văn học và tiếng Anh... thu hút rất nhiều bạn đọc thuộc mọi lứa tuổi, từ người già đến các bạn học sinh. Được chia sẻ, trò chuyện cùng mọi người, mọi điều trong cuộc sống, Lan Hương thấy hiểu biết và vui hơn. 

“Đối với em dù không giàu nhưng có tâm hồn, được giúp đỡ mọi người, mình có thêm niềm vui và thoải mái đầu óc hơn, mọi người yêu quý em, em cũng cảm thấy rất hạnh phúc” - Lan Hương tâm sự về thư viện nhỏ của mình. 

Hiện nay, thư viện nhỏ của cô đã có gần 3.000 đầu sách từ truyện, tiểu thuyết đến sách tham khảo, sách ngoại ngữ phục vụ đa dạng các đối tượng. Mong muốn trong tương lai của Hương là phát triển thêm nhiều đầu sách dành cho các lứa tuổi. Hương hy vọng không gian đọc này sẽ góp phần đưa văn hóa đọc đến cho nhiều người hơn, đặc biệt là đối với các bạn trẻ.

Thành công của Lại Văn Điệp, Phạm Văn Đáp hay nghị lực vươn lên của Nguyễn Lan Hương và nhiều NKT trong tỉnh đã khẳng định NKT dù trong mọi hoàn cảnh, nếu có quyết tâm và ý chí vươn lên đều có thể làm được những việc tưởng chừng khó khăn nhất để tự khẳng định mình trong xã hội.

Nguyễn Cường 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày