Thứ 7, 18/05/2024, 05:22[GMT+7]

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình: Điểm tựa cho sự phát triển của hội viên

Chủ nhật, 22/03/2020 | 21:07:13
2,872 lượt xem
Những năm gần đây, Thái Bình là một trong những tỉnh rất quan tâm tới việc ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Thái Bình với vai trò của mình đã có nhiều hoạt động thiết thực liên kết, hỗ trợ hoạt động của hội viên.

Ông Đỗ Văn Vẻ điều hành cuộc họp chia sẻ kinh nghiệm quản trị của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình.

Phóng viên Báo Xây dựng điện tử có cuộc trò chuyện cùng ông Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch HHDN tỉnh Thái Bình về nội dung này.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ về những kết quả hoạt động của HHDN tỉnh trong thời gian qua?

Ông Đỗ Văn Vẻ: HHDN tỉnh Thái Bình có 12 chi hội thành viên với nhiều doanh nghiệp hội viên ở 8 huyện và thành phố. Thời gian qua, HHDN tỉnh đã hỗ trợ chia sẻ, tư vấn cho cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình để nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu sản phẩm, liên kết, sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau tạo, thành sức mạnh tổng hợp vươn ra biển lớn.

Chúng tôi có trụ sở riêng, có bộ máy văn phòng làm việc chuyên nghiệp là nơi để bàn bạc, giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên mời các chuyên gia đầu ngành đến chia sẻ với các doanh nghiệp về kinh tế thế giới, chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như các mô hình quản trị doanh nghiệp…

HHDN tỉnh Thái Bình đã làm tốt vai trò chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp, tư vấn giúp các doanh nghiệp kết nối khách hàng, tổ chức các cuộc xúc tiến cho doanh nghiệp. Trình với trung ương tôn vinh những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc để tuyên dương khích lệ trao tặng những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cũng như bằng khen, giấy khen.

Đồng thời, để các doanh nghiệp, doanh nhân có cơ hội gặp gỡ, ôn lại truyền thống, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, ý tưởng sáng tạo giúp nhau cùng phát triển, HHDN tỉnh Thái Bình đã tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Hoạt động này được doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao.

Tỉnh luôn khuyến khích doanh nghiệp tham gia ý kiến vào các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế và tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp không ngừng đổi mới, phát triển. Từ đó, HHDN tỉnh Thái Bình thấy được sự tín nhiệm rất cao của tỉnh. Với trọng trách mới là cơ quan tư vấn xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ năm 2020, HHDN tỉnh Thái Bình sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

Phóng viên: Để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Thái Bình, ông nhận định như thế nào về những khó khăn, bất cập cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp tỉnh nhà?

Ông Đỗ Văn Vẻ: Để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Thái Bình, cơ bản các doanh nghiệp đã tái cấu trúc lại doanh nghiệp của mình theo xu hướng nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp, mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh và ra nước ngoài, nâng cao khả năng quản lý doanh nghiệp, đầu tư các thiết bị công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình và Trung tâm Thiết kế Busan, Hội Thiết kế Centum Specialized Area Hàn Quốc ký biên bản hợp tác. Ảnh: Khắc Duẩn

Đồng thời, doanh nghiệp chú ý xây dựng chiến lược thị trường, hình ảnh thương hiệu, tuân thủ đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hàng hóa để bảo đảm thương hiệu của mình không bị làm giả, nâng cao hiểu biết về luật pháp để vận dụng trong doanh nghiệp; đào tạo nâng chất lượng nguồn nhân lực để tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, phát triển xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp theo các lĩnh vực chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, nhà ở xã hội…

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, Thái Bình hiện có hơn 7.000 doanh nghiệp nhưng 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ khả năng cạnh tranh vươn ra thị trường lớn. Hầu hết các doanh nghiệp thiết bị công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, giá thành sản phẩm cao. Bên cạnh đó, trình độ quản lý của một số giám đốc còn hạn chế, chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học tiên tiến để tăng năng suất, nguồn vốn tham gia vào các dự án còn rất khiêm tốn.

Nhiều doanh nghiệp khả năng hiểu biết về luật pháp hạn chế, thương hiệu chưa đủ mạnh để hội nhập, chưa ứng dụng công cụ quản lý công nghệ 4.0 trong hoạt động. Tính liên kết của các doanh nghiệp chưa cao, chủ yếu theo tư duy nhỏ, tự phát, chưa có tính cộng đồng, mạnh ai người ấy làm nên chưa tạo được tính thống nhất trong giá thành, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm sức cạnh tranh chưa đáp ứng yêu cầu.

Thêm đó, một số cơ chế, chính sách mặc dù đã có cải thiện tốt hơn so với trước nhưng vẫn cần tiếp tục được cải cách, đặc biệt là thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường kinh doanh tốt hơn.

Phóng viên: Chủ trương của tỉnh Thái Bình là thu hút các nhà đầu tư để phát triển kinh tế. Xin ông cho biết, nguồn lực doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh đầu tư vào Thái Bình có gì khác nhau không?

Ông Đỗ Văn Vẻ: Chủ trương của tỉnh là thu hút các nhà đầu tư cả ngoại lực và nội lực để phát triển kinh tế, đưa ra nhiều cơ chế hấp dẫn như: giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng cơ sở, miễn giảm thuế đất, thu nhập tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư ở Thái Bình theo đúng quy định pháp luật. Tỉnh Thái Bình không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong tỉnh và doanh nghiệp ngoài tỉnh mà bất cứ doanh nghiệp nào có đủ điều kiện và nhu cầu đầu tư thì đều được tạo điều kiện phát triển như nhau.

Do vậy, số doanh nghiệp gia tăng nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp trẻ và vừa được thành lập, riêng năm 2019 có tới trên 800 doanh nghiệp mới khởi nghiệp.

Phóng viên: Để doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động ngày càng phát triển vững mạnh, ông có kiến nghị gì không?

Ông Đỗ Văn Vẻ: Theo tôi, để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển, Quốc hội, Chính phủ cần sớm sửa đổi các luật cho phù hợp với tình hình hiện nay như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thu nhập doanh nghiệp, riêng Luật Đất đai hiện đang vướng về công tác giải phóng mặt bằng, đền bù cho dân, giá đất, thời gian cho thuê đất, tích tụ đất đai …

Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục có chính sách mạnh mẽ trong việc cải cách thủ tục hành chính thông thoáng hơn, cắt giảm mạnh tay thủ tục hành chính hơn nữa để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Cải tiến môi trường đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp bằng cách đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia khởi nghiệp.

Chủ trương của tỉnh Thái Bình là phấn đấu đến năm 2021 đạt được 10.000 doanh nghiệp, do đó tỉnh cần có cơ chế thu hút nhân tài, thu hút nhà đầu tư có thương hiệu lớn, uy tín, tiềm lực tài chính tốt để dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó là có chính sách hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư công nghiệp trong nông nghiệp. Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, huyện, thành phố để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải đoàn kết, chung sức đồng lòng hội nhập kinh tế thế giới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kim Oanh (thực hiện)