Thứ 3, 14/05/2024, 02:25[GMT+7]

Bảo hiểm y tế giảm gánh nặng tài chính cho người nhiễm HIV

Thứ 6, 17/05/2019 | 08:54:40
913 lượt xem
Không còn được tài trợ kinh phí khám, xét nghiệm và cấp miễn phí thuốc ARV khiến nhiều người nhiễm HIV/AIDS lo lắng vì không thể đủ nguồn tài chính để tiếp tục điều trị. Song thật may mắn, từ tháng 3/2019, bảo hiểm y tế (BHYT) đã trở thành nguồn chi trả chính điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.

Người nhiễm HIV/AIDS đến khám và nhận thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng.

Bác sĩ Đỗ Văn Quang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: HIV/AIDS là bệnh mãn tính, người nhiễm HIV cần phải được điều trị liên tục, suốt đời. Nếu được điều trị sớm và tuân thủ đúng quy trình điều trị sẽ giúp người nhiễm HIV/AIDS sống lâu, khỏe mạnh đồng thời ngăn ngừa khả năng lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Tuy nhiên, điều trị HIV/AIDS đòi hỏi chi phí lớn, nếu không được hỗ trợ thì đa số người nhiễm HIV/AIDS khó có đủ kinh phí để chi trả. Khi không được điều trị thì nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng rất cao.

Trước đây, hầu hết người nhiễm HIV/AIDS đều được điều trị bệnh miễn phí từ các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và kinh phí của nhà nước. Tuy nhiên, theo lộ trình, các tổ chức quốc tế đã cắt giảm và ngừng nguồn tài trợ vào cuối năm 2018. Do đó, để  bảo đảm việc điều trị HIV/AIDS nói chung và điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV nói riêng, Chính phủ đã xác định BHYT là giải pháp bền vững. Theo đó, BHYT sẽ chi trả tiền thuốc ARV, các xét nghiệm phục vụ điều trị và các dịch vụ đặc thù theo phạm vi, mức hưởng của người tham gia BHYT. Vì vậy, thời gian qua, để chuẩn bị cho việc người nhiễm HIV/AIDS tiếp tục được điều trị liên tục và điều trị lâu dài, ngành Y tế, đội ngũ những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS bên cạnh vận động người nhiễm HIV/AIDS mua thẻ BHYT đã tích cực vận động các nguồn tài chính hỗ trợ mua BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS.

Hiện tại, số người nhiễm HIV/AIDS toàn tỉnh đang được quản lý chăm sóc tại các cơ sở, phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là 2.244 người. Đến nay, số bệnh nhân đã có thẻ BHYT đạt trên 97%. 

Chị V.T.H, bệnh nhân đang điều trị tại Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS, Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng chia sẻ, chị phát hiện nhiễm HIV từ năm 2015, sau đó được tư vấn, điều trị ổn định bằng thuốc kháng virus ARV miễn phí từ các nguồn tài trợ. 

Do phối hợp điều trị tốt nên sức khỏe của chị khá ổn định, chị sống tích cực, lạc quan. Song được biết nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế dần cắt giảm và ngừng vào cuối năm 2018 khiến chị và các bệnh nhân khác rất lo lắng. Bởi theo chị H, hầu hết người nhiễm HIV/AIDS đều có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, thu nhập thấp, không thể tự lo kinh phí chi trả để tiếp tục điều trị. Song thật may mắn, chính sách BHYT đã chi trả thuốc ARV và các dịch vụ xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS. Hiện nay, chị H đang được điều trị ARV bằng nguồn kinh phí từ BHYT nên rất yên tâm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Nếu phải tự chi trả, bình quân mỗi bệnh nhân phải bỏ ra từ 1 - 3 triệu đồng/tháng cho riêng tiền thuốc. Nhờ có thẻ BHYT, người nhiễm HIV/AIDS chỉ phải đồng chi trả tối đa là 20% tiền khám chữa bệnh tùy theo mức hưởng, trong đó đã có cả thuốc điều trị ARV. Bên cạnh đó, họ còn được hưởng rất nhiều dịch vụ y tế khác như điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội... Để đáp ứng nhu cầu điều trị của người nhiễm HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng kế hoạch dự trù nguồn thuốc bảo đảm cho người bệnh được điều trị liên tục, tránh gián đoạn. Đồng thời, tiếp tục cử cán bộ y tế các phòng khám ngoại trú HIV/AIDS đi đào tạo, tập huấn tại tuyến trên và tại chỗ để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện tốt công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Bảo đảm tốt quyền lợi cho những người nhiễm HIV/AIDS khi tham gia khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, Trung tâm cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong đó đẩy mạnh truyền thông về tầm quan trọng của thẻ BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, phấn đấu hướng tới 90% số người nhiễm HIV sớm biết tình trạng nhiễm bệnh của mình và sớm được điều trị. Tất cả người nhiễm HIV/AIDS đều có thẻ BHYT để được quỹ BHYT hỗ trợ điều trị bệnh ổn định lâu dài.

BHYT đã thực sự giảm gánh nặng tài chính cho người nhiễm HIV/AIDS, là điểm tựa bền vững cho người nhiễm HIV/AIDS. Vì vậy, những người có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS hãy mạnh dạn đi xét nghiệm để sớm biết tình trạng của mình. Người nhiễm HIV/AIDS hãy tích cực tham gia BHYT để có thể yên tâm điều trị và tiếp tục được duy trì sống khỏe.


Hà Dung

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày