Chủ nhật, 05/05/2024, 13:45[GMT+7]

Diễn văn kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018) của đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy

Thứ 6, 02/02/2018 | 19:12:16
842 lượt xem

Đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Tâm.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước;

Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, đại biểu mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình qua các thời kỳ;

Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý, cùng toàn thể nhân dân!

Trong không khí chào mừng năm mới 2018 và chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cả nước thi đua lập thành tích kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, hôm nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình long trọng tổ chức kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, của phong trào công nhân và cách mạng Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình, tôi nồng nhiệt chào mừng và trân trọng gửi tới đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các vị khách quý cùng toàn thể các đồng chí và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý và toàn thể nhân dân!

Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đất nước ta chìm trong đêm dài nô lệ. Nhân dân ta liên tiếp đứng lên chống ách áp bức, bóc lột của thực dân cướp nước và phong kiến tay sai. Các phong trào diễn ra mạnh mẽ, tràn đầy khí phách bất khuất và sáng ngời tinh thần yêu nước nhưng tất cả đều không thành công, vì thiếu một đường lối đúng.

Trong bối cảnh ấy, đồng chí Nguyễn Ái Quốc với nhiệt tình yêu nước cháy bỏng, đã bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước, cứu dân và Người đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam khi đó (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) đã họp hội nghị hợp nhất thành một Đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Với sự kiện lịch sử trọng đại này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức được thành lập. Từ đây cách mạng nước ta có đường lối đúng đắn. Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự trở thành người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Đây là sự phát triển tất yếu của lịch sử, là kết quả của sự phát triển phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá vào Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng nước ta, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX, thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc với những mốc son lịch sử hào hùng.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân  ta đã đập tan ách phát-xít, lật đổ ách thống trị của thực dân gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; Đảng ta, mới 15 tuổi đã trở thành đảng cầm quyền lãnh đạo toàn xã hội chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam tiến lên phía trước.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân trên đất nước ta; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945; mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 Đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 Để có được những thành quả vĩ đại đó, Đảng và nhân dân ta đã phải đổ bao xương máu, chịu biết bao hy sinh, mất mát. Trong những năm đầu thành lập Đảng, đã có hàng vạn cán bộ, đảng viên và những người yêu nước bị giam cầm, tù đày, bị giết hại. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có hàng trăm nghìn đảng viên và hàng triệu chiến sĩ, đồng bào hy sinh.

 Nhìn lại chặng đường đấu tranh oanh liệt của Đảng ta trong 88 năm qua, ôn lại những khó khăn, gian khổ, sự hy sinh vô bờ bến cùng những thắng lợi vẻ vang mà nhân dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta càng trân trọng quá khứ, nâng niu giữ gìn những thành quả của cách mạng, càng thấm thía và biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu; càng thấu hiểu, tin yêu và tự hào về dân tộc ta - một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo; tự hào về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh một lòng một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh; tưởng nhớ, tri ân các lãnh tụ của Đảng, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài, gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang của dân tộc, của Đảng. Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các gia đình liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với nước, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các đồng chí, đồng bào đã bị tù đày trong lao tù của chế độ thực dân, đế quốc, các đồng chí đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước;

Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý và toàn thể nhân dân!

Sự kiện ra đời của Đảng ta dưới sự chủ trì sáng lập của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, gắn liền với tên tuổi các đồng chí lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng, trong đó đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người con ưu tú của quê hương Thái Bình. Chúng ta thành kính tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 ở làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Sinh ra và lớn lên trên quê hương có nhiều truyền thống quý báu, được nuôi dưỡng trong một gia đình nhà nho yêu nước, thương dân, Nguyễn Đức Cảnh đã sớm hình thành chí khí, bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống. Thuở nhỏ, đồng chí đã tận mắt chứng kiến thực dân Pháp đàn áp dã man các phong trào yêu nước; sớm cảm nhận được nỗi đau của người dân mất nước cũng như thân phận nô lệ của dân tộc, Nguyễn Đức Cảnh đã tự nguyện dấn thân vào sự nghiệp cách mạng cứu nước, cứu dân.

Từ khi còn là học sinh ở Trường Thành Chung, Nam Định, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tham gia hoạt động sôi nổi trong các phong trào yêu nước cùng với bạn học là các thanh niên trẻ tuổi, nhiệt huyết như Đặng Xuân Khu, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Văn Năng, Đặng Xuân Thiều,… Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí được mở đầu bằng sự kiện tham gia cuộc vận động đòi thực dân Pháp ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu, cuộc bãi khóa để truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh ở Nam Định vào những năm 1925 - 1926.

Sau cuộc bãi khóa này, Nguyễn Đức Cảnh bị đuổi học. Cuối năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh quyết định lên Hà Nội kiếm việc làm, tự nuôi sống mình và tìm con đường hoạt động cách mạng. Cũng tại đây, Nguyễn Đức Cảnh đã tham gia nhóm Nam Đồng thư xã, một tổ chức của những người Việt Nam yêu nước và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền cổ động.

Tháng 9/1927, Nguyễn Đức Cảnh tham dự khóa huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng chí được tiếp xúc với tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam, con đường giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Chính vì vậy, Nguyễn Đức Cảnh đã gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đức Cảnh.

Trở về nước, tháng 2/1928, Nguyễn Đức Cảnh được cử vào Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng. Với những trải nghiệm trong thực tiễn và những hiểu biết mới về phong trào công nhân quốc tế, Nguyễn Đức Cảnh ý thức rất rõ chủ trương “vô sản hóa”, một yêu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam. Để thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, dấu chân đồng chí đã in trên mọi nẻo đường vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Cũng từ chủ trương “vô sản hóa” đã khẳng định rằng: đây là con đường đúng đắn để đưa phong trào công nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Sang năm 1929, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và nông dân Việt Nam đặt ra một nhu cầu phải có tổ chức chính trị cao hơn, chặt chẽ hơn, đó chính là Đảng Cộng sản để lãnh đạo. Tháng 3/1929, tại số nhà 5D - phố Hàm Long (Hà Nội), Nguyễn Đức Cảnh và một số hội viên ưu tú trong Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Ngay sau khi thành lập Chi bộ, Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí trong Chi bộ tích cực chuẩn bị thành lập một chính đảng mác xít chân chính ở Việt Nam.

Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên (Hà Nội), đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ họp Đại hội quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng và xuất bản Báo Búa liềm, cơ quan ngôn luận của Đảng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp bách của phong trào công nhân, nhất là phong trào công nhân ở Bắc Kỳ. Nguyễn Đức Cảnh được Ban Chấp hành Trung ương lâm thời giao cho phụ trách công tác công vận. Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 - phố Hàng Nón, Hà Nội, đồng chí đã triệu tập Đại hội đại biểu công nhân Bắc Kỳ. Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, xuất bản Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan tuyên truyền của Công hội. Cùng trong thời gian này, ở Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã tích cực tuyển lựa những hội viên thanh niên tiên tiến để kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 8/1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng được thành lập, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Bí thư.

Đầu tháng 12/1929, Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành lâm thời tại Hà Nội để bầu ra Ban Chấp hành chính thức Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Sự ra đời của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ cùng với những kinh nghiệm thành lập của tổ chức này là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của tổ chức công hội ở các địa phương trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trở thành một trong những nhà lãnh đạo tiên phong của phong trào công nhân Việt Nam, sáng lập ra Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay.

Đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng tham dự hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sự kiện tham dự hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ phản ánh kết quả hoạt động tích cực trong phong trào công nhân mà còn khẳng định đóng góp có ý nghĩa to lớn của đồng chí trong tiến trình vận động thành lập Đảng, là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Sau hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh khẩn trương thực hiện Nghị quyết hội nghị thành lập Đảng, chuyển Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng thành Đảng bộ Đảng Cộng sản (tháng 4/1930) do đồng chí làm Bí thư.

Tháng 5/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong việc lãnh đạo xây dựng, phát triển tổ chức, cơ sở đảng ở Bắc Kỳ nói chung và trong công nhân vùng Đông Bắc nói riêng; đồng thời tham gia đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc cho bản Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo.

Khi phong trào cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh bùng nổ, tháng 10/1930, theo sự phân công của Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được tăng cường cho Xứ ủy Trung Kỳ, trên cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ. Tại đây, đồng chí đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm lăn lộn với phong trào, gây dựng và bảo vệ các cơ sở cách mạng. Tuy nhiên, trước âm mưu khủng bố điên cuồng của kẻ địch, phong trào đấu tranh ở Trung Kỳ đứng trước thử thách vô cùng khốc liệt. Không ít các cơ sở đảng ở địa phương bị mất liên lạc, phải tạm ngừng hoạt động. Thực dân Pháp mở nhiều cuộc vây ráp các cơ sở để lùng bắt các chiến sĩ cộng sản, trong đó có đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Cuối tháng 4/1931, trên đường về cơ sở, đồng chí bị kẻ thù bắt tại làng Yên Dũng Hạ (nay là phường Hưng Thủy - thành phố Vinh), sau đó bị giải về nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Dù bị giam cầm trong xà lim chờ án chém, Nguyễn Đức Cảnh vẫn tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức đảng trong nhà tù. Với trình độ lý luận sắc sảo, lại có nhiều trải nghiệm trong những môi trường hoạt động khác nhau, đồng chí được cử tham gia Ban huấn luyện do chi bộ đảng nhà tù chỉ đạo. Những ngày cuối cùng trong xà lim án chém, đồng chí đã tập trung dồn hết trí tuệ và tâm lực để viết bài cho báo “Lao tù tạp chí”, cuốn sách “Nói chuyện nước Tàu” và tác phẩm “Công nhân vận động”. Đây là một tài liệu mang tính tổng kết cao, làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn trong công tác công vận của Đảng; là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam viết một cách có hệ thống về phong trào công nhân Việt Nam.

Trước phiên tòa của thực dân Pháp ở Hà Nội, Nguyễn Đức Cảnh và nhiều chiến sĩ cộng sản khác đã biến “vành móng ngựa” thành diễn đàn lên án bọn thực dân đế quốc. Tòa án thực dân Pháp đã xử Nguyễn Đức Cảnh án tử hình.

5 giờ sáng ngày 31/7/1932, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị thực dân Pháp xử chém tại pháp trường bên bờ sông Lấp, trước cửa nhà lao Hải Phòng. Cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, giữ trọn lòng thủy chung, sắt son với Đảng, với dân tộc, vẫn vững niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước và giác ngộ chủ nghĩa cộng sản, về ý chí và tinh thần học tập, rèn luyện không mệt mỏi, công hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Hình ảnh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, một trong những người sáng lập và là nhà lãnh đạo xuất sắc thời dựng Đảng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người con ưu tú kiên trung, bất khuất mãi in đậm trong lòng đồng bào, đồng chí quê hương Thái Bình.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước;

Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý và toàn thể nhân dân!

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tôn vinh và noi theo những nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối kiên trung, bất khuất và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, 88 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, góp phần viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc và của quê hương Thái Bình.

Sau khi thành lập Đảng, ở Thái Bình đã nổ ra hai cuộc biểu tình “long trời, lở đất” của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà và nông dân Tiền Hải năm 1930, thu hút hàng chục nghìn quần chúng tham gia. Các tầng lớp nhân dân Thái Bình được tôi luyện trong gian khó, hy sinh, “nếm mật, nằm gai”, bền gan, vững chí, một lòng sắt son với Đảng, tham gia tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân. Hòa chung với không khí chống thực dân Pháp xâm lược, cùng các địa phương và nhân dân cả nước, mỗi thôn làng của Thái Bình là một chiến lũy, mỗi người dân Thái Bình là một chiến sĩ đánh giặc giữ làng, tiêu biểu là Nguyễn Thị Chiên - người anh hùng tay không bắt giặc và hàng vạn thanh niên Thái Bình đã lên đường nhập ngũ, hàng nghìn tấn lương thực đã kịp thời chi viện cho chiến trường.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, anh hùng Tạ Quốc Luật người con của quê hương Thái Bình cắm cờ trên nóc hầm Đờ-cát, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ thực dân xâm lược. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), nhân dân Thái Bình vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; vừa phải dốc sức người, sức của chi viện cho các mặt trận, vì miền Nam ruột thịt với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha (năm 1966). Với tinh thần “có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng”, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng chục vạn người con của Thái Bình đã lên đường nhập ngũ, là tỉnh có tỷ lệ người tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc (18%). Thi đua với tiền tuyến anh hùng, nhân dân và lực lượng vũ trang Thái Bình đã bắn rơi 44 máy bay, bắn cháy 4 tàu chiến Mỹ. Phát huy truyền thống cách mạng, những người con của quê hương Thái Bình đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và công tác, lập nên những chiến công xuất sắc. Nhiều người con Thái Bình đã ghi vào lịch sử dân tộc những dấu son chói lọi như: Anh hùng, Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ - cố vấn 2 đời tổng thống ngụy quyền Sài Gòn; Bùi Quang Thận - người cắm cờ trên dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975;  Phạm Tuân -  người lần đầu tiên bắn rơi pháo đài bay B52 của giặc Mỹ, người hai lần được phong anh hùng và là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.

Đất nước thống nhất, kế thừa và phát huy những truyền thống của các thế hệ cha anh, trên cuộc hành trình hơn 30 năm đổi mới, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, nâng tầm trí tuệ, vững vàng trước mọi thử thách, kiên định niềm tin sắt đá vào lý tưởng của Đảng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng; khai thác tiềm năng lợi thế, đưa tỉnh phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Nhất là trong giai đoạn từ 2011 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, XIX trong điều kiện rất nhiều khó khăn, song với quyết tâm chính trị, tư duy đổi mới và đột phá của Đảng bộ, đã thu được kết quả rất đáng trân trọng. Kinh tế - xã hội của tỉnh có những bước tiến bộ rõ nét; tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực được khơi dậy và phát huy hiệu quả đã đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện và năng động. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. GRDP bình quân giai đoạn 2010 - 2015 tăng trưởng 8,04%/năm; năm 2016 tăng trên 10%; năm 2017 tăng 11,12%. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện theo hướng hiệu quả, bền vững. Toàn tỉnh có 186 xã (chiếm 70,7% tổng số xã) và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới. 100% số xã đã có công trình nước sạch sinh hoạt tập trung, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt 77,8%. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục ở các cấp học có nhiều chuyển biến, trình độ dân trí được nâng lên; điều kiện, chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn; công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được coi trọng. Các chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các hoạt động khoa học công nghệ, thông tin, truyền thông, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện nâng lên. Tình hình chính trị ổn định, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy.

Những thành tựu quan trọng và toàn diện đã đạt được về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của Thái Bình trong tiến trình đổi mới, hội nhập, xây dựng nông thôn mới đã và đang thắp sáng thêm truyền thống của miền quê Thái Bình giàu truyền thống cách mạng. Đây cũng là minh chứng sinh động về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè trong nước và quốc tế, sự lao động hăng say, sáng tạo không ngừng của nhân dân tỉnh Thái Bình trong suốt thời gian qua.

 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan Trung ương cũng như các tỉnh bạn đã luôn quan tâm động viên, giúp đỡ tỉnh Thái Bình trong suốt chặng đường phát triển.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý và toàn thể nhân dân!

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là dịp để chúng ta khắc sâu thêm trong sâu thẳm tâm trí của mình về cuộc đời, sự nghiệp, công lao to lớn và phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp của đồng chí. Toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thái Bình nguyện mãi mãi khắc ghi tình cảm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, nguyện phấn đấu học tập tấm gương suốt đời hy sinh cho độc lập tự do, hạnh phúc của nhân dân; tiếp tục con đường mà dân tộc, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí đã lựa chọn; tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, đất nước, quê hương, tăng cường đoàn kết vượt lên thách thức, chủ động sáng tạo với tinh thần cách mạng tiến công, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, phấn đấu xây dựng Thái Bình phát triển bền vững, giàu đẹp, văn minh.

Nhiệm vụ to lớn trước mắt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trọng tâm là thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX với tinh thần “Tăng cường đoàn kết thống nhất, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững, tạo nền tảng để xây dựng tỉnh Thái Bình sớm có nền nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hiện đại”, góp phần cùng cả nước xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước;

Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý và toàn thể nhân dân!

Tỉnh Thái Bình tổ chức kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị khách quý dành tình cảm và thời gian tới dự. Đặc biệt, với trọng trách to lớn trước Đảng và đất nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mặc dù công việc rất bộn bề nhưng đồng chí vẫn quan tâm dành tình cảm thân thiết, thời gian quý báu về thăm tỉnh Thái Bình, dâng hương tưởng niệm và dự lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đây là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình, tiếp thêm cho toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và chiến sĩ các lực lượng vũ trang Thái Bình nguồn động lực mới, niềm phấn khởi thi đua yêu nước trong thời gian tới. Thay mặt cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành nhất tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị khách quý và đồng chí Tổng Bí thư; trân trọng kính chúc đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, nhiều thành công trên cương vị trọng trách được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó.

Nhân dịp đón xuân mới Mậu Tuất 2018, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình; tôi xin gửi tới đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu, các vị khách quý, các đồng chí, cùng gia tộc của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và toàn thể nhân dân lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc. Năm mới giành nhiều thắng lợi mới!  

Xin trân trọng cảm ơn!

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày