Thứ 6, 10/05/2024, 03:03[GMT+7]

Để doanh nghiệp mặn mà đầu tư vào nông nghiệp (Kỳ 1)

Thứ 5, 28/03/2019 | 16:07:34
1,386 lượt xem

Năm 2018 là năm thua lỗ với nông dân trồng ớt.

Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập hiện nay rất cần tới vai trò trung tâm, quyết định của các doanh nghiệp. Với thế mạnh về vốn và công nghệ, doanh nghiệp sẽ tạo ra chuỗi liên kết các hàng nông sản, bảo đảm sự phát triển toàn diện, bền vững của nông nghiệp. Tuy nhiên, con số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh mới chỉ dừng lại ở mức “khiêm tốn”, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, mà tiên quyết là sự đột phá về mặt chính sách đối với doanh nghiệp.

Kỳ 1: Điệp khúc “giải cứu”

Nông dân thiếu thông tin về thị trường, sản xuất theo lối cũ, chạy theo cái đắt đỏ tức thì mà không lường trước được việc thị trường sẽ thừa cung là nguyên nhân chính khiến nông sản của nông dân luôn cần được “giải cứu”. Trong điệp khúc “được mùa, mất giá” luôn không có bóng dáng của người “nhạc trưởng” doanh nghiệp trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. 

Ớt là cây trồng truyền thống, chủ lực trong vụ đông xuân của huyện Quỳnh Phụ với diện tích hàng năm đạt gần 1.000ha. Bén duyên với đồng đất huyện Quỳnh Phụ hàng chục năm qua, cây ớt cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn các cây màu vụ đông khác và gấp nhiều lần cấy lúa khi giá ớt ở mức cao. Còn như ở vụ đông năm 2018 vừa qua, nhiều nông dân đã phải chặt bỏ cây sớm do giá quá rẻ. Nhiều nông dân cho hay, đầu vụ ớt còn được giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, càng vào chính vụ, giá càng giảm, có thời điểm còn 3.000 - 5.000 đồng/kg. Chi phí đầu tư trồng ớt ít nhất cũng phải tốn 4 - 5 triệu đồng/sào. Ai cũng hy vọng, với sản lượng và chất lượng cao sẽ kiếm lời nhanh, nhưng đáng buồn là suốt cả vụ giá ớt tươi duy trì ở mức quá thấp, so với chi phí bỏ ra thì nhiều hộ trồng ớt bị lỗ nặng. Thương lái o ép, thu mua cầm chừng, tiền bán ớt không đủ bù phân bón, tưới, tiêu vì thế nhiều ruộng ớt chín mà nông dân không thu hái. Theo một số thương lái, thị trường của cây ớt chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, nhưng do năm nay “cầu” ít “cung” lại nhiều nên hầu hết ớt được bán cho các cơ sở làm tương ớt, trong khi cụm từ “giải cứu nông sản” dường như là ngoại lệ với ớt bởi nhu cầu tiêu thụ nhỏ lẻ rất thấp. 

Năm 2017 là năm không thể nào quên khi cuộc khủng hoảng rớt giá đã gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề cho người chăn nuôi lợn. Nếu như cuối 2015 đến đầu 2016, giá lợn tăng rất mạnh thì từ nửa cuối năm 2016 đến hết năm 2017 lại là giai đoạn mà chăn nuôi lợn điêu đứng. Việc giá lợn tăng rất mạnh giai đoạn cuối năm 2015 đến nửa đầu năm 2016 đã tạo một cơn lốc đầu tư khiến việc nuôi lợn gia tăng đột biến, trong đó có Thái Bình. Chiếm khoảng 80% tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm, với khối lượng hàng năm đạt 184.000 - 200.000 tấn, thịt lợn được xem là ngành hàng chủ yếu trong chăn nuôi của tỉnh trong khi chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, tận dụng vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn. Giá đầu vào cao, giá thành sản xuất cao trong khi giá bán, thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh không ổn định. Bên cạnh đó, việc liên kết trong sản xuất chăn nuôi còn yếu, chưa có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nên “đầu ra” cho chăn nuôi bất ổn. 

Bà Phạm Thị Gái, xã Vũ Hội (Vũ Thư) cho biết: Đầu năm 2017, những hộ chăn nuôi lợn như tôi gần như điêu đứng, giá thấp nhưng trông đỏ mắt cũng không có thương lái mua, thời điểm đấy mỗi con lợn lỗ từ 1,5 - 2 triệu đồng, còn đối với hộ tự nhân giống ở chuồng trại lỗ ít nhất là 1 triệu đồng/con. Để ứng phó với khó khăn trong chăn nuôi lợn, chúng tôi đã giảm khẩu phần ăn của lợn, cho ăn cầm chừng, sử dụng nguyên liệu có sẵn để phối trộn thức ăn nhằm giảm giá thành chăn nuôi hoặc giảm quy mô đàn... thậm chí, chúng tôi tự giết, tự mang bán để gỡ gạc lại phần nào thua lỗ. Nhiều hộ dân đã lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí nhiều người phải bỏ xứ mà đi làm ăn nơi khác để kiếm tiền trả nợ. 

Chuyện rớt giá thê thảm của ớt, lợn chỉ là 2 trong số nhiều mặt hàng nông sản thường chịu cảnh được mùa, mất giá. Nó cho thấy nguyên nhân cơ bản là do sự thiếu thông tin về thị trường để nông dân xác định nên trồng cây gì, nuôi con gì, số lượng bao nhiêu. Nông dân sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, khi giá tăng thì ồ ạt nuôi, trồng, rớt giá thì chặt phá, vứt bỏ chuyển sang cây con khác. Vậy nên, để không còn tình trạng “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa”, ngoài việc định hướng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thì một yêu cầu tất yếu là phải hình thành các chuỗi sản xuất, nông dân liên kết lại với nhau thành tổ, đội như các tổ hợp tác, HTX và chuỗi liên kết này nhất thiết phải có sự dẫn dắt của doanh nghiệp. 

Thái Bình cần phấn đấu trở thành tỉnh trù phú, giàu có dựa trên nền tảng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao và công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp, góp phần hình thành một diện mạo mới của nền nông nghiệp Việt Nam và bức tranh nông thôn Việt Nam trong thập kỷ tới.

(Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình ngày 8/4/2017).


 
Ông Vũ Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà

Để tìm đầu ra ổn định cho người nông dân, thời gian qua, cùng với việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong huyện, Hưng Hà còn có cơ chế hỗ trợ riêng là 300.000 đồng/ha nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân thuê, mượn đất từ 2ha trở lên để sản xuất nông nghiệp đồng thời giao nhiệm vụ cho HTX SXKD DVNN đứng ra làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn huyện trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản. Bên cạnh đó, huyện Hưng Hà còn ban hành cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển mô hình nuôi cá lồng theo đúng quy hoạch với số tiền 10 triệu đồng/lồng. Chính vì thế, đến nay, trên địa bàn huyện Hưng Hà đã thu hút được 15 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích gần 1.500ha

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh

Muốn phát triển sản xuất chăn nuôi theo chuỗi, bảo đảm an toàn dịch bệnh cần xây dựng được thương hiệu sản phẩm và giải quyết được bài toán đầu ra sản phẩm, việc này nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua, giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi. Mặc dù, việc kêu gọi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong thời gian qua được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đủ sức lôi kéo, thu hút các doanh nghiệp thực sự có tiềm lực trong lĩnh vực này.

Ông Đào Văn Kỷ, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ

Dù cây ớt được trồng ở Quỳnh Phụ hơn 30 năm nhưng chưa có vụ nào nông dân chúng tôi yên tâm về đầu ra cho sản phẩm. Bán cho tư thương nên giá cao ngày nào biết lãi ngày ấy. HTX nông nghiệp đã từng đứng ra ký kết hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp thu mua cho bà con nhưng do yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã phía doanh nghiệp cũng như mức giá thu mua chênh lệch so với thương lái ngoài nên hầu hết mọi người đều “phá kèo”. Năm 2018 là một năm giá ớt thấp kỷ lục, kéo dài gần như hết vụ nên nhiều hộ thu dỡ cọc, nhổ cây dù vẫn đang cho thu hoạch rộ.


(còn nữa)
Nhóm phóng viên





Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày