Thứ 7, 11/05/2024, 18:07[GMT+7]

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Thái Bình thăm, làm việc tại Hòa Bình

Chủ nhật, 26/05/2019 | 15:39:09
3,613 lượt xem
Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình liên kết sản xuất là chủ đề buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Thái Bình với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình vào sáng ngày 26/5 tại thành phố Hòa Bình.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Audio: 2705_doan_cong_tac_bo_phat_trien_nong_thon_mixdown.mp3

Dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố. 

Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành của tỉnh Hòa Bình tiếp và làm việc với đoàn.

Tham quan xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi tại trang trại nuôi bò của Công ty Cổ phần T&T 159 tỉnh Hòa Bình. 

Đoàn đã đến tham quan, tìm hiểu thực tế tại khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm nông nghiệp và trại sản xuất bò giống chất lượng cao của Công ty Cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 (xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình). Hiện nay, khu liên hợp có tổng diện tích 19ha với dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đại, công suất khoảng 200 tấn/ngày; trại bò, trâu giống và thịt thương phẩm có quy mô trên 8.200 con; nhà máy sản xuất đệm lót sinh học từ phụ phẩm nông, lâm nghiệp và nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh.

Tham quan xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi tại trang trại nuôi bò của Công ty Cổ phần T&T- 159 tỉnh Hòa Bình. 

Sau khi tham quan thực tế và nghe lãnh đạo hai địa phương báo cáo khát quát công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trên địa bàn các tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Phát triển đại gia súc là xu thế tất yếu, là nhu cầu đối với cả tỉnh Thái Bình và Hòa Bình. Hai địa phương đều có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhất là trâu, bò, dê. 

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao việc tỉnh Thái Bình đã mạnh dạn tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi sinh kế cho người chăn nuôi. Với tiềm năng, lợi thế vốn có, Thái Bình cần tiếp tục nghiên cứu, học tập các mô hình chăn nuôi đại gia súc theo hướng công nghệ cao ở nhiều tỉnh, thành phố đã thành công. Cùng với phát triển kinh tế nông thôn, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Thái Bình đi sâu hơn nữa phát triển kinh tế biển, đặc biệt là khai thác thế mạnh về trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hiện đại… Đây cũng là bài học kinh nghiệm rất giá trị để Thái Bình xoay trục trong cơ cấu chăn nuôi, qua đó bù đắp sự thiếu hụt về nguồn cung thịt lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Tham quan trang trại nuôi bò của Công ty T&T 159 tỉnh Hòa Bình.

 Cùng với Hòa Bình, tỉnh Thái Bình có tiềm năng lợi thế rất lớn để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Hiện nay, tỷ trọng nông nghiệp của tỉnh Thái Bình chỉ chiếm 25 - 26% cơ cấu kinh tế toàn tỉnh, trong đó ngành chăn nuôi chiếm 45% giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên vừa qua địa phương chịu thiệt hại nặng nề bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêu hủy trên 330.000 con lợn, chiếm 1/3 tổng đàn lợn toàn tỉnh. Trước tình hình này, Thái Bình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để chỉ đạo bao vây dập dịch, đồng thời khuyến khích tạo điều kiện tiêu thụ đàn lợn đến kỳ xuất bán. Cùng với đó, địa phương đã tính đến bài toán phải thay đổi sinh kế của người dân với những chính sách mới phù hợp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Người dân Thái Bình chịu khó, cần cù, có trình độ thâm canh rất cao trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng đàn bò khoảng  50.000 con. Tuy nhiên, việc phát triển đàn bò theo hướng chăn nuôi tập trung có liên kết sản xuất thì Thái Bình chưa làm được. Qua tham quan khu liên hợp sản xuất có thể nhận thấy nguyên liệu làm thức ăn cho đàn trâu, bò ở Thái Bình rất lớn. Bên cạnh đó, diện tích đất ở địa phương chủ yếu là đất bãi bồi, phù hợp trồng các cây làm nguyên liệu cho đàn trâu, bò. Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình liên kết sản xuất là mô hình phù hợp, hoàn toàn có thể áp dụng tại tỉnh Thái Bình. Trong thời gian tới, Thái Bình sẽ ban hành cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển đàn bò theo hướng trang trại quy mô lớn do doanh nghiệp đầu tư. Ngoài ra, địa phương sẽ phát triển đàn bò trong dân theo mô hình liên kết giữa hộ nông dân với hợp tác xã.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình mong muốn hai tỉnh Thái Bình và Hòa Bình sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi nhằm thắt chặt mối quan hệ, học hỏi những kinh nghiệm, cách làm hay, từ đó vận dụng vào tình hình thực tế ở địa phương cũng như hợp tác phát triển ngành chăn nuôi đại gia súc nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung, hình thành các vùng liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đồng chí mong muốn Công ty Cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 cũng như các doanh nghiệp, nhà đầu tư lựa chọn Thái Bình là đối tác tin cậy, có đầy đủ các điều kiện thuận lợi đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.

Tất Đạt 

Ảnh: Thành Tâm