Thứ 2, 13/05/2024, 02:28[GMT+7]

Kiên quyết áp dụng các biện pháp tích cực nhất để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 2, 15/04/2019 | 17:37:30
1,405 lượt xem
Chiều ngày 15/4, UBND tỉnh tổ chức họp chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Audio: ubnd_dichtalonchauphi_1504_mixdown.mp3

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và các huyện, thành phố.

Từ đầu tháng 2/2019 đến nay cả nước đã có 23 tỉnh, thành phố có dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó có hai tỉnh Hòa Bình và Bắc Kạn đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh. 

Đối với tỉnh Thái Bình, đến nay, dịch đã xảy ra tại 246/281 xã, phường, thị trấn có nuôi lợn của 8/8 huyện, thành phố; đặc biệt các tại huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ và Kiến Xương dịch bệnh đã xảy ra tại 100% số xã, thị trấn. Tổng số lợn tiêu hủy lũy kế đến hết ngày 14/4 là 146.373 con của 26.246 hộ, 1.272 thôn, 244 xã (riêng xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà và xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy đã có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng chưa có báo cáo cụ thể về tiêu hủy); tổng trọng lượng lợn đã tiêu hủy hơn 7.500 tấn. 

Không chỉ phát sinh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến ngày 14/4, dịch bệnh còn xảy ra tại 2 trang trại chăn nuôi có quy mô lớn và xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư) - là địa phương có tổng đàn lợn gần 14.000 con, đồng thời tái phát tại xã Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Phụ) và xã Vũ Tiến (huyện Vũ Thư). 

Để hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, tỉnh và các huyện, thành phố đã cấp 57.668 lít hóa chất và hơn 2.130 tấn vôi bột, trong đó hóa chất hỗ trợ thực hiện tuần tiêu độc khử trùng là 18.000 lít. 

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung bàn các giải pháp nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh đặc biệt là ở các trang trại có dịch cũng như những trang trại chưa có dịch xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.

Các đại biểu dự cuộc họp.

Phát biểu kết luận, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định mặc dù đến thời điểm này tỉnh và các địa phương đã triển khai quyết liệt, tích cực các giải pháp theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên nhưng dịch bệnh vẫn chưa được khống chế và có khả năng bùng phát ở quy mô lớn hơn. 

Ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh đồng thời chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, với quyết tâm xốc lại tinh thần cho người chăn nuôi, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Cần kiên quyết áp dụng các biện pháp tích cực nhất để thực hiện việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; chủ động khắc phục những tồn tại, hạn chế đồng thời có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. 

Trên cơ sở đó, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố phát động tuần lễ tiêu độc khử trùng từ ngày 17 - 24/4, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức phát động chiến dịch với trọng tâm hướng đến là các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn; tổ chức họp với các chủ trang trại, yêu cầu các chủ trang trại thực hiện nghiêm ngặt hơn quy trình cách ly và công tác tiêu độc khử trùng ngay trong trang trại của mình; thực hiện nghiêm túc quy trình tiêu hủy lợn, hạn chế nguồn lây lan dịch bệnh từ công tác tiêu hủy lợn; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản khi các trang trại phát sinh dịch bệnh và khi dịch bệnh phát sinh trên diện rộng; chủ động phối hợp với các sở, ngành đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường để có giải pháp cụ thể về quỹ đất trong quá trình tiêu hủy lợn nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường. 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất tổ chức các điều kiện cần thiết để công bố dịch ở thành phố Thái Bình; bỏ chốt kiểm dịch của xã và huyện ở tất cả các địa phương đã có dịch, chỉ duy trì 5 chốt kiểm dịch của tỉnh và duy trì chốt kiểm dịch của xã và huyện ở những xã chưa có dịch; chuyển hướng trọng tâm sang hỗ trợ chống dịch cho các trang trại chăn nuôi lớn, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất giải pháp riêng cho công tác chỉ đạo phòng, chống dịch đối với các trang trại; tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền trong phòng chống dịch để khích lệ tinh thần người dân. 

Đối với các trang trại có quy mô lớn, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất hỗ trợ hóa chất tiêu độc khử trùng cho các tuyến đường xung quanh; đồng thời yêu cầu các trang trại chủ động ngăn chặn các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như ruồi, muỗi, bọ, chuột…; khuyến khích, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các trang trại khẩn trương tiêu thụ hết đàn lợn, tránh gây thiệt hại khi dịch bệnh phát sinh. 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cho các địa phương trong công tác phòng chống dịch đồng thời đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ con lợn giống thông qua tái đàn để báo cáo trung ương xem xét, giải quyết; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu việc thành lập các đoàn của tỉnh đi kiểm tra để xốc lại tinh thần, tạo niềm tin cho người dân trong quá trình phòng, chống dịch.

Minh Hương

Ảnh: Thành Tâm