Thứ 4, 22/05/2024, 02:57[GMT+7]

Đồng bào có đạo thi đua yêu nước

Thứ 2, 03/12/2018 | 11:03:13
684 lượt xem
Phong trào thi đua yêu nước của đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở.

Lễ rước nước tại lễ hội đền Trần Thái Bình.

"Thái Bình có 3 tôn giáo được Nhà nước công nhận là đạo Phật, đạo Công giáo và đạo Tin Lành với trên 28 vạn tín đồ, chiếm gần 16% dân số toàn tỉnh. Trong đó, Phật giáo có 867 chùa với 520 vị tăng, ni, khoảng 159 nghìn tín đồ; đạo Công giáo có 87 giáo xứ, 259 giáo họ với gần 120 nghìn tín đồ, sinh sống ở 179 xã, phường, thị trấn; đạo Tin Lành có Hội thánh Khả Cảnh, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, Hội thánh Tin Lành thành phố Thái Bình và 2 nhóm Tin Lành đã đăng ký hoạt động với chính quyền xã Tây An, huyện Tiền Hải và xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương với tổng số gần 400 tín hữu."

Trong những năm qua, đồng bào có đạo trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, đạo pháp dân tộc, kính chúa yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; thực hiện các nghi lễ hành giáo trong khuôn khổ pháp luật; tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đồng bào có đạo trong tỉnh đã phát huy bản chất cần cù, sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể, tích cực thực hiện dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, thâm canh tăng năng suất cây trồng. Thông qua chương trình hỗ trợ của Nhà nước, cùng với tinh thần tương trợ nhau về vốn, ngày công lao động, kinh nghiệm, đồng bào có đạo đã cùng nhau sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn, trang trại, gia trại của đồng bào có đạo. 

Bên cạnh đó, ở nhiều vùng giáo, bà con giáo dân đã bám sát nhu cầu của thị trường, tích cực đầu tư vốn phát triển công nghiệp và dịch vụ, làng nghề truyền thống, mạnh dạn đưa nghề, dịch vụ mới về địa phương, hình thành các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động hiệu quả. Nhiều làng nghề tại các giáo xứ, giáo họ có tổng giá trị thu nhập hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. 

Ở các xã ven biển của hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy, trong năm nay, do tình hình thời tiết cơ bản thuận lợi và với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đồng bào có đạo tiếp tục tích cực bám biển, khai thác nguồn lợi từ biển, đầu tư nuôi tôm, cua, ngao và rau câu xuất khẩu, đóng mới tàu thuyền đánh bắt hải sản… góp phần phát triển kinh tế biển của tỉnh.

Thi đua xây dựng nông thôn mới, thực hiện chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả, bền vững chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020, với mục tiêu “đồng hành cùng dân tộc”, các vị chức sắc, bà con giáo dân, các đồng chí đảng viên là người có đạo đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân chung sức xây dựng nông thôn mới và đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa, thực hiện tốt các tiêu chí về an ninh trật tự, môi trường... Đồng bào có đạo trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, gắn bó và thể hiện trách nhiệm của mình cùng nhân dân địa phương đóng góp tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. 

Trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, các vị chức sắc cùng đồng bào có đạo đã tổ chức các hoạt động tôn giáo theo đúng hiến chương, điều lệ của giáo hội, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và hướng dẫn của địa phương. Các chương trình lễ trọng như Thiên Chúa giáng sinh, đại lễ Phật đản tại các địa phương đã trở thành những dịp sinh hoạt tôn giáo, văn hóa trang trọng, an lành, vui tươi, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, tín đồ mà còn góp phần tạo niềm vui chung, trở thành nét sinh hoạt văn hóa phổ biến của các tầng lớp nhân dân.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, hàng năm có trên 95% hộ giáo dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và thực hiện các nội dung thi đua. Nhiều địa phương, cơ sở đã phát động và duy trì tốt phong trào xây dựng chùa cảnh, xứ họ đạo 4 gương mẫu, xuất hiện ngày càng nhiều điểm sáng về chùa cảnh 4 gương mẫu, xứ họ giáo chung sức xây dựng nông thôn mới. 

Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bà con giáo dân đã chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Hầu hết các khu dân cư vùng giáo thực hiện tốt phong trào tự quản với hàng trăm tổ tự quản, tổ hòa giải hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực duy trì trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Các vị chức sắc tôn giáo thường xuyên nhắc nhở, khuyên răn bà con giáo dân, tín hữu, tín đồ Phật tử chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên con em thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật, xây dựng cuộc sống lành mạnh.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhiều năm qua, nhất là năm 2018, nhiều xứ, họ đạo đã thành lập quỹ khuyến học với kinh phí lên tới hàng trăm triệu đồng, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hỗ trợ các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng các cháu có nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện. Một số chức sắc trong giáo xứ, giáo họ, dòng tu đã cùng chính quyền, ngành giáo dục địa phương thành lập các trường mầm non, các lớp học tình thương thu hút đông các em tới học, được phụ huynh tin tưởng gửi gắm.

Phát huy truyền thống dân tộc “Thương người như thể thương thân”, thời gian qua, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh đã có nhiều đóng góp cho công tác xã hội, từ thiện. Ở nhiều địa phương, bà con đã tự nguyện đóng góp số tiền lớn giúp chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, nhiều xứ, họ đạo đã xây dựng quỹ tình thương, tích cực tham gia các hoạt động vì người nghèo. Nhiều vị chức sắc, tín đồ duy trì hoạt động giúp bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, mở phòng khám nhân đạo tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, tặng quà động viên các bệnh nhân... Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ tỉnh, hầu hết các gia đình, tín đồ các tôn giáo đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai vượt qua khó khăn với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dân, tín hữu, tín đồ Phật tử toàn tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực thể hiện tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn những người có công với đất nước, tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Cùng với những hoạt động trên, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh còn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo trong sạch, vững mạnh; đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào việc hoạch định và triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; góp ý xây dựng phong cách, phương pháp làm việc của đội ngũ cán bộ; tham gia sinh hoạt và xây dựng các đoàn thể vững mạnh. 

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn tỉnh có 152 đảng viên là người có đạo được bầu tham gia cấp ủy các cấp. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, có 1 vị tăng, 1 vị linh mục trúng cử đại biểu HĐND tỉnh; 8 vị tăng, ni, 6 giáo dân Công giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 24 vị tăng, ni, 202 giáo dân Công giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp xã. Hiện có 146 chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo là ủy viên MTTQ; 459 chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia ban chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh. Đây là những chức sắc, giáo dân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào có đạo.  

Phong trào thi đua yêu nước của đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở. Tinh thần “Đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, tinh thần trong Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và “Sống phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” đã được hiện thực hóa, đi vào đời sống, thể hiện trong thực tế sinh động thông qua các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào các tôn giáo, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trần Quang Minh
(Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày