Thứ 6, 10/05/2024, 15:50[GMT+7]

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm cho cách mạng Việt Nam

Thứ 2, 06/05/2019 | 18:28:57
45,001 lượt xem
65 năm đã trôi qua, trên chiến trường Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã làm nên một chiến thắng vô cùng oanh liệt "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp với thắng lợi hoàn toàn thuộc về nhân dân Việt Nam.

Ảnh tư liệu.

Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi nhất trong thế kỷ XX mà ý nghĩa lịch sử và tầm vóc của sự kiện này vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

65 năm nhìn lại, có thể khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của trí tuệ và bản lĩnh chính trị của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò cầm quân của tổng chỉ huy Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, trước hết được bắt nguồn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt cả cuộc kháng chiến, nhất là ở những thời điểm có tính bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến tranh, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nắm vững lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, phát động cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, xây dựng và sử dụng lực lượng vũ trang cách mạng làm nòng cốt; đánh địch bằng cả sức mạnh của thời đại ngày nay trong sự kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm truyền thống của dân tộc, của nhân loại; đánh địch bằng sức mình là chính, đồng thời tranh thủ tối đa sự ủng hộ mọi mặt của các nước xã hội chủ nghĩa và bè bạn khắp năm châu; chủ động tạo nên sự chuyển hóa căn bản về thế và lực, làm cho sức ta càng đánh càng mạnh và đẩy quân địch vào tình thế ngày càng khốn đốn, phải đầu hàng vô điều kiện.

Thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ còn là thắng lợi của nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch với phương châm "đánh chắc, tiến chắc" của Bộ Chỉ huy chiến dịch gắn với tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thắng lợi này còn chứng tỏ rằng trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc dù là nhỏ yếu nhưng một khi đã đoàn kết đứng lên kiên quyết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng để giành độc lập và dân chủ thì có đầy đủ lực lượng để chiến thắng mọi kẻ thù dân tộc và cũng chứng minh một chân lý của thời đại: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí tự lực tự cường, chủ động sáng tạo và biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học và những kinh nghiệm quý giá không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta mà còn cả trong công cuộc đổi mới của đất nước hôm nay.

Một là: Bài học về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đồng lòng chung sức khắc phục mọi khó khăn gian khổ đánh bại kẻ thù.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy để xây dựng và phát huy hiệu quả khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng ta phải đưa ra được mục tiêu chung cho cách mạng Việt Nam và hướng tất cả mọi người vào mục tiêu chung đó. Mục tiêu chung của chiến dịch Điện Biên Phủ là hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tạo tiền đề cho cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ngày nay mục tiêu chung của cách mạng Việt Nam là tất cả vì "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" và để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, trước hết mọi người Việt Nam phải xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên tạo ra sự ổn định chính trị và sự đồng thuận trong xã hội. Đảng cần chú trọng bảo đảm quyền lợi chính đáng của cộng đồng, giải quyết hài hòa giữa lợi ích của các giai tầng trong xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hai là: Bài học về phát huy nội lực, đề cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ để giành chiến thắng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với một đội quân "đầu trần, chân đất, súng thô", quân đội ta đã đánh bại đội quân nhà nghề với "xe tăng, đại bác, máy bay, tàu chiến hiện đại", sở dĩ chúng ta làm được điều này là vì ngay từ đầu của cuộc kháng chiến với đường lối kháng chiến của quân đội ta là "toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh và dựa vào sức mình là chính". Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước ta hiện nay, hơn bao giờ hết, theo tinh thần Điện Biên Phủ, phải phát huy tinh thần độc lập tự chủ, dám nghĩ dám làm, giám chịu trách nhiệm, phải hết sức coi trọng xây dựng sức mạnh nội lực, đó chính là sức mạnh tổng hợp từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước, vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, tinh thần và sức mạnh của nhân dân Việt Nam yêu nước ở trong và ngoài nước. Để tạo ra nội lực to lớn và bền vững của đất nước phải đặc biệt chú trọng và chăm lo tới công tác xây dựng Đảng, chăm lo xây dựng nền dân chủ nhân dân, nắm bắt thời cơ, khắc phục nguy cơ, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị đưa đất nước phát triển bền vững.

Ba là: Kế thừa và phát triển bài học về tôn trọng thực tế, nắm vững quan điểm thực tiễn, kịp thời sáng tạo trong hành động để đạt được mục đích cao nhất.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh, Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ đã kiên quyết, mưu lược đưa ra thay đổi cách đánh ngay cả khi đã triển khai thành nghị quyết. Đây là bài học rất có ý nghĩa đối với Đảng và nhân dân ta hiện nay. Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn thách thức, Đảng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới cần phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp. Trong tình hình ấy, đòi hỏi Đảng phải vững vàng về chính trị, tư tưởng, năng động sáng tạo, nhạy bén, phân tích kịp thời để hoạch định chính sách, điều chỉnh mục tiêu và cách thức phát triển đất nước sao cho phù hợp với xu thế chung của thời đại. Luôn bám sát vào sự vận động của thực tiễn, kịp thời phân tích, phát hiện ra những vấn đề mới, tổng kết thực tiễn, phát triển sáng tạo lý luận chính là những yếu tố cơ bản để bảo đảm Đảng ta lãnh đạo đường lối đổi mới đúng đắn và thành công.

Bốn là: Bài học về sự tăng cường đoàn kết, mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước anh em, bạn bè quốc tế.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia thì cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam còn nhận được sự động viên, sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của các nước anh em, bạn bè và nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới như Liên Xô, Trung Quốc, kể cả nhân dân Pháp và đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của nhân dân ta. Ngày nay trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã mở ra những thời cơ mới đồng thời cũng là những thách thức đối với các quốc gia nhất là đối với các nước nhỏ, các nước đang phát triển. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, phương hướng hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam được khẳng định đó là: "Chú trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng, thúc đẩy hợp tác với các nước lớn, đối tác quan trọng". Đây là một hướng ưu tiên hàng đầu trong hoạt động đối ngoại nhằm tạo lập môi trường hòa bình, ổn định. Sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam rất cần thiết phải "Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, nâng cao vị thế , uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình độc lập dân tộc và dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới" mà trước tiên là phải xây dựng được mối quan hệ hòa bình, hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới. Trên hướng này, Việt Nam chú trọng việc củng cố và phát triển tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, quan hệ hợp tác toàn diện với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, quan hệ láng giềng với Campuchia và Trung Quốc. Việt Nam luôn coi trọng và nâng cao hiệu quả của công tác ngoại giao nhân dân theo phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả", tăng cường quan hệ song phương và đa phương với các tổ chức nhân dân các nước, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế hơn 30 đổi mới đất nước, đường lối đối ngoại của Đảng ta đã đem lại nhiều thành công to lớn, kinh tế đất nước không ngừng phát triển, chính trị ổn định, ngoại giao mở rộng, quốc phòng, an ninh, chủ quyền đất nước được giữ vững.

 Lê Mai Phương

Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị  Thái Bình