Thứ 7, 18/05/2024, 18:41[GMT+7]

Khó khăn cai nghiện ma túy tại cộng đồng

Thứ 6, 29/03/2019 | 14:49:37
2,560 lượt xem
Thời gian qua, cùng với việc tổ chức cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện, các điểm tư vấn, cai nghiện ma túy tại cộng đồng cũng được thành lập theo sự chỉ đạo của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động tại các điểm cai nghiện tại cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả mang lại chưa cao.

Học viên tại Trung tâm Cai nghiện ma túy và Chăm sóc đối tượng xã hội học nghề gia công điện tử.

Theo báo cáo của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 4.880 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có khoảng trên 300 người được cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc, 453 người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện cai nghiện tại địa phương, từ năm 2016 UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập một số điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tại một số xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 13 điểm tư vấn, cai nghiện tại cộng đồng đặt tại trạm y tế xã, phường, thị trấn. Hoạt động chính của các điểm là tổ chức tư vấn, hỗ trợ điều trị cắt cơn cho người nghiện, tuyên truyền về tác hại của ma túy đối với con người. Sau khi thành lập, các điểm đã thành lập tổ công tác cai nghiện và ban hành nội quy, quy chế hoạt động; tổ chức tư vấn và điều trị cắt cơn cho người nghiện. 

Theo thống kê, từ khi thành lập đến nay, các điểm đã tổ chức 292 buổi tư vấn nhóm và tư vấn cho cá nhân, tuyên truyền 480 lượt các bài viết về tác hại của ma túy, cơ chế gây nghiện, nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy, hướng dẫn tìm việc làm cho người nghiện sau cai. 

Tại một số điểm tư vấn, sau thời gian hoạt động bước đầu mang lại hiệu quả, nhiều đối tượng đã cắt được cơn nghiện, học nghề và có việc làm ổn định. 

Điển hình như điểm cai nghiện tại xã An Vũ (Quỳnh Phụ), dù mới đi vào hoạt động từ tháng 8/2018 nhưng đến nay trong tổng số 37 người nghiện trong xã, các cán bộ của điểm tư vấn đã tư vấn, điều trị cắt cơn nghiện cho 17 người, đồng thời liên kết với chủ doanh nghiệp là người địa phương đang ở nước ngoài để đưa họ sang làm việc.

Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực và cố gắng trong việc cắt cơn và cai nghiện nhưng công tác cai nghiện tại cộng đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 

Ông Nguyễn Công Bồi, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu cán bộ thực hiện công tác cai nghiện, hầu hết cán bộ tại trạm y tế đều kiêm nhiệm, không có phụ cấp cho việc tư vấn, chăm sóc và điều trị cai nghiện; trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế. Một số cơ sở cán bộ y tế phục vụ cho công tác cai nghiện chưa được đào tạo chuyên môn sâu về cai nghiện ma túy, dẫn đến lúng túng khi điều trị cắt cơn cho người nghiện. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phác đồ cắt cơn nghiện còn thiếu và chưa phù hợp với tình hình hiện nay. Chưa kể, việc cai nghiện tại cộng đồng là do tự nguyện nên dù có cắt được cơn nghiện nhưng việc tiếp xúc, gặp gỡ với bạn bè là những người nghiện dẫn đến nguy cơ tái nghiện rất cao, nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ chính quyền địa phương và sự động viên kịp thời của gia đình sẽ tác động rất xấu đến người nghiện, khiến họ khó có thể từ bỏ được ma túy. Vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý lại chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, giám sát công tác cai nghiện tại cộng đồng. Công tác quản lý, hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện mới chỉ được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn... nguồn kinh phí huy động lồng ghép còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến người nghiện không có việc làm, nảy sinh tâm lý chán nản và dễ quay lại với ma túy.

Để công tác cai nghiện tại cộng đồng đạt hiệu quả cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng, không xa lánh, kỳ thị, tạo dựng niềm tin cho người nghiện thoát khỏi ma túy. Việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng gắn trách nhiệm của gia đình có người nghiện ma túy cùng với chính quyền địa phương chung tay thực hiện. Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ cai nghiện; bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho cán bộ làm công tác cai nghiện và tổ chức các khóa huấn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ cho công tác cai nghiện. Các cấp, ngành cần có chính sách hỗ trợ việc làm sau cai cho người nghiện, giúp họ ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập với cộng đồng.

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày