Chủ nhật, 19/05/2024, 16:06[GMT+7]

Nỗ lực thực hiện chính sách với người bị nhiễm chất độc hóa học

Thứ 4, 26/12/2018 | 08:39:36
2,750 lượt xem
Những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, việc giải quyết chính sách ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến (HĐKC) và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực thực hiện. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thăm hỏi, tặng quà người có công xã An Châu (Đông Hưng).

Phóng viên: Xin ông cho biết những căn cứ pháp lý liên quan đến việc giải quyết chính sách ưu đãi đối với người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH?

Ông Nguyễn Văn Bái: Chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH được Chính phủ triển khai thực hiện từ năm 2000 tại Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/2/2000. Đến năm 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 thì người HĐKC bị nhiễm CĐHH mới trở thành 1 trong 12 nhóm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Từ năm 2000 đến nay, việc thực hiện chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH được chia thành 4 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (2000 - 2004): Thực hiện Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/2/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và Thông tư liên tịch số 17/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 5/7/2000 của liên bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính hướng dẫn thực hiện một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

- Giai đoạn 2 (2004 - 2005): Thực hiện Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 5/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người HĐKC và con đẻ của họ bị hậu quả nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và Thông tư liên tịch số 14/2004/TTLT/BLĐTBXH-BYT-BTC ngày 8/11/2004 hướng dẫn thực hiện chế độ đối với người HĐKC và con đẻ của họ bị hậu quả nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

- Giai đoạn 3 (2006 - 2012): Thực hiện theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI); Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH ngày 7/4/2009 sửa đổi, bổ sung mục VII Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

- Giai đoạn 4 (từ năm 2012 đến nay): Thực hiện theo Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ và Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân.

Phóng viên: Vậy các quy định cụ thể để giải quyết chế độ đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bái: Quy định điều kiện đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH ở cả 4 giai đoạn phải bảo đảm các quy định cụ thể sau đây:

- Đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ ngày 1/8/1961 đến 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng CĐHH ở chiến trường B, C, K (kể cả 10 xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn và Vĩnh Thủy thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

- Do nhiễm CĐHH dẫn đến một trong các trường hợp sau: mắc bệnh theo danh mục bệnh tật do Bộ Y tế quy định làm suy giảm khả năng lao động; vô sinh; sinh con dị dạng, dị tật theo danh mục dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định.
Như vậy, điều kiện để người HĐKC được hưởng chế độ ưu đãi do bị nhiễm CĐHH dẫn đến sinh con dị dạng, dị tật khi thực hiện Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg; Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg; Nghị định số 54/2006/NĐ-CP và Nghị định số 31/2013/NĐ-CP phải bảo đảm các quy định cụ thể như sau:

- Chứng minh được thời gian công tác chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại vùng quân đội Mỹ sử dụng CĐHH trong chiến tranh ở Việt Nam từ 1/8/1961 - 30/4/1975. Người tham gia HĐKC phải có một trong những loại giấy tờ chứng minh đã công tác, chiến đấu tại vùng quân đội Mỹ sử dụng CĐHH trong chiến tranh ở Việt Nam từ 1/8/1961 đến 30/4/1975 (bao gồm các chiến trường B, C, K và 10 xã thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng trị), có 1 trong các loại giấy tờ sau: quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy X Y Z; giấy chuyển thương, chuyển viện, giấy điều trị; giấy tờ khác chứng minh có tham gia HĐKC tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng CĐHH. Bản sao lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân, huân, huy chương chiến sĩ giải phóng; lý lịch công an nhân dân; hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; hồ sơ khen thưởng tổng kết thành tích hoạt động kháng chiến; hồ sơ, giấy tờ khác có giá trị pháp lý. Giấy xác nhận của cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng về phiên hiệu, ký hiệu, thời gian và địa bàn hoạt động của đơn vị.

- Có con đẻ mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh: con đẻ của người HĐKC mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh theo quy định tại thời điểm lập hồ sơ. (Theo quy định tại Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH tại thời điểm lập hồ sơ con đẻ người HĐKC phải mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh mới làm cơ sở để người HĐKC lập hồ sơ hưởng chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH sinh con dị dạng dị tật).

- Trường hợp con đẻ người HĐKC mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh được hưởng trợ cấp: điều kiện con đẻ người HĐKC mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên là người bị dị dạng, dị tật nặng, không tự lực được trong sinh hoạt hoặc người bị dị dạng, dị tật suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt.

Quá trình thanh tra đối tượng hưởng chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH trên địa bàn tỉnh, đối chiếu với quy định (nêu trên) Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát hiện có hồ sơ không có giấy tờ chứng minh chiến trường, có hồ sơ con đẻ hưởng trợ cấp thường xuyên nhưng bản thân vẫn tự lực được trong sinh hoạt, có trường hợp người HĐKC đang hưởng chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH sinh con dị dạng, dị tật nhưng con không mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh, thậm chí có trường hợp con đang đi lao động ở nước ngoài, tham gia lực lượng vũ trang, làm cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước... Vì thế, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kết luận số 44/KL-TTr ngày 2/5/2015 và Kết luận số 482/KL-TTr ngày 29/11/2017 kết luận dừng trợ cấp các trường hợp phát hiện hưởng sai quy định và kiến nghị UBND tỉnh thành lập tổ công tác tiến hành thực chứng, rà soát toàn bộ số đối tượng hưởng chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH lập hồ sơ theo quy định tại Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg và Nghị định số 54/2006/NĐ-CP.

Phóng viên: Việc tiến hành rà soát hồ sơ, thực chứng tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ người tham gia kháng chiến được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bái: Thực hiện kiến nghị tại các kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ công tác tiến hành rà soát hồ sơ, thực chứng tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ người tham gia HĐKC. Đồng thời để bảo đảm việc xử lý kết quả sau rà soát hồ sơ và thực chứng con dị dạng, dị tật được công bằng, công khai, minh bạch, đúng quy định và bảo đảm ổn định tình hình chính trị tại địa phương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch số 31/KH-SLĐTBXH ngày 17/4/2018 về việc tiếp tục rà soát, xử lý đối tượng lập hồ sơ hưởng chính sách đối với người tham gia HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH theo Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg, Thông tư liên tịch số 17/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC và Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH. Thành lập tổ công tác liên ngành của tỉnh cùng với tổ công tác của các huyện, thành phố tiến hành rà soát, làm việc trực tiếp với các đối tượng tại địa phương. Thông qua rà soát, thành viên tổ công tác đã tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH, thảo luận thống nhất lập biên bản làm việc với đối tượng về phương án xử lý trong trường hợp đối tượng đang hưởng sai quy định chính sách. Kết quả rà soát được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Để chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, thể hiện được ý nghĩa chính trị và tính nhân văn sâu sắc trong chế độ, chính sách đối với một bộ phận người có công với cách mạng và để đợt rà soát xử lý đối tượng lập hồ sơ hưởng chính sách đối với người tham gia HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH bảo đảm công bằng, đem lại hiệu quả thiết thực, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể rất cần đến sự ủng hộ của toàn thể nhân dân và đặc biệt là những người đã tham gia HĐKC, đóng góp công sức trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Cường 
(thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày