Thứ 6, 26/04/2024, 19:31[GMT+7]

Hiệu quả thiết thực từ dạy nghề cho nông dân

Thứ 6, 03/03/2017 | 15:41:57
1,400 lượt xem
Năm 2016, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cùng hội nông dân các cấp đã phối hợp với các sở, ban, ngành, trường dạy nghề, cơ sở sản xuất tổ chức 193 lớp dạy nghề cho 7.516 hội viên nông dân.

Sau khi học nghề, nhiều người được giới thiệu vào làm tại các công ty, cơ sở sản xuất.Ảnh: Thanh Huyền

Xác định đào tạo nghề cho nông dân là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã chú trọng dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân, đạt hiệu quả thiết thực.

Thực hiện đề án tích tụ ruộng đất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, nhiều tập thể, cá nhân, trong đó chủ yếu là nông dân đã thay đổi tư duy, tập quán canh tác nhỏ lẻ, tự phát, mạnh dạn dồn đổi những diện tích canh tác kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình trang trại, gia trại quy mô lớn, đưa các giống cây, con cho hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều công ty, cơ sở sản xuất các mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thu hút đông đảo lao động nông thôn. Do vậy, nhu cầu học nghề nhằm trang bị kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt để áp dụng vào thực tiễn sản xuất cũng như kỹ năng làm nghề trong các công ty, cơ sở sản xuất của người dân ngày càng lớn.

Ông Hà Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cho biết: Hàng năm, Trung tâm tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân các địa phương từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển sinh và phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề theo tinh thần “dạy những cái nông dân cần”. Năm 2016, Trung tâm cùng hội nông dân các cấp đã phối hợp với các sở, ban, ngành, trường dạy nghề, cơ sở sản xuất tổ chức 193 lớp dạy nghề cho 7.516 hội viên nông dân. Ðối với các nghề may mặc, tiểu thủ công nghiệp, sau khi học nghề, học viên được giới thiệu, tạo điều kiện vào làm việc ngay tại các công ty, cơ sở sản xuất tại địa phương, tạo nguồn thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống theo phương châm “ly nông bất ly hương”. Ðối với dạy nghề nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản, bảo vệ thực vật…, các địa phương lựa chọn đối tượng học nghề là chủ trang trại, gia trại nhằm trang bị cho họ những kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt, từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình là một trong những đơn vị phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tổ chức các hoạt động tuyên truyền, dạy nghề cho nông dân trong tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ năm 2010 đến năm 2016, Trường đã tổ chức được 333 lớp đào tạo nghề cho 11.396 học viên trên địa bàn tỉnh. Sau khi kết thúc các lớp học, 100% học viên nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản, áp dụng vào các mô hình của gia đình, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả kinh tế. Không chỉ vận dụng kiến thức có được trong hoạt động sản xuất của gia đình, các học viên còn là những tuyên truyền viên tích cực phổ biến kiến thức đã học, chia sẻ kinh nghiệm đến các gia đình hội viên nông dân khác giúp họ nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.

Nhiều hộ nông dân ở xã Hồng Việt (Ðông Hưng) phát triển kinh tế VAC cho thu nhập cao. Ảnh: Minh Đức

Là một trong những hội viên nông dân được tham gia lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi, thú y tại xã Duyên Hải (Hưng Hà), chị Lê Thị Nhường ở thôn Khả Tân cho biết: Tận dụng quỹ đất, gia đình tôi xây dựng dãy chuồng trại rộng 2.000m2 để chăn nuôi 50 con lợn thịt. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, mỗi khi đàn lợn bị bệnh đều phải nhờ cán bộ thú y đến điều trị. Ðược tạo điều kiện tham gia học nghề, tôi đã nhận biết được những dấu hiệu thường gặp trên đàn gia súc và tự xử lý được những bệnh đơn giản, nhờ đó chủ động trong chăn nuôi, giảm chi phí đầu tư. Tôi mong muốn tiếp tục được tham gia những lớp học như vậy để có thêm nhiều kiến thức bổ ích.

Hiệu quả thiết thực của công tác dạy nghề đã giúp nông dân Thái Bình tự tin, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày