Thứ 7, 27/04/2024, 00:02[GMT+7]

Không để bùng phát bệnh tay chân miệng

Thứ 5, 14/09/2017 | 08:10:13
1,982 lượt xem
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm chưa có vắc-xin phòng ngừa, bệnh chủ yếu mắc ở trẻ em dưới 5 tuổi, có nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, trẻ mắc tay chân miệng cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời đồng thời cần có biện pháp phòng ngừa không để lây lan ra diện rộng.

Bác sĩ Đỗ Mạnh Dũng khám bệnh cho bệnh nhi.

Gia tăng bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng

Theo báo cáo của Sở Y tế, thời gian gần đây số bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh phải nhập viện điều trị tăng cao và tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình, chỉ trong tháng 7 và tháng 8 đã tiếp nhận, điều trị cho 83 trẻ mắc tay chân miệng. Tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện cũng ghi nhận có số bệnh nhân mắc tay chân miệng tăng cao so với các tháng trước đó và tăng hơn so với cùng kỳ.

Bác sĩ Đỗ Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi kiêm Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: Hiện số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị tại Bệnh viện tăng cao bất thường. Trong số các bệnh nhi, nhiều trẻ mắc bệnh ở cấp độ nặng, nhập viện khi đã xuất hiện nhiều mụn rộp nước ở tay, chân, miệng, mông; sốt cao, ngủ gà gật, thường xuyên giật mình, nôn trớ, quấy khóc, tay chân run, đi lại không vững, có ca bệnh đã biến chứng ảnh hưởng đến hệ tim mạch và hô hấp. Song do được điều trị tích cực nên đa số trẻ đã khỏi và ra viện, không có trường hợp tử vong. 

Hiện tại, Khoa Truyền nhiễm chỉ còn 10 bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị. Tuy vậy, bác sĩ Dũng cho biết: Trẻ mắc bệnh nếu không được đưa đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng bởi các biến chứng xảy ra. Việc điều trị vì thế cũng khó khăn hơn và phải kéo dài thời gian hơn. Ngoài ra, nếu trẻ mắc bệnh tay chân miệng nếu không được phát hiện sớm để điều trị và có biện pháp phòng ngừa lây lan thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn.

Các bác sĩ kịp thời cấp cứu một bệnh nhi qua cơn nguy kịch.

Không để bùng phát bệnh tay chân miệng

Tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, chị Nguyễn Thị Lan, người nhà bệnh nhân chia sẻ: Khi phát hiện con có vài mụn nước ở bàn tay, bàn chân và miệng tôi cũng chủ quan nghĩ có thể con chỉ bị nhiệt hoặc bị bệnh ngoài da đơn giản, song tôi vẫn cho con nghỉ học để theo dõi và phòng lây sang các bạn. Khi thấy con quấy khóc hơn bình thường, kêu đau miệng, tôi nghĩ ngay đến bệnh tay chân miệng và đưa đến bệnh viện để được khám sớm. 

Bác sĩ Đỗ Mạnh Dũng cho biết: Đặc thù của bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, rất dễ lây từ người sang người, chưa có vắc-xin phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lây do vi rút đường ruột lây qua dịch mũi, nước bọt, phân từ người lành sang người bệnh qua sinh hoạt hàng ngày. Trẻ mắc bệnh đa số đều ở lứa tuổi mẫu giáo, chưa có ý thức phòng bệnh, thường sinh hoạt tập trung ở lớp, nếu mắc bệnh sẽ dễ lây lan. Vì vậy các phụ huynh cần chú ý quan tâm theo dõi, nếu thấy trẻ phát ban, có mụn nước ở tay chân miệng, sốt, hay giật mình quấy khóc, kém ăn phải cho trẻ nghỉ học, đưa trẻ đến bệnh viện sớm để được khám và điều trị kịp thời, được hướng dẫn chăm sóc đúng cách.

Hiện số bệnh nhân mắc tay chân miệng đang gia tăng trong tỉnh, nguy cơ lây lan cao. Để phòng ngừa tránh bùng phát, mọi người cần thực hiện ăn ở vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và làm vệ sinh cho trẻ. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi khi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Cần sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Người lành, nhất là trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết. Sau khi chăm sóc bệnh nhân cần rửa tay kỹ với xà phòng. Không được chọc vỡ các mụn bọng nước trên da bệnh nhân. Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn. Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng có dịch tay chân miệng và cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh để tránh nguy cơ lây lan ra các bạn trong lớp.

Hà Dung 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày