Thứ 5, 02/05/2024, 12:20[GMT+7]

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện công tác nội chính năm 2017, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018.

Thứ 5, 21/12/2017 | 20:08:35
1,474 lượt xem
Tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm và làm việc tại Thái Bình, chiều ngày 21/12, Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện công tác nội chính năm 2017, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND; lãnh đạo UBND; Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo nhanh với đồng chí Trương Hòa Bình và đoàn công tác của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện công tác nội chính năm 2017; mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của tỉnh. 

Theo đó, năm 2017, tổng sản phẩm GRDP của tỉnh tăng 11%; giá trị sản xuất tăng 13,15% so với năm 2016 - là năm thứ hai liên tiếp kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng 2 con số và là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Dự án đầu tư được chấp thuận trong năm tăng 44% về số dự án và tăng 34,7% về vốn đầu tư so với năm 2016. Thu ngân sách địa phương ước đạt trên 13.800 tỷ đồng, vượt 40% so với dự toán được giao. Dự kiến đến hết năm 2017 có  205 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có nước sạch phục vụ nhân dân. Công tác tư pháp, thi hành án dân sự; công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; công tác phòng chống tham nhũng; công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Năm 2018, Thái Bình phấn đấu GRDP tăng 9,5% trở lên so với năm 2017; thu cân đối ngân sách địa phương đạt trên 11.600 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2017; kim ngạch xuất khẩu tăng 11%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng 10% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5% trở lên so với năm 2017…

Cũng nhân dịp này, UBND tỉnh kiến nghị với Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng sớm thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình để Thái Bình triển khai các bước tiếp theo; đồng thời xem xét có cơ chế hỗ trợ tỉnh một phần kinh phí đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng Khu Kinh tế Thái Bình; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm thống nhất quan điểm chỉ đạo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh theo hình thức BOT để tỉnh triển khai các bước tiếp theo theo quy định. Xem xét, bố trí vốn để thanh toán khối lượng công trình dự án đường nối hai tỉnh Thái Bình- Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ -Ninh Bình đã hoàn thành giai đoạn 1, đồng thời xem xét cho chủ trương thực hiện giai đoạn 2 của dự án. Cho phép Thái Bình bổ sung giá trị hợp đồng BOT dự án nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ Quán Toan, Hải Phòng đến cầu Nghìn, Thái Bình hoặc từ cầu Tân Đệ đến cầu La Uyên, huyện Vũ Thư, Thái Bình để đầu tư nâng cấp quốc lộ 10, đoạn từ cầu Nghìn đến tuyến tránh thị trấn Đông Hưng theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ Thái Bình khoảng 500 tỷ đồng để xóa bỏ trạm BOT trên quốc lộ 37B đoạn từ thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền huyện Thái Thụy, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thu hút đầu tư phát triển Khu Kinh tế Thái Bình. Cho phép Thái Bình được sử dụng 50% phần tăng thu ngân sách sau làm lương trong chu kỳ ngân sách 2018-2020 và tiền thoái vốn Nhà nước ở các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh để tập trung thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản các công trình trọng điểm có khối lượng hoàn thành trước năm 2017 và đầu tư xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình. Cho phép thành lập Cục Hải quan tỉnh Thái Bình. Đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, cho phép cơ chế trích từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để bổ sung kinh phí trang bị máy móc, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, lấy mẫu giám định, kiểm định hàng hóa và cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389. Cho phép Thái Bình được để lại 100% kinh phí xử phạt vi phạm an toàn giao thông để đầu tư xây dựng cầu vượt Tân Bình và lắp đặt các camera theo dõi giao thông trên các tuyến đường, mua sắm thiết bị phục vụ hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông. Ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng bảo đảm phù hợp với các luật và nghị định liên quan. Quan tâm hỗ trợ kinh phí để Tòa án tỉnh thực hiện theo mô hình phòng xử án mới. Chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tập trung bố trí vốn, nhân lực và tăng cường chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện của dự án Nhà máy nhiệt điện 2 Thái Bình. Cho phép bổ sung quy hoạch mạng lưới cung cấp khí tự nhiên của Thái Bình là một trong những trung tâm cung cấp khí cho miền Bắc và cả nước.

Sau khi nghe các thành viên trong đoàn công tác phát biểu tham gia ý kiến vào tình hình kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện công tác nội chính năm 2017; mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 và đề nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hoan nghênh công tác chuẩn bị chu đáo của tỉnh, ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của hạn chế, yếu kém. 

Đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đề nghị thời gian tới, Thái Bình cần tập trung quyết liệt trong triển khai các nghị quyết của Chính phủ, các văn bản pháp luật của Quốc hội, các bộ, ngành trung ương. Chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với tập trung, tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới bền vững, tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ về khuyến khích khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, có giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, chú trọng khai thác các nguồn thu còn tiềm năng, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán Chính phủ giao. Làm tốt công tác quản lý đất đai, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tăng cường quản lý chặt chẽ việc khai thác cát trên sông và cửa biển, giữ vững môi trường sinh thái, chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu. Phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng sự nghiệp văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông. Thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách xã hội theo quy định với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch, tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống đường dây nóng. Thực hiện tốt công tác quốc phòng an ninh và làm tốt công tác tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý sau thanh tra, kiểm tra.

Đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ cũng tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của tỉnh; giao cho các bộ, ngành liên quan phối hợp cùng địa phương nghiên cứu, lập phương án, xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định từng vấn đề. 

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn và tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, hứa sẽ nghiêm túc triển khai thực hiện để Thái Bình tiếp tục có nhiều chuyển biến hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội.

TBĐT

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày