Thứ 2, 20/05/2024, 02:28[GMT+7]

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở huyện Kiến Xương

Thứ 6, 22/02/2019 | 17:22:39
1,914 lượt xem
Chiều ngày 22/2, đồng chí Hà Công Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cùng lãnh đạo huyện Kiến Xương đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở một số xã trên địa bàn huyện Kiến Xương.

Đồng chí Hà Công Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cùng lãnh đạo huyện Kiến Xương kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại xã Bình Định.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương, tính đến cuối năm 2018, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện có 116.818 con, trong đó đàn lợn thịt có 46.412 con. 

Ngay khi có thông báo phát hiện virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Hưng Hà và thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Kiến Xương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy trình; chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác phòng, chống dịch, bảo vệ đàn vật nuôi. 

Mặc dù trên địa bàn huyện chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng huyện đã thành lập ban chỉ đạo của huyện; đồng thời phân công cán bộ phụ trách và kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch tại cơ sở. Cùng với tiêm vắc xin, các xã, thị trấn tiếp tục đôn đốc cả chủ trang trại, gia trại, hộ gia đình chăn nuôi tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên chuồng trại, khu vực chăn nuôi; khuyến cáo người dân không sử dụng lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân.

Người dân huyện Kiến Xương tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi.

Đoàn đã đến kiểm tra tại một số trang trại, gia trại trên địa bàn hai xã Bình Định và Vũ Hòa. Tại các nơi đến kiểm tra, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nắm bắt tình hình, nâng cao hiểu biết về dịch bệnh, chủ động tham gia phòng, chống dịch, khi có biểu hiện bất thường trên đàn lợn cần báo ngay cho cơ quan chức năng, không tiêu thụ, vứt lợn chết ra ao hồ, sông, ngòi gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ban Chỉ đạo của huyện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, thành viên. Tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng môi trường chăn nuôi cả ở địa phương, địa bàn giáp ranh với các huyện, thành phố và tỉnh Nam Định. Ngành chức năng, cán bộ thú y tăng cường bám nắm cơ sở, tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; hỗ trợ vật tư thú y, thuốc khử trùng, vôi bột… hỗ trợ các địa phương, người chăn nuôi trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tất Đạt