Thứ 2, 13/05/2024, 11:51[GMT+7]

Hành trình “điện đi trước một bước” (kỳ 3)

Thứ 6, 10/05/2019 | 08:55:10
1,237 lượt xem
Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) cho ngành điện quản lý là một chủ trương đúng của Nhà nước, của tỉnh. Ngay sau tiếp nhận LĐHANT từ các đơn vị quản lý điện nông thôn, Công ty Điện lực Thái Bình đã chú trọng triển khai chương trình đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Công nhân Điện lực Đông Hưng chuẩn bị vật tư cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn.

Kỳ 3: Thực trạng lưới điện hạ áp nông thôn

Lưới điện được đầu tư nâng cấp 

Phần lớn LĐHANT trong diện tiếp nhận được xây dựng từ 20 - 30 năm trước, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Yếu tố kinh tế và thời gian đã chi phối làm ảnh hưởng về kỹ thuật và an toàn như đường dây dài, dây dẫn tiết diện nhỏ nhiều chủng loại, trạm biến áp công suất thấp... Chất lượng điện kém, có nơi điện áp cuối nguồn tại hộ dân xuống rất thấp, không bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Hơn nữa, do năng lực tài chính có hạn, các tổ chức kinh doanh điện nông thôn có kinh phí đến đâu đầu tư đến đó nên có nhiều khu vực bán kính cấp điện quá xa, do đó khi được bàn giao cho Công ty Điện lực Thái Bình hệ thống lưới điện tại nhiều địa phương đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Công ty Điện lực Thái Bình đã huy động mọi nguồn lực và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện cải tạo, triển khai đồng bộ công tác quản lý kinh doanh, quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành như: tổ chức ký hợp đồng mua bán điện theo quy định đến 100% số khách hàng sử dụng điện nông thôn, thực hiện áp giá bán điện theo đúng quy định của Nhà nước. Thực hiện đề án chăm sóc khách hàng như thu tiền điện tại quầy, dịch vụ thanh toán tiền điện qua ngân hàng; giảm thời gian cấp mới đồng hồ đo điện; tuyên truyền các chính sách, quy định của Nhà nước về lĩnh vực hoạt động điện lực; thực hiện chương trình sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Việc tiếp nhận LĐHANT trên địa bàn đã theo lộ trình bảo đảm ngành điện bố trí nguồn vốn nâng cấp theo kế hoạch hàng năm. Trong đó, năm 2016 Công ty Điện lực Thái Bình đã tiếp nhận được 7 xã và 1 HTX để bán điện tới hộ với khối lượng 189,592km đường dây hạ thế; tổng số 18.145 công tơ. Năm 2017, tiếp nhận được 22 xã để bán điện tới hộ với khối lượng 485,32km đường dây hạ thế; tổng số 50.736 công tơ. Năm 2018, tiếp nhận thêm 32 xã với khối lượng 832,68km đường dây hạ thế; tổng số 92.311 công tơ. Trong 270 xã đã tiếp nhận có 186 xã không thuộc dự án RE2, 84 xã thuộc dự án RE2 và RE2 bổ sung. Đối với các xã không thuộc dự án RE2 trước khi bàn giao cho ngành điện, tỷ lệ tổn thất điện năng bình quân ở các xã trên 33%, thậm chí có xã lên tới 40%. Đối với các xã tham gia dự án RE2, RE2 bổ sung lưới điện đã bị quá tải. Một số nhánh đường dây kéo dài phát triển sau dự án do các HTX dịch vụ điện năng tự đầu tư xây dựng không theo tiêu chuẩn kỹ thuật. 

Nghề mộc ở xã Nguyên Xá (Vũ Thư) phát triển ổn định.

Điện ổn định, người dân hưởng lợi 

Tính đến ngày 30/10/2018, Công ty Điện lực Thái Bình đã thực hiện tiếp nhận LĐHANT bán lẻ đến hộ của 270 xã, với khối lượng tiếp nhận tổng số 322.179 công tơ, 3.909,70km đường dây hạ thế. Sau khi tiếp nhận và được cải tạo chất lượng điện năng tại các địa phương được cải thiện, tổn thất trung bình các xã giảm còn 7 - 8%. 

Ông Bùi Xuân Tuấn, Giám đốc Điện lực Thái Thụy cho biết: Những năm qua, trên địa bàn Thái Thụy đã có nhiều công ty, doanh nghiệp tập trung đầu tư tại các điểm, cụm công nghiệp tại địa phương, do đó để bảo đảm cho LĐHANT cấp điện ổn định, đơn vị đã tiến hành duy tu 405km đường dây trung áp, 890km đường dây hạ áp, 528 máy biến áp; đóng mới 4 trạm biến áp chống quá tải luân chuyển và nâng dung lượng 13 máy biến áp, thay thế 53 tủ điện và hơn 300 cột điện. Ngoài ra, để chống quá tải cục bộ, đơn vị thường xuyên thực hiện việc cân đảo pha cho các trạm biến áp, bổ sung 13km đường dây hạ áp để chống quá tải. 

Không chỉ có Thái Thụy mà điện lực các huyện, thành phố trong tỉnh cũng tích cực đầu tư LĐHANT bảo đảm cấp điện ổn định, an toàn tại địa phương mình quản lý. Theo ông Lê Hồng Ngọc, Giám đốc Điện lực Quỳnh Phụ, vào thời kỳ đầu tiếp nhận LĐHANT trên địa bàn huyện, Điện lực Quỳnh Phụ đã đầu tư trên 80 tỷ đồng vào LĐHANT với các dự án xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo lưới 400V phục vụ giảm tổn thất các trạm biến áp công cộng có tỷ lệ tổn thất cao; chuyển đổi, nâng dung lượng máy biến áp tiêu thụ; nâng dung lượng chống quá tải trạm trung gian Vũ Hạ; nâng công suất máy biến áp một số trạm trung gian. Năm 2017 - 2018, đơn vị tiếp tục tiếp nhận 11 xã để tập trung đầu tư nâng cấp, trong đó kiểm tra cân pha xử lý tiếp xúc, tận dụng nguồn vốn sửa chữa thường xuyên lập phương án cấy trạm biến áp Đò Neo 2, Đồng Bằng 2, tăng cường dây dẫn, bổ sung cáp nhập, cáp xuất các trạm biến áp; xây dựng cấy 7 trạm biến áp vào các xã An Vũ, An Lễ, An Tràng, Quỳnh Hải, Quỳnh Hồng... Nhờ được đầu tư cải tạo, LĐHANT sau khi tiếp nhận đã cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ trên 30% xuống còn 9,57% năm 2018. 100% số xã đều đạt tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới.


Ông Nguyễn Đức Dương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình

Đến nay, tất cả 7 điện lực huyện, thành phố trong tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển chuẩn xác lưới điện phân phối đến từng thôn, xã. Công ty Điện lực Thái Bình xác định rõ quy mô, tiến độ cải tạo lưới trung, hạ thế để hoàn thiện quy hoạch hạ tầng lưới điện nông thôn của các xã theo chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Có thể khẳng định, sau khi triển khai thực hiện xong các dự án cải tạo LĐHANT tại các địa phương, việc cấp điện đã được tăng cường an toàn, ổn định, chất lượng điện áp cho các hộ dân khu vực xa nguồn được nâng cao hơn, góp phần lớn vào việc cấp điện an toàn ổn định và nâng cao chất lượng điện năng trên địa bàn tỉnh.

Ông Hoàng Văn Sang, Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường (Tiền Hải)

Thực hiện xây dựng nông thôn mới, hệ thống lưới điện của địa phương đã được cải tạo như dây dẫn đã được thay thế từ dây trần sang dây bọc có tiết diện lớn, các trạm biến áp được nâng công suất bảo đảm cung cấp điện ổn định đáp ứng yêu cầu thực tế của đời sống nhân dân ngày càng nâng cao để sử dụng các thiết bị phục vụ cho sinh hoạt như tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt... Đặc biệt, Nam Cường có vùng nuôi trồng thủy sản, Công ty Điện lực Thái Bình đã bố trí 1 trạm biến áp cung ứng điện ổn định, phục vụ nhân dân nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Mai Quý Diện, xã Đông La (Đông Hưng)

Trước đây, lưới điện do Công ty Cổ phần Điện Đông La quản lý, việc cung cấp điện không ổn định, nhất là vào giờ cao điểm, tôi phải dùng ổn áp mới đủ công suất để phục vụ cửa hàng cơ khí của gia đình. Ngoài ra, các hộ dân mỗi khi đăng ký lắp đặt công tơ đo điện đều phải đóng tiền lắp công tơ 3 pha là 1.800.000 đồng và công tơ điện 1 pha là 1.200.000 đồng và giá điện cao hơn quy định của Nhà nước. Từ khi lưới điện được chuyển giao cho Công ty Điện lực Thái Bình quản lý tôi rất yên tâm về chất lượng điện ổn định, giá bán điện theo quy định của Nhà nước. Đặc biệt, nếu bị sự cố, chỉ cần gọi điện thoại là lập tức có người đến sửa ngay, không phải chờ đợi lâu.


Mạnh Thắng 

(còn nữa)