Thứ 7, 27/04/2024, 01:55[GMT+7]

Tết đoàn viên

Thứ 2, 23/01/2017 | 16:27:22
287 lượt xem
Tết Nguyên đán là thời điểm thiêng liêng đối với mọi người dân Việt Nam. Đó cũng là lúc những người con xa quê hương khăn gói trở về với gia đình và những người thân yêu nhất của mình. Mùa xuân là “mùa” sum vầy, mùa để chúng ta dành cho nhau những lời yêu thương nhất sau một năm làm việc vất vả.

Yêu sao hai tiếng "quê hương"

Sau khi tổ chức kết hôn tại quê nhà, vợ chồng chị Lại Thị Thương Thảo ở thôn Tống Thỏ Bắc, xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) cùng nhau sang Nhật Bản làm việc. Chồng của Thảo là kỹ sư cơ khí làm việc tại thành phố Tsukuba, tỉnh Ibaraki. Thảo tâm sự: Mình sang Nhật được một năm rưỡi còn chồng mình công tác ở đây đã 6 năm. Hiện tại, thời tiết bên này rất lạnh, tuyết rơi nhiều. Để chuẩn bị cho ngày về nước, cách đây 3 tháng vợ chồng mình đã xin lịch nghỉ ở công ty và đặt vé máy bay. Với những người xa quê như chúng mình, tết như đã về rất gần rồi. Dù kinh tế của vợ chồng còn hạn hẹp nhưng chúng mình vẫn quyết định về quê đón tết vì 6 năm rồi, chồng chưa được về quê ăn tết cùng với gia đình. "Ở xứ sở hoa anh đào, năm nào Hội người Việt Nam tại Nhật Bản cũng tổ chức đón tết. Tất cả các gia đình người Việt ở đây đều đón tết âm lịch, cùng gói bánh chưng, trang trí tết và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa sôi động. Ngoài quần áo, bánh kẹo của Nhật, vợ chồng tôi còn mua rượu Sake, đặc sản của đất nước mặt trời mọc về làm quà" - chị Thảo cho biết thêm. Với chị, 15 ngày nghỉ phép là quãng thời gian nâng niu, trân trọng, dành trọn cho gia đình, cùng bên nhau trong bữa cơm đoàn viên giản đơn mà đậm đà, chan chứa tình thân.

Là một trong những cộng đồng có nhiều hoạt động sôi nổi tại châu Âu, cộng đồng người Việt tại các thành phố ở Đức đặc biệt quan tâm và tổ chức các hoạt động trong các ngày lễ của dân tộc, đặc biệt là tết Nguyên đán. Đó cũng là cách để kiều bào ta vơi đi nỗi nhớ quê hương và thắt chặt thêm tình đoàn kết, truyền đạt cho thế hệ con cháu những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Anh Phạm Minh Đan, quê xã Nguyên Xá (Vũ Thư) đang định cư tại thành phố Rostock, tiểu bang Mecklenburg Vorpommen (Cộng hòa Liên bang Đức) cho biết: Tôi xa quê hương đã gần 30 năm. Mặc dù tại Đức, một đất nước có điều kiện sống hàng đầu châu Âu, tôi vẫn thường xuyên cập nhật tình hình trong nước, trong tỉnh, song mỗi độ xuân về, tôi lại thấy nhớ quê hương da diết, nhớ về những ngày tháng cùng với gia đình lo đón tết trong nghèo khó, nhớ về ký ức của tuổi thơ xúng xính trong bộ quần áo mới đón tết. Trong cuộc sống hiện đại này thì những dịp như tết càng làm cho chúng tôi thêm yêu và gắn bó với quê hương hơn nữa. Giống như ở quê hương mình, ngày tết, ban thờ gia tiên cũng có đầy đủ như mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, bánh kẹo... Tùy theo điều kiện của gia đình thì sự hiện diện của cành đào trong ngày tết là điều không thể thiếu. Năm nay, gia đình tôi quyết định về quê để cảm nhận rõ hơn cái tết đầm ấm, sum vầy của quê hương.

Hướng về quê hương

Trong tâm trí của ông Ngô Đức Giang, Giám đốc Công ty Nền móng Phú Châu tại quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, người con Thái Bình xa quê gần 40 năm vẫn không quên dư vị tết quê nhà. Hình ảnh chợ quê bày bán những sản vật dân dã từ chính công sức của người nông dân chân chất làm ra vẫn còn in đậm trong tâm trí ông. Qua thời gian, "vật đổi, sao dời", có những thứ đã mất dần nét xưa, thay vào đó là lối sống hiện đại hơn nhưng tết quê hương vẫn có gì đó thiêng liêng, khiến lòng người xao xuyến mỗi khi nhớ về. Ông Giang tâm sự: Là một người trưởng thành trong quân ngũ, chọn cho mình mảnh đất phương Nam là quê hương thứ hai nhưng mỗi năm, những ngày giáp tết là tôi lại nhớ, nhớ đến cồn cào, thèm một chút hương vị quê nhà. Xa quê ngần ấy năm nhưng từ giọng nói đến phong cách, tôi vẫn là người con của quê hương Phú Châu (Đông Hưng). Công ty của tôi cũng chính là ngôi nhà chung của nhiều con em quê hương Thái Bình và tháng giáp tết, tôi phải bố trí công việc, sắp xếp cho công nhân về quê đoàn viên với gia đình. Họ cũng như mình, đều có nỗi niềm riêng, cả năm chỉ mong đến ngày tết sum vầy, gặp mặt nhau.

Dù gia đình sống tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng hàng năm vào các ngày giỗ, tết, ông Giang vẫn cùng các con về quê. Trước là tảo mộ ông bà, tổ tiên, sau là du xuân cổ truyền. Do đặc thù công việc nên ông chỉ tranh thủ được vài ngày nghỉ nhưng đối với ông, quá nửa đời phiêu dạt nơi đất khách vẫn thèm lắm một chốn quê nhà. Ông giãi bày: Tôi vẫn kể cho các con nghe về tục lệ cổ truyền của quê hương như nhắc nhở các con đừng quên gốc rễ, nguồn cội. Năm nay, tôi và cháu út sẽ về trước ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) để kịp sửa soạn mâm cơm cúng tổ tiên, thăm mộ người quá cố và đi chơi họ hàng… Bây giờ khác với ngày trước, một chuyến máy bay là trong ngày có mặt ở quê nhưng cứ nghĩ ngày tết được về quê là tôi thấy háo hức, chờ đợi như thuở đôi mươi vậy.

Còn với em Vũ Thị Hồng ở thôn Kinh Nậu, xã Đông Kinh (Đông Hưng), tết là quãng thời gian đông đủ các thành viên trong gia đình. Bố mẹ sang Trung Quốc làm ăn từ ngày Hồng còn nhỏ, Hồng và các em phải chia ra ở cùng với ông bà nội, ngoại. Ngày còn nhỏ, tết năm nào Hồng cũng háo hức chờ đợi bố mẹ về mua cho quần áo mới, được cùng ông bà canh nồi bánh chưng. Giờ đã trưởng thành, Hồng càng thấy tết thiêng liêng hơn. Hồng tâm sự: Tuy đã lớn, tự lo cho cuộc sống của mình nhưng em vẫn thèm được ăn bữa cơm mẹ nấu, được cùng mẹ đi sắm tết, vào bếp nấu bữa cơm chiều 30 cùng với mẹ.

Cuộc sống vẫn không ngừng thay đổi, nhưng có những giá trị truyền thống, nét đẹp của nghìn năm vẫn còn mãi theo thời gian, nhất là khi tết đến xuân về cho mỗi chúng ta một mùa đoàn tụ yêu thương. Những người con xa quê hương trên khắp mọi miền của đất nước hay kiều bào ta ở nước ngoài vẫn luôn hướng về đất nước Việt Nam thân yêu, bởi đó là nơi "chôn nhau cắt rốn", nơi chứa đựng hồn cốt quê hương để họ tự tìm lại cho mình những mảnh ghép cuộc đời.

Nhạc sĩ Việt Cường, Hội đồng hương Thái Bình tại thành phố Hải Phòng

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa chúng ta cùng đón chào xuân Đinh Dậu 2017. Thời điểm này, những người con xa quê đã chọn cho mình những phương tiện phù hợp nhất, chuẩn bị đầy đủ hành trang để trở về với gia đình của mình sau quãng thời gian dài xa cách. Dù xa quê nhưng chúng tôi vẫn luôn hướng về quê hương Thái Bình để đón tết, đoàn viên với gia đình.

Em Vũ Minh Quân, thực tập sinh tại Nhật Bản

Năm nay là cái tết đầu tiên em không ở bên gia đình. Cũng hơi buồn một chút nhưng tết của cộng đồng người Việt ở Nhật Bản cũng rất ấm áp, gợi nhớ quê hương. Qua Báo Thái Bình, em xin gửi lời chúc mừng năm mới đến gia đình, bạn bè và mọi người dân trên khắp mọi miền, những người lính đang canh giữ biển trời Tổ quốc một cái tết an lành, bình yên, hạnh phúc.

Tất Đạt

  • Từ khóa