Thứ 5, 02/05/2024, 06:40[GMT+7]

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 – 2021

Thứ 5, 07/12/2017 | 07:50:10
2,781 lượt xem
Sáng nay 7/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ năm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017; xem xét, thảo luận mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2018; cho ý kiến vào các báo cáo, đề án, tờ trình của UBND tỉnh và một số nội dung quan trọng khác.

Các đại biểu dự lễ khai mạc. Ảnh: Thành Tâm

Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Thiếu tướng Lê Đình Nhường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh;các đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; các vị đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố. Đồng chí Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên họp.

Đoàn Chủ tịch kỳ họp. Ảnh: Thành Tâm

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Thành Tâm

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Năm 2017 là năm thứ hai Thái Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội năm 2017 của tỉnh phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng duy trì đà tăng trưởng tốt, vượt kế hoạch đề ra; thương mại, dịch vụ phát triển ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai và đạt kết quả tích cực. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế tiếp tục có bước chuyển biến. An sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017 và đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đồng bộ để khắc phục trong thời gian tới; tập trung thảo luận, tham gia vào các báo cáo, tờ trình của HĐND, UBND tỉnh, các ngành chức năng.

Những nội dung được đưa ra tại kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020 đề ra, đồng chí đề nghị các đại biểu trong quá trình thảo luận cần tập trung làm rõ những kết quả nổi bật và nguyên nhân đã đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2017, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế; phân tích sâu sắc các nguyên nhân, dự báo tình hình năm 2018, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Đồng chí cũng đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, nghiên cứu, phát biểu tại hội trường, thảo luận tại tổ, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân trong tỉnh, tham gia chất vấn các thành viên UBND tỉnh và các ngành về những vấn đề cử tri và nhân dân trong tỉnh còn nhiều ý kiến, góp phần hoàn thành tốt nội dung, chương trình kỳ họp đã đề ra.

Đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: Thành Tâm

Sau phần diễn văn khai mạc kỳ họp của đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2018.

Năm 2017, kinh tế - xã hội trong tỉnh tiếp tục phát triển, đạt được kết quả đáng khích lệ. Tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn dự kiến đạt trên 45.482 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016, đạt kế hoạch đề ra. Tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 117.629 tỷ đồng, tăng 13,15% so với năm 2016; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,48%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 19,72%; khu vực dịch vụ tăng 8,78%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2017 gặp nhiều khó khăn, song kết quả toàn ngành vẫn đạt cao hơn năm trước với giá trị sản xuất ước đạt gần 25.783 tỷ đồng, tăng 2,48% so với năm 2016. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tăng cường. Năm 2017, UBND tỉnh xét công nhận thêm 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh là 186 xã. Chương trình nước sạch nông thôn phục vụ đời sống nhân dân tiếp tục được quan tâm chỉ  đạo, thực hiện. Đến nay đã có 66% gia đình hộ nông thôn đấu nối, sử dụng nước sạch.

Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tốt, giá trị sản xuất ước đạt hơn 47.137 tỷ đồng, tăng 19,21% so với năm 2016, vượt kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng cơ bản được tăng cường. Các ngành thương mại - dịch vụ phát triển ổn định. Công tác quản lý và điều hành ngân sách được chú trọng. Công tác đối ngoại, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 111 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư mới hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 8.130 tỷ đồng, tăng 44% về số dự án và tăng 34,7% về số vốn đăng ký so với năm trước; có 34 dự án hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Toàn tỉnh hiện có 5.616 doanh nghiệp và 701 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với vốn đăng ký hơn 51,6 nghìn tỷ đồng.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm. Các chế độ, chính sách đối với người và gia đình người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Hoạt động của trung tâm hành chính công 2 cấp và đường dây nóng của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương được duy trì hiệu quả; thời gian giải quyết và thành phần hồ sơ trong mỗi thủ tục hành chính được rà soát, cắt giảm và rút ngắn; hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước được cải thiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Các đại biểu dự phiên khai mạc. Ảnh: Thành Tâm


Báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó nhấn mạnh còn 4/23 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra; nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018.

Theo đó, năm 2018 toàn tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 9,5% trở lên so với năm 2017. Tổng giá trị sản xuất tăng từ 11,6% trở lên, trong đó sản xuất nông, lâm và thủy sản tăng 2,7%; công nghiệp và xây dựng tăng 16,1% trở lên; dịch vụ tăng 8% trở lên so với năm 2017. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng 13%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 11%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 8,5% so với năm 2017. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 13.858,1 tỷ đồng. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng 10% trở lên so với số xã được công nhận đạt chuẩn năm 2017 và 100% số xã đến kỳ công nhận lại đạt chuẩn theo tiêu chí mới; 80% trở lên dân số nông thôn được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn ở đô thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 87%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5% trở lên so với năm 2017.


Các đại biểu dự phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: Thành Tâm 

Cũng trong phiên họp buổi sáng ngày 7/12, các đại biểu nghe các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo các tờ trình của UBND tỉnh: về kế hoạch phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020; về việc chấp thuận chủ trương triển khai Đề án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của Dự án nâng bãi ổn định đê biển số 8 từ km26+700 đến km31+700 huyện Thái Thụy kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp - dịch vụ; đề nghị điều chỉnh, bổ sung chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2017; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020; về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện giai đoạn 2018 - 2020; đề nghị điều chỉnh chế độ hỗ trợ cho công chức làm việc tại trung tâm hành chính công; về việc quy định nội dung, mức chi bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh; về việc quy định định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của ban thanh tra cấp xã trong tỉnh; báo cáo về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả thực hiện nội dung trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVI; về việc thông qua Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; về việc thông qua Đề án đặt tên một số tuyến đường, phố trên địa bàn thành phố Thái Bình; về việc thông qua Đề án đặt tên đường, phố trên địa bàn thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy; về việc phê duyệt danh mục dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2018; về việc phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác trên địa bàn tỉnh năm 2018; việc việc đổi tên thôn thuộc xã Đông Giang, huyện Đông Hưng.

Tiếp tục phiên họp sáng ngày 7/12, các đại biểu đã nghe đại diện Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh báo cáo: tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyên đề và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các hội nghị tiếp xúc trước kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh; các tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh về tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2018 của HĐND tỉnh; tờ trình về chương trình công tác của Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh năm 2018; báo cáo thẩm tra, giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh và báo cáo thẩm tra, giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh.

Trong phiên họp chiều ngày 7/12, các đại biểu HĐND tỉnh chia tổ thảo luận tiếp tục đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp.

TBĐT

Ý kiến phỏng vấn cử tri đánh giá về phiên khai mạc kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh


Ông Nguyễn Quang Trung, tổ 39, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình

Qua nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 của tỉnh, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2018 tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI, tôi rất vui mừng, phấn khởi với những kết quả đạt được. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng. Đây được xem là tiền đề quan trọng để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018 và những năm tiếp theo đạt kết quả cao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm 2018, tôi đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút, lựa chọn những nhà đầu tư thực sự uy tín, tâm huyết vào hoạt động, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.


Ông Hoàng Trọng Thư, xã Tam Quang (Vũ Thư)

Qua theo dõi phiên khai mạc kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh, cử tri rất phấn khởi về kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của tỉnh, đặc biệt là kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo báo cáo, năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng 10% trở lên so với số xã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017. Đây là mục tiêu rất khó thực hiện vì hiện nay hầu hết các xã chưa về đích NTM là những địa phương khó khăn về ngân sách đầu tư, việc huy động đóng góp của nhân dân cũng hạn chế trong khi các tiêu chí NTM chưa đạt cần đến nhiều kinh phí. Nhằm giúp các xã sớm về đích NTM, chúng tôi rất mong trung ương, tỉnh tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và có những cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực. Ngoài tạo điều kiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, bằng các dự án, rất mong UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xem xét phê duyệt quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích quy hoạch dân cư, đấu giá quyền sử dụng đất giúp địa phương tạo nguồn lực tại chỗ. Đặc biệt, tỉnh có những chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững.


Ông Nguyễn Văn Tịnh, xã Lê Lợi (Kiến Xương)

Theo báo cáo của UBND tỉnh trình tại kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XVI, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 tăng 19,21% so với năm 2016, vượt kế hoạch đề ra. Số lượng doanh nghiệp lớn với 6.616 doanh nghiệp, song hiện nay số doanh nghiệp hoạt động ở nông thôn, vùng xa ít, chủ yếu tập trung ở đô thị. Mặc dù thời gian qua, tỉnh và huyện đã quan tâm quy hoạch, đầu tư hạ tầng một số cụm công nghiệp ở một số vùng nông thôn nhưng việc thu hút các doanh nghiệp, dự án đầu tư vào cụm công nghiệp còn chậm. Để phát huy giá trị đất đai, tiềm năng lao động của các địa phương, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cơ hội, thu hút các doanh nghiệp vào hoạt động. Đối với những dự án đã được phê duyệt đầu tư, UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng tiến độ, sớm đi vào hoạt động, tránh tình trạng "dự án treo”. Cần có cơ chế thông thoáng đón các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp công nghệ cao vào địa bàn tỉnh nhằm tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, tăng giá trị kinh tế và bảo đảm vệ sinh môi trường. Việc quy hoạch vị trí các cụm công nghiệp cũng cần quan tâm đến các xã vùng xa, vùng khó khăn để giúp các địa phương phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Bà Vũ Thị Ngân, thôn Lương Mỹ, xã Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ

Qua theo dõi kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XVI trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy các tờ trình trình tại kỳ họp này thuộc các lĩnh vực như: tài chính, đầu tư, tài nguyên và môi trường, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn, du lịch… có tác động nhiều mặt đến đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cả trong thời gian trước mắt và lâu dài. Đáng chú ý là các tờ trình về: kế hoạch phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh, giai đoạn 2018 – 2020; quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của ban thanh tra  nhân dân cấp xã, phường, thị trấn trong tỉnh; việc phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác trên địa bàn tỉnh năm 2018... Tôi mong rằng, sau khi HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết về những vấn đề trên, UBND tỉnh, ngành chức năng, các huyện, thành phố có giải pháp phù hợp, thiết thực tổ chức thực hiện để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.


Ông Vũ Bá Tuyền, 55 tuổi, thôn Đông Bình Cách, xã Đông Xá (Đông Hưng)

 Thời gian qua, việc tiếp thu và giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri được các HĐND tỉnh đôn đốc các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri ngày càng được nâng cao, nhiều kiến nghị đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh; thể hiện tinh thần trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với nhân dân và được đông đảo cử tri đồng tình, ghi nhận. Tuy nhiên, qua  theo dõi báo cáo về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cho thấy một số địa phương, đơn vị chưa thực sự có biện pháp cụ thể trong việc xử lý những vấn đề phát sinh; việc giải quyết một số kiến nghị của cử tri còn chậm. Thời gian tới, đề nghị Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra, giám sát kết quả tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri, bảo đảm các kiến nghị của cử tri được giải quyết kịp thời và thỏa đáng, đúng quy định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày