Thứ 7, 27/04/2024, 03:40[GMT+7]

Kiểm tra kết quả 10 năm thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Thứ 3, 12/09/2017 | 17:01:57
3,052 lượt xem
Trong 2 ngày 11-12/9, Tổ kiểm tra số 1 và số 2, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh đã kiểm tra kết quả 10 năm thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn của các xã: Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ); Nguyên Xá, Hòa Bình (Vũ Thư); Vũ Hòa, Vũ An (Kiến Xương); Đông Thọ và phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình).

Đồng chí Phạm Xuân Ghi, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ kiểm tra số 1 phát biểu tại buổi kiểm tra tại xã Nguyên Xá (Vũ Thư). Ảnh: Đào Quyên.

Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh số 34, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, các ban ngành của các xã, phường được kiểm tra đều có nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện sâu rộng, làm cho nhân dân nhận thức đúng hơn về quyền và nghĩa vụ của công dân, tạo ra bước chuyển biến tích cực về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được các địa phương gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới, cải cách thủ tục hành chính, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 

Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, nhờ phát huy tốt dân chủ ở cơ sở, nên việc huy động nguồn lực từ trong nhân dân để xây dựng hạ tầng nông thôn của các xã đều đạt kết quả tốt, góp phần quan trọng để địa phương về đích nông thôn mới. Điển hình  như xã Hòa Bình huy động được hơn 12,4 tỷ đồng; xã Quỳnh Ngọc huy động được hơn 8,6 tỷ đồng; xã Nguyên Xá huy động nhân dân đóng góp được hơn 3,6 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công, hàng nghìn m2 đất thổ cư, đất ruộng; nhân dân  xã Vũ Hòa đã tự nguyện đóng góp, ủng hộ hơn 47,8 tỷ đồng, hiến đất, ủng hộ ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: giao thông, thủy lợi nội đồng; đường giao thông thôn, xóm; trường học, trạm y tế và các công trình thiết chế văn hóa; nhân dân xã Đông Thọ đã tự nguyện đóng góp trên 22 tỷ đồng, hơn 20.000 ngày công lao động, hiến trên 14.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi công cộng.

Đồng chí Trần Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Tổ trưởng tổ kiểm tra chủ trì buổi làm việc với Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở xã Vũ Hòa. Ảnh: Khắc Duẩn


Cũng thông qua việc tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở đã góp phần đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đồng thời chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức theo hướng sát dân, trọng dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng trong phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu nhân dân. Công tác quản lý hành chính bảo đảm dân chủ, công khai, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức xã, phường được nâng lên; góp phần tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, củng cố mối quan hệ giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân; chống lại các âm mưu lợi dụng dân chủ, tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện dân chủ ở các xã, phường vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như: Công tác triển khai, tuyên truyền và thực hiện có lúc, có nơi chưa đồng bộ và còn mang tính hình thức. Một số nội dung công khai để dân biết chưa được thực hiện kịp thời. Việc lấy ý kiến tham gia của nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định có việc, có nơi còn hình thức. Hoạt động giám sát của MTTQ, các tổ chức đoàn thể và ban thanh tra nhân dân có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao…

Đoàn kiểm tra số 2 Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh kiểm tra kết quả 10 năm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại xã Đông Thọ (Thành phố Thái Bình).

Tại các buổi kiểm tra, các thành viên trong các tổ kiểm tra cũng trao đổi, thảo luận và đề nghị các địa phương giải đáp, làm rõ thêm một số vấn đề trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là thực hiện dân chủ trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục hành chính… 

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong thời gian tới, các tổ kiểm tra đề nghị các địa phương thường xuyên chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Thực hiện nghiêm túc các nội dung có trong Pháp lệnh. Hàng năm phải tiến hành rà soát, bổ sung quy chế làm việc của ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ của xã; kịp thời bổ sung các thành viên ban chỉ đạo khi thiếu, khuyết. Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của ban chỉ đạo sát với tình hình thực tế của địa phương. Thực hiện tốt chế độ kiểm tra, giám sát cũng như định kỳ tổ chức sơ, tổng kết Pháp lệnh số 34 để phát huy tốt hiệu quả thực hiện. Bên cạnh đó, cần thường xuyên củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng; trách nhiệm của người đứng đầu về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục cụ thể hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của MTTQ, các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền và giám sát việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở.

 Nhóm phóng viên