Thứ 5, 02/05/2024, 13:48[GMT+7]

Ðẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018

Thứ 6, 08/12/2017 | 19:58:03
1,047 lượt xem
(Phát biểu của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp thứ năm HÐND tỉnh khóa XVI)

Kính thưa đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy;

Kính thưa Ðoàn chủ tọa kỳ họp; 

Kính thưa các vị đại biểu HÐND tỉnh;

Thưa toàn thể các đồng chí!

Trước hết, thay mặt UBND tỉnh, tôi chân thành cảm ơn các ban và các đại biểu HÐND tỉnh đã tham gia ý kiến và cơ bản đồng tình với các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh và nội dung thuyết trình, trả lời chất vấn của lãnh đạo một số sở, ngành, thành viên UBND tỉnh; đồng thời, xin được trân trọng tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2017, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu cần tập trung trong năm 2018. Sau đây, tôi xin phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu và cử tri toàn tỉnh quan tâm:

Về những kết quả đạt được: Qua thảo luận, hầu hết các đại biểu đều thống nhất nhận định: Năm 2017, bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen (điển hình là tác động tiêu cực của tình hình phức tạp về chính trị, kinh tế của một số nước trong khu vực; chính sách bảo hộ mậu dịch của nhiều nước có xu hướng gia tăng; giá lợn hơi và một số sản phẩm nông nghiệp giảm mạnh, thị trường tiêu thụ khó khăn; tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt với 14 cơn bão, 16 áp thấp nhiệt đới trong năm; thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp (nhất là mưa lớn, kéo dài đầu tháng 10 làm ngập úng, gây thiệt hại lớn hàng chục nghìn héc-ta lúa mùa, cây màu và các vùng nuôi trồng thủy sản; dịch rầy lưng trắng với mật độ cao bất thường mang theo vi rút bệnh lùn sọc đen hại lúa ngay ở thời điểm đầu vụ mùa...). Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh cùng với nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, KTXH của tỉnh năm 2017 đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Nổi bật là:

- Ðã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 19/23 chỉ tiêu cơ bản về KTXH. Trong đó, GRDP tăng 11%, giá trị sản xuất tăng 13,15% so với năm 2016 - là năm thứ hai liên tiếp tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh ta đạt mức 2 con số, cao hơn mục tiêu Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra (bình quân 8,6%/năm) và là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mạnh, cao hơn 4% so với mức tăng của năm 2016; có thêm 34 dự án đầu tư mới đi vào sản xuất, trong đó có Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, đã góp phần gia tăng đáng kể năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh. Thương mại, dịch vụ phát triển ổn định, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Một số mô hình mới, có hiệu quả cao trong chăn nuôi và thủy sản phát triển khá mạnh như các trang trại quy mô lớn, nuôi tôm công nghệ cao, nuôi cá lồng trên sông... Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng đất, đổi mới phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống người dân; dự kiến hết năm 2017 có 19 xã được công nhận đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2017 là 205 xã, bằng 78% tổng số xã trong toàn tỉnh.

- Cơ bản hoàn thành việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn của 84 xã tham gia dự án điện RE2 cho ngành điện quản lý và hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân ở các khu đô thị (chỉ còn một số hộ chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận do vắng chủ hoặc chủ không hợp tác). Hoàn thành việc tháo dỡ, xóa bỏ dứt điểm 115 ruột lò sản xuất vôi tại khu vực cầu Nghìn, bảo đảm đúng kế hoạch đề ra. Việc nâng cao tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt; thu gom, xử lý rác thải và giải tỏa, chống lấn chiếm vỉa hè, hành lang giao thông; quản lý, khai thác tài nguyên cát, nước ngầm... được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc và đạt được kết quả bước đầu khá tích cực. Ðến nay, tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn đấu nối, sử dụng nước sạch sinh hoạt bình quân toàn tỉnh đạt 66%, tăng gấp đôi so với cuối năm 2016. Các địa phương đã tổ chức kiểm tra, thu dọn và xử lý dứt điểm 341 bãi rác tự phát, bảo đảm vệ sinh môi trường. Công tác giải tỏa, chống lấn chiếm vỉa hè, hành lang giao thông và chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác tài nguyên cát, nước ngầm được các địa phương tích cực triển khai theo tinh thần Công điện số 03 và các chỉ thị số 04, 11, 25 của UBND tỉnh.

- Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả khá tốt: dự án đầu tư được chấp thuận trong năm tăng 44% về số dự án và tăng 34,7% về vốn đầu tư so với năm 2016; có trên 700 doanh nghiệp và 123 văn phòng đại diện, chi nhánh công ty được thành lập mới, tăng gần 30% so với năm 2016, đạt cao nhất từ trước đến nay. Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập với quy mô gần 31.000ha thuộc 31 xã, thị trấn của hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy đã và đang được triển khai các bước như quy hoạch chung xây dựng đồng thời thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư hạ tầng.

- Công tác quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) được tăng cường; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đạt mức rất cao (đến tháng 11/2017, vốn đầu tư đã giải ngân đạt gần 95% kế hoạch, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016 và dự kiến trước ngày 31/12/2017 sẽ hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công). Việc huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển đạt kết quả khá tốt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 23%, gấp 2 lần mức tăng của năm 2016 và tăng gần 3 lần so với kế hoạch đề ra (8,5%). Thu ngân sách nhà nước (NSNN), ngân sách địa phương tiếp tục vượt xa dự toán được giao, ước đạt trên 13.800 tỷ đồng, vượt 40% so với dự toán đầu năm; thu nội địa đạt trên 6.827 tỷ đồng, vượt 12,7% (vượt 770 tỷ đồng) so với dự toán; chi đầu tư phát triển ước đạt 5.906 tỷ đồng, vượt 95% so với dự toán.

- Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm. Ðã cơ bản hoàn thành việc rà soát và giải quyết dứt điểm gần 500 hồ sơ người có công còn tồn đọng và hỗ trợ nhà ở cho gần 2.100 gia đình người có công với cách mạng thuộc nhóm đối tượng ưu tiên 1. Công tác y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, thông tin, tuyên truyền được quan tâm chỉ đạo thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra.

- Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Ðã rà soát, công bố chuẩn hóa trên 1.800 lượt thủ tục hành chính ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); cắt giảm ổn định 50% thời gian giải quyết của trên 1.000 thủ tục (cắt giảm hơn 10.600 ngày, trung bình giảm 10,2 ngày/1 thủ tục) so với quy định hiện hành, trong đó có gần 500 thủ tục được cắt giảm trên 50% thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Hoạt động của trung tâm hành chính công 2 cấp và đường dây nóng của UBND tỉnh, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố được duy trì, phát huy hiệu quả tích cực. Công tác thanh tra công vụ và luân chuyển, thuyên chuyển vị trí làm việc của công chức, viên chức được tăng cường chỉ đạo, thực hiện. UBND tỉnh đã thực hiện nghiêm túc quy định xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức (nhất là người đứng đầu tổ chức, đơn vị) khi có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức của 12 sở, ngành, huyện, thành phố; đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 222 người, trong đó cấp sở, ngành 61 người, cấp huyện 61 người, cấp xã 100 người.

- Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được tăng cường; đã giải quyết dứt điểm một số vụ việc tồn đọng, kéo dài, góp phần ổn định tình hình địa phương. Công tác thanh tra, xử lý sau thanh tra và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng thực hiện có hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục như trong báo cáo của UBND tỉnh và ý kiến các đại biểu đã nêu trong các phiên thảo luận. Những hạn chế, yếu kém đó do nhiều nguyên nhân, có cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là:

- Việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và của tỉnh ở một số sở, ngành, địa phương chưa thật tốt, dẫn tới lúng túng, chậm trễ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

- Công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp, ngành chưa thường xuyên, nghiêm túc, chất lượng chưa cao dẫn đến việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong chỉ đạo, điều hành ở một số sở, ngành, địa phương chưa tốt. Sự phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ, hiệu quả; vẫn còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh, chưa tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh tại cơ sở.

- Vai trò, trách nhiệm và tính tiền phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu của một số cơ quan, đơn vị chưa rõ nét. Trình độ, năng lực và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Tựu trung lại: Tuy còn những hạn chế, yếu kém song những kết quả đạt được trong năm qua vẫn là chủ yếu, rất cơ bản và tích cực. Có được những kết quả nêu trên là do quyết tâm chính trị và nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Thay mặt UBND tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ, kiểm tra, giám sát thường xuyên, kịp thời, hiệu quả của Trung ương, của Tỉnh ủy, HÐND tỉnh; cảm ơn sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của MTTQ và các tổ chức thành viên đối với công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của UBND tỉnh và các cấp chính quyền trong tỉnh; đồng thời, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đối với công cuộc phát triển KTXH của tỉnh trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2017.

Kính thưa các vị đại biểu HÐND tỉnh, thưa toàn thể nhân dân!

Năm 2018 được xác định là năm bản lề, có vị trí quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; trên cơ sở dự báo những thuận lợi, khó khăn và khả năng thực tế của địa phương, UBND tỉnh đã đề xuất HÐND tỉnh xem xét, thông qua 23 chỉ tiêu kế hoạch phát triển KTXH và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trên các ngành, các lĩnh vực. Tiếp thu ý kiến của cử tri và nhân dân trong tỉnh, ý kiến thảo luận của các đại biểu HÐND tỉnh qua các phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường, thay mặt UBND tỉnh, tôi xin nhấn mạnh và đề xuất thêm một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm tới như sau:

Về phát triển kinh tế:

Một là, tập trung chỉ đạo, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường.

* Trong sản xuất nông nghiệp: Nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, bảo đảm sản xuất sạch và phát triển bền vững. Triển khai thực hiện thí điểm tập trung, tích tụ đất đai theo cơ chế được Chính phủ cho phép nhằm thu hút đầu tư và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Trước mắt, tập trung chỉ đạo rà soát lại các quy hoạch trong từng lĩnh vực để bảo đảm phát triển bền vững; chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo các đề án đã được phê duyệt, tuân thủ nghiêm về kỷ cương thời vụ, quy trình canh tác và cơ cấu giống; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đã được ban hành, bảo đảm sản xuất thắng lợi vụ đông, vụ xuân và cả năm 2018.

Tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây cần ít nước, ít sâu bệnh, có giá trị kinh tế cao hơn và có thị trường tiêu thụ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo lập các liên kết, quan hệ sản xuất mới như tổ đội, hiệp hội, HTX kiểu mới, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, các nông trường sản xuất theo chuỗi khép kín gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm... để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thay đổi phương thức, tập quán sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và thủy sản theo nhu cầu của thị trường và theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh và ô nhiễm môi trường gây ra. Chú trọng phòng, trừ các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế, chính sách của Ðảng, Nhà nước và của tỉnh về hỗ trợ ngư dân đóng mới và cải hoán tàu, thuyền để phát triển đánh bắt, khai thác thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.

* Trong sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ tổng hợp, coi đây là yếu tố quan trọng và quyết định trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta trong những năm tới. Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Quyết định số 36/2017/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập khu kinh tế Thái Bình. Trước mắt, tập trung hoàn thành việc lập quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế và đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của tỉnh đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời, tiếp tục khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu vực ven biển, các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch được duyệt; lựa chọn thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động và không gây ô nhiễm môi trường vào các cụm, điểm công nghiệp ở vùng nông thôn nhằm tạo việc làm tại chỗ, tập trung, tích tụ đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa. Chú trọng phát triển nghề, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm các làng nghề truyền thống.

Tập trung chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế đồng thời tăng cường các giải pháp chỉ đạo, điều hành về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển KTXH, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn (cả trong và ngoài nước). Duy trì thực hiện có hiệu quả cơ chế đối thoại thường xuyên; tập trung tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 35 của Chính phủ và các cơ chế, chính sách của tỉnh; chủ động làm thật tốt công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp, đôn đốc các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2018), xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Tiền Hải mở rộng (466ha), khu công nghiệp Thụy Trường, khu công nghiệp Thụy Hải, khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp của Tập đoàn Trường Hải - Lộc Trời.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến thương và xúc tiến đầu tư, thương mại, xuất khẩu hàng hóa, nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại; giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp. Ðồng thời, chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đồng quê gắn với tham quan các di tích lịch sử văn hóa. Khuyến khích đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các chợ, trung tâm thương mại và các khu nhà ở kết hợp kinh doanh, nhất là ở những vị trí đắc địa, có lợi thế để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất; tiếp tục khuyến khích đổi mới phương thức kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của xã hội và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Chú trọng nhân rộng mô hình cung cấp các dịch vụ đô thị như bảo đảm an ninh, vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, chăm sóc sức khỏe..., tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng và điều kiện sống cho người dân.

Hai là, về xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới kết hợp với đẩy mạnh huy động các nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định của Chính phủ và của tỉnh đồng thời áp dụng các giải pháp phù hợp với khả năng, nguồn lực của địa phương, bảo đảm thực chất, không chạy theo số lượng. Chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã được công nhận đạt chuẩn; chủ động và chú trọng việc duy tu, bảo dưỡng, quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình đã được đầu tư xây dựng và xử lý dứt điểm nợ đọng trong XDCB, bảo đảm 100% các xã đến kỳ công nhận lại (các xã được công nhận đạt chuẩn năm 2013) đạt chuẩn theo tiêu chí mới.

Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các xã chưa đạt chuẩn để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra; trong đó, vừa chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng đồng thời phải tập trung, tích tụ đất đai, đổi mới phương thức sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Về xây dựng hạ tầng, phải có kế hoạch, lộ trình hợp lý, không thể bằng mọi giá, làm tăng nợ công, nợ đọng XDCB; chú trọng quản lý, khai thác theo hướng đa dụng, liên vùng các công trình hạ tầng và các thiết chế ở cơ sở (như đình làng có thể kết hợp làm nhà văn hóa; chợ, khu xử lý rác thải tập trung, trạm cấp nước sạch… sử dụng cho liên xã); tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương của Ðảng, Nhà nước về xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong xây dựng hạ tầng KTXH và xây dựng nông thôn mới, không trông chờ vào vốn NSNN (như cho doanh nghiệp vào đầu tư kinh doanh chợ, sân thể thao, khu xử lý rác thải, chất thải, cung cấp nước sạch...). Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương hỗ trợ xi măng cho các công trình nhóm 1 của các xã chưa đạt chuẩn và hỗ trợ bằng tiền cho các xã được công nhận đạt chuẩn hàng năm theo quy định đến hết năm 2020; trước mắt, phấn đấu năm 2018 số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tăng 10% trở lên so với số xã đạt chuẩn năm 2017.

Tiếp tục tuyên truyền sâu sắc hơn về chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh và đẩy mạnh vận động nhân dân đấu nối, sử dụng nước sạch nông thôn. Tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng nước sạch, bảo đảm đúng quy định; đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc công khai 6 nội dung theo chỉ đạo của tỉnh (bao gồm: (1) công khai quy trình công nghệ, (2) công khai quy trình quản lý chất lượng, (3) công khai quy định về quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống cấp nước, (4) công khai kết quả kiểm tra chất lượng nước của các cơ quan chức năng, (5) công khai giá sử dụng nước (theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh đối với từng dự án), (6) công khai mức huy động tiền đóng góp của người sử dụng nước trong việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn) để nhân dân biết, giám sát, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của người dân; phấn đấu tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt năm 2018 đạt 80% trở lên. Ðồng thời, chính quyền cấp huyện, xã cần chủ động và tập trung cao để giải quyết thật tốt các vấn đề cấp bách, bức xúc khác trên mỗi địa bàn hiện nay như: xử lý nước thải, rác thải, ô nhiễm môi trường do chăn nuôi; quy hoạch, xây dựng và quản lý nghĩa trang; xử lý nghiêm nạn khai thác cát, nước ngầm trái quy định và tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, sông ngòi, kênh mương; hiểm họa đối với các công trình đê, kè, cống; kiên quyết xử lý, chấm dứt tình trạng tín dụng đen, bán hàng đa cấp trái quy định, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên mỗi địa bàn.

Ba là, về đầu tư XDCB và tài chính, ngân sách.

* Về đầu tư XDCB: Ðể bảo đảm tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,6%/năm trở lên theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX thì tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh cần khoảng 170.000 tỷ đồng; trong khi tổng vốn đầu tư từ NSNN được Chính phủ giao chỉ có hơn 11.300 tỷ đồng (bao gồm cả 10% dự phòng), bằng gần 7% tổng nhu cầu vốn (trong đó 3 năm còn lại (2018 - 2020) chỉ bằng một nửa tổng vốn đầu tư của cả giai đoạn 5 năm). Vì vậy, để cân đối kế hoạch đầu tư XDCB nguồn vốn NSNN gặp rất nhiều khó khăn. Trong kế hoạch đầu tư công năm 2018 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2018 - 2020, UBND tỉnh đã trình HÐND tỉnh phân bổ vốn đầu tư theo thứ tự ưu tiên sau: (1) Thanh toán nợ đọng XDCB, thu hồi tạm ứng; (2) Ðối ứng các chương trình, dự án ODA và các dự án sử dụng ngân sách trung ương theo tiến độ thực hiện dự án; (3) Các dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; (4) Dự án chuyển tiếp và dự án xử lý cấp bách; (5) Số vốn còn lại (nếu có) mới xem xét, bố trí cho các dự án khởi công mới thật sự cần thiết.

Các ngành, các địa phương phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc nêu trên; kiên quyết không phê duyệt dự án đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định để tập trung xử lý nợ đọng XDCB và nợ công; đồng thời, chủ động rà soát quy mô các dự án đã được phê duyệt, cắt giảm các hạng mục chưa thật cần thiết, điều chỉnh quy mô đầu tư, dãn tiến độ thực hiện đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý để có nguồn vốn tập trung đầu tư hoàn thành các dự án, hạng mục thật sự cấp thiết, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, kiên quyết không để phát sinh thêm nợ đọng XDCB.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý đầu tư XDCB, bảo đảm thực hiện nghiêm túc Luật Ðầu tư công, Luật Ðấu thầu, các nghị định của Chính phủ và các quy định khác có liên quan; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công trong triển khai thực hiện dự án và giải ngân các nguồn vốn đầu tư; chú trọng kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn và kiên quyết xử lý những sai phạm trong đầu tư XDCB ngay từ khi mới phát sinh.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Ðảng, Nhà nước và của tỉnh về xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong tất cả các lĩnh vực, bảo đảm tính cạnh tranh, nâng cao giá trị các khu đất đối ứng cho các dự án BT theo nguyên tắc đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật. Tích cực vận động, làm việc với các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn ODA, NGO nhằm huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kết cấu hạ tầng KTXH. Tiếp tục thực hiện việc thoái vốn nhà nước ở những lĩnh vực nhà nước không cần thiết nắm giữ; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chủ trương cho thuê tài sản, đấu thầu quyền quản lý, khai thác một số tài sản công theo quy định của pháp luật (như các công trình về văn hóa, thể thao, y tế, dạy nghề, cảng biển, khu neo đậu tàu, thuyền, công viên cây xanh...) nhằm nâng cao phúc lợi xã hội và hiệu quả sử dụng công trình.

* Về tài chính, ngân sách: Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác thu NSNN (nhất là thu thuế, phí, lệ phí) ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018, phấn đấu thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán được giao. Tổ chức khai thác tốt các nguồn thu; chú trọng các nguồn thu có tiềm năng như thuế khoán hộ, nợ đọng thuế, thuế tài nguyên, thuế XDCB các dự án đầu tư của các doanh nghiệp, tiền thuê đất... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thu thuế và hoàn thuế; cương quyết áp dụng các biện pháp xử lý và cưỡng chế nợ thuế đối với những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cố ý trốn tránh, chây ỳ nộp thuế (kể cả biện pháp rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư...); đẩy mạnh việc thu hồi số thuế nợ đọng từ các năm trước, các khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi và các khoản thu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Tiếp tục điều hành ngân sách linh hoạt trong phạm vi nguồn thu được hưởng theo phân cấp; thực hiện cấp phát, thanh toán theo tiến độ thu và dự toán được giao. Tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương để nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong quản lý, sử dụng NSNN.

Thực hiện rà soát, xác định chính xác nợ công và phương án xử lý dứt điểm ở mỗi cấp (nhất là nợ xây dựng nông thôn mới) ở thời điểm 31/12/2017 để làm căn cứ kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện ở các địa phương; kiên quyết không bố trí và giải ngân vốn đầu tư cho các dự án mới khi chưa giải quyết xong nợ đọng XDCB (theo đúng quy định tại Chỉ thị số 08, Chỉ thị số 10 năm 2015 của UBND tỉnh); triển khai thanh toán nợ đọng XDCB bằng nguồn quỹ xi măng xây dựng nông thôn mới tạm thời chưa sử dụng (sau khi đã cân đối kế hoạch phân bổ cho các địa phương đến hết năm 2018) theo đúng kết luận hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh. Tiếp tục ưu tiên sử dụng nguồn thu từ đất ở các cấp để thanh toán nợ công, nợ XDCB, phấn đấu hoàn thành việc trả nợ đọng XDCB và nợ xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trong năm 2018.

Bốn là, về tài nguyên, môi trường và phòng, chống lụt, bão.

Tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, đất đai, nhất là khoáng sản, cát và các nguồn nước; tăng cường quản lý chặt chẽ khai thác cát trên sông và cửa biển theo tinh thần Công điện số 03 và các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tập trung kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi. Ðẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được nhà nước cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định và đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt; kiên quyết xử lý theo quy định của Luật Ðất đai và các luật khác có liên quan nếu các tổ chức, cá nhân được nhà nước cho thuê đất để hoang hóa, không sử dụng đúng mục đích và kém hiệu quả. Giải quyết kịp thời, đúng quy định các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

Tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp và đất khác sang đất ở dân cư, bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể KTXH, quy hoạch nông thôn mới và kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; đồng thời, cho phép các địa phương căn cứ tình hình thực tế để lựa chọn hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và sử dụng kinh phí thu được để thanh toán nợ đọng XDCB (đối với các địa phương không có nợ đọng XDCB, không có nhu cầu đầu tư xây dựng những công trình thật cấp bách và nhu cầu thực tế về nhà ở của người dân chưa thật bức thiết thì tỉnh sẽ chưa xem xét cho chuyển mục đích sử dụng đất để quy hoạch dân cư nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất).

Chỉ đạo thực hiện tốt việc thu gom rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư về những điểm xử lý tập trung. Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư về xử lý rác thải theo công nghệ lò đốt hoặc công nghệ khác, không chôn lấp, không gây ô nhiễm môi trường (nhất là vướng mắc về vị trí đặt lò đốt, nhà máy xử lý rác thải); tiếp tục hỗ trợ xây dựng các lò đốt rác ở các xã, thị trấn có nhu cầu và khả năng đối ứng; chủ động phối hợp, xử lý triệt để các điểm nóng về môi trường, không đùn đẩy lên cấp trên. Tăng cường kiểm soát việc xử lý nước thải, chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo đảm môi trường sinh thái.

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống lụt, bão năm 2018 theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Chú trọng kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê, kè, cống và phân loại các công trình trọng điểm xung yếu để xây dựng phương án chủ động phòng, chống thiên tai. Các địa phương, các ngành (nhất là 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nằm trong vùng nguy cơ cao) phải tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn chỉnh kịch bản phòng, chống siêu bão và triển khai thực hiện tốt công tác diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch.

Về lĩnh vực văn hóa, xã hội:

* Tăng cường chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội như việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định và lạm thu trong các trường học; chất lượng đào tạo nghề và những hạn chế, yếu kém về xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, xây cất mồ mả và quản lý xây dựng nghĩa trang... Triển khai các cuộc kiểm tra liên ngành về việc chấp hành các quy định của nhà nước về phòng, chống cháy, nổ, an toàn lao động, quản lý và thực hiện các chế độ đối với người lao động trong các doanh nghiệp (nhất là quản lý lao động nước ngoài). Phối hợp xử lý dứt điểm vướng mắc trong thực hiện chế độ bảo hiểm y tế.

* Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Ðảng, Nhà nước đối với người và gia đình có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, bảo đảm an sinh; tập trung giải quyết căn bản những tồn tại, vướng mắc về chính sách xã hội ở các địa phương và các chế độ, chính sách đối với người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tích cực triển khai thực hiện đề án giai đoạn 2 về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng. Ðẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao với các hình thức phù hợp: đầu tư công, quản trị tư; đầu tư tư, quản trị công; đầu tư tư, quản trị tư... để tăng cường thu hút nguồn lực, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

* Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, nhất là việc chủ động cung cấp, định hướng thông tin và tổ chức tuyên truyền một cách hệ thống các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và địa phương, bảo đảm đầy đủ, kịp thời và chính xác, tạo sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Chú trọng tuyên truyền, phản ánh, nêu gương những người tốt, việc tốt, các mô hình hay và cách làm hiệu quả, xây dựng xã hội lành mạnh; đồng thời, phê phán mạnh mẽ những thói hư, tật xấu đang tồn tại trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; đi sâu phân tích, đánh giá, làm rõ đúng, sai để định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị; tích cực và kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, phản ánh sai lệch, một chiều trên mạng internet và các phương tiện truyền thông không chính thống.

Về công tác xây dựng chính quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh:

* Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường công khai, minh bạch, tiếp tục rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức khi thực thi công vụ.

- Ðẩy mạnh kiểm soát thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, công bố chính thức các thủ tục hành chính; cắt giảm một nửa thời gian thực hiện các thủ tục so với hiện hành và đơn giản hóa tối đa thành phần hồ sơ trong mỗi thủ tục. Ðẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin; sử dụng chữ ký số và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho các ngành, địa phương; tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4; mở rộng việc nhận hồ sơ qua mạng, nhận và trả kết quả qua bưu điện đối với các thủ tục hành chính thực hiện tại trung tâm hành chính công 2 cấp. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của đường dây nóng ở chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị để kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân.

- Tăng cường công tác thanh tra công vụ. Tập trung chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế, thuyên chuyển vị trí làm việc của cán bộ, công chức theo quy định của Chính phủ (nhất là đối với những vị trí nhạy cảm và thường xuyên tiếp xúc, giải quyết các công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp).

* Chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tập trung nắm chắc và xử lý kịp thời, đúng luật, hợp tình hình các vấn đề mới phát sinh từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ. Chú trọng xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của các tổ chức tự quản về an ninh trật tự, giữ vững ổn định tình hình. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ; phát huy dân chủ, giữ vững đoàn kết, thống nhất trong mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương.

Duy trì, thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo tinh thần Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 19/5/2017 của UBND tỉnh; tập trung xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh; đồng thời, có cơ chế giám sát các cấp, các ngành và người đứng đầu các sở, ngành, địa phương để không thể né tránh, đùn đẩy mà phải tăng cường công tác đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân; lắng nghe ý kiến; kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và địa phương; nơi nào để xảy ra vi phạm, mất ổn định thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi đó phải bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát và chú trọng xử lý sau thanh tra, kiểm tra. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp và giữa cơ quan tư pháp với các tổ chức, cơ quan thuộc hệ thống chính trị trên từng địa bàn.

Kính thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể nhân dân!

Nhiệm vụ năm 2018 và những năm tới đặt ra phải hoàn thành đối với các cấp, các ngành và nhân dân tỉnh nhà là rất lớn. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương cần quán triệt sâu sắc, khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ chính trị trọng tâm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới. Trước mắt, cần tập trung thực hiện tốt để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2017, đầu năm 2018 như: chỉ đạo thắng lợi sản xuất vụ đông, vụ xuân theo các đề án và cơ chế, chính sách đã được ban hành (chú ý xử lý nghiêm tình trạng gieo mạ dài ngày và xuân sớm ở một số địa phương); thực hiện nghiêm các công điện, chỉ thị của UBND tỉnh về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; phòng, chống cháy, nổ; giải tỏa các vật cản giao thông tĩnh, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, sông ngòi, kênh mương; làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, tặng quà các đối tượng chính sách, người và gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo nhân dịp tết Nguyên đán, bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện nghiêm Pháp lệnh số 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 36 của Chính phủ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhân dân vui tết Nguyên đán Mậu Tuất an toàn, vui tươi, lành mạnh; đồng thời, làm thật tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2018; tăng cường quản lý thị trường, bình ổn giá trong dịp tết...

Ðể thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.  Nhân kỳ họp này, một lần nữa UBND tỉnh trân trọng đề nghị Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, Thường trực HÐND, các ban và các đại biểu HÐND tỉnh, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; vận động nhân dân; kịp thời góp ý và phối hợp với UBND tỉnh, các sở, ngành và các địa phương để thực hiện thật tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và địa phương; đồng thời, thiết tha đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đồng sức đồng lòng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, thực hiện thật tốt các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Ðại hội toàn quốc lần thứ XII của Ðảng.

Nhân dịp năm mới 2018 sắp tới, thay mặt UBND tỉnh, tôi xin kính chúc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu khách quý, các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu HÐND tỉnh cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh dồi dào sức khỏe, an khang và hạnh phúc. Năm mới thi đua giành nhiều thắng lợi mới.

Xin trân trọng cảm ơn!

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày