Thứ 7, 27/04/2024, 09:20[GMT+7]

Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển

Thứ 3, 20/12/2016 | 08:22:34
2,733 lượt xem
Kết luận số 119-KL/TW của Ban Bí thư ban hành ngày 4/1/2016 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) nhấn mạnh: “Cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số”. Đây thực sự là bước ngoặt lớn cho chính sách dân số kể từ năm 1961.

Xe tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12.

Thái Bình là tỉnh đất chật người đông, quy mô dân số lớn gần 2 triệu người, mật độ dân số cao 1.152 người/km2, thuộc nhóm cao nhất cả nước. Sự gia tăng nhanh chóng về quy mô dân số luôn là sức ép đối với nền kinh tế nông nghiệp. 55 năm qua, cùng với sự cố gắng của ngành dân số, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ. Cụ thể là: Quyết định số 84/QĐ-UB ngày 20/3/1991 của UBND tỉnh về việc cụ thể hóa Quyết định số 162-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về một số chế độ, chính sách dân số - KHHGĐ, Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành ngày 8/8/2001 về công tác dân số giai đoạn 2001 - 2010, Nghị quyết số 26/QĐ-HĐND ngày 9/7/2009, Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 31/7/2009 về phê duyệt đề án tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - KHHGĐ đến năm 2010, định hướng đến năm 2015, Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 23/8/2010 về quy định một số chế độ khen thưởng, khuyến khích và xử lý vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ, Nghị quyết số 04-NQ/TU về công tác dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành ngày 4/7/2011. Đây là những văn bản quan trọng giúp cho công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Thái Bình gặt hái được những thành tích đáng ghi nhận. Nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ về quy mô gia đình ít con đã có chuyển biến rõ rệt. Số sinh và số người sinh con thứ ba trở lên hàng năm giảm. Số xã, phường, thị trấn, số thôn, làng, tổ dân phố không có người sinh con thứ ba trở lên ngày càng nhiều.

Năm 1961, năm mở đầu cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch trong cả nước, tỷ lệ sinh của Thái Bình là 4,7%, số con của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6 con. Đến năm 2015, tỷ lệ sinh đã giảm xuống còn 1,39%, tổng tỷ suất sinh là 1,9 con/bà mẹ, duy trì mức sinh thay thế trong 15 năm liền. Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai đạt 78%. Chất lượng dân số được cải thiện: tuổi thọ bình quân của người dân đạt 75 tuổi; chỉ số phát triển con người HDI nằm trong nhóm 14 tỉnh dẫn đầu cả nước; thu nhập bình quân đầu người là 29 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 29,8% năm 2001 xuống còn 14,1% năm 2015; tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân dưới 2.500g là 4,1%; trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ được phát hiện sớm và chăm sóc ngày càng tốt hơn. Tỷ lệ tử vong mẹ là 12,8/100.000 ca đẻ sống. Thái Bình là 1 trong 9 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS (năm 2002), tỷ lệ huy động trẻ đủ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%.

Ghi nhận thành tích đó, công tác dân số - KHHGĐ của tỉnh đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2000, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2006, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2011, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2010, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tặng cờ đơn vị xuất sắc năm 2004, Bộ Y tế tặng cờ đơn vị xuất sắc năm 2009, 2011.

Bước sang giai đoạn mới, đi kèm với những thành công lớn đã đạt được, nhất là trong việc ổn định quy mô dân số thì công tác dân số - KHHGĐ Thái Bình cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới về cơ cấu dân số, cơ cấu giới tính, phân bố dân cư, chất lượng dân số.

Về cơ cấu dân số, Thái Bình có cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm 60% dân số. Để tận dụng cơ hội dân số "vàng" đòi hỏi tỉnh phải kịp thời đề ra những chế độ, chính sách phù hợp tận dụng lực lượng lao động dồi dào, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, tỷ lệ người cao tuổi ở tỉnh ta chiếm tới 16,33% (cao nhất cả nước), tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, có hơn 6.000 người trên 90 tuổi cho thấy Thái Bình đã bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số. Tỷ lệ người cao tuổi lớn và ngày càng tăng đặt ra những thách thức không nhỏ trong vấn đề an sinh xã hội. Về cơ cấu giới tính, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Thái Bình đang ở mức báo động. Năm 2007 là 110 nam/100 nữ, năm 2014 là 113 nam/100 nữ, năm 2015 là 111,6 nam/100 nữ. Nếu xu hướng này tiếp tục tăng sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng về dân số, xã hội. Về phân bố dân cư, cùng với quá trình công nghiệp hóa, di cư diễn ra ngày càng sôi động, tỷ lệ xuất cư cao 65/1.000 dân, vừa tạo động lực phát triển, đồng thời cũng gây ra nhiều khó khăn trong kiểm soát dân cư, an ninh trật tự, chăm sóc y tế, sức khỏe sinh sản cho đối tượng thanh niên làm việc trong các khu công nghiệp.

Trước thực trạng trên, ngành dân số - KHHGĐ đang tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ, lồng ghép các chỉ tiêu về dân số - KHHGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt chú trọng triển khai thực hiện Kết luận số 119-KL/TW ban hành ngày 4/1/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX). Theo đó, cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số. Đây thực sự là bước ngoặt lớn cho chính sách dân số kể từ năm 1961.

Để thực hiện chính sách dân số mới với trọng tâm dân số và phát triển, trong thời gian tới, Thái Bình cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 119-KL/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội trong công tác dân số - KHHGĐ. Xác định dân số và phát triển là một nội dung trọng tâm trong công tác, hoạt động thường kỳ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị. Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm tử vong, tăng tuổi thọ và số năm trung bình sống khỏe mạnh... thông qua việc duy trì và nhân rộng các mô hình, đề án như: sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, kiểm soát dân số vùng biển, ven biển… Duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con. Đến năm 2020 bảo đảm quy mô dân số không quá 1,9 triệu người, giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, khống chế ở mức 109 nam/100 nữ.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng dân số và phát triển, phù hợp với 6 nhóm đối tượng đích của truyền thông chuyển đổi hành vi gồm: nhóm các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, nhóm người cung cấp dịch vụ, nhóm người giữ cương vị lãnh đạo, nhóm người cao tuổi, nhóm người khó tiếp cận: dân di cư, vạn chài… bảo đảm phù hợp với đặc điểm văn hóa vùng miền. Tăng cường giáo dục kiến thức và kỹ năng sống cho thanh niên, vị thành niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình bằng hình thức phù hợp. Đa dạng hóa các kênh và nguồn truyền thông, chú ý sử dụng công nghệ thông tin trong truyền thông để tiếp cận gần hơn với nhóm đối tượng trẻ. Ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số - KHHGĐ. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số - KHHGĐ. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển.

Tô Hồng Quang
Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ

  • Từ khóa