Chủ nhật, 28/04/2024, 09:10[GMT+7]

Sản xuất vụ mùa ở Kiến Xương

Thứ 3, 15/07/2014 | 08:21:03
866 lượt xem
Giữa nắng tháng 7, người gieo cấy vẫn nhộn nhịp trên khắp các xứ đồng với quyết tâm cấy hết diện tích, không để ruộng bỏ hoang. Ðến hết ngày 8/7, toàn huyện đã làm đất được 10.945ha, gieo cấy được 2.972ha; phấn đấu gieo cấy xong toàn bộ diện tích (11.280ha) trước ngày 20/7/2014.

Nông dân xã Vũ An (Kiến Xương) chăm bón lúa mùa. Ảnh: Ngọc Linh

 

Niềm vui được mùa vụ xuân vừa qua đã khích lệ, động viên nông dân Kiến Xương tiếp tục bám đồng ruộng đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ mùa theo lịch thời vụ đề ra. Giữa nắng tháng 7, người gieo cấy vẫn nhộn nhịp trên khắp các xứ đồng với quyết tâm cấy hết diện tích, không để ruộng bỏ hoang. Ðến hết ngày 8/7, toàn huyện đã làm đất được 10.945ha, gieo cấy được 2.972ha; phấn đấu gieo cấy xong toàn bộ diện tích (11.280ha) trước ngày 20/7/2014.

 

Ngay khi chuẩn bị bước vào sản xuất vụ mùa, điều mà nông dân Kiến Xương lo lắng là lúa xuân trỗ muộn hơn so với vụ xuân trước 7 - 10 ngày sẽ ảnh hưởng đến tiến độ làm đất, gieo cấy lúa mùa trà sớm, không đủ quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm. Tuy nhiên, do thời tiết cuối vụ xuân thuận lợi, lúa trỗ, chín nhanh đã tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức thu hoạch lúa nhanh, gọn và làm đất để chuẩn bị gieo cấy vụ mùa. Thực tế cho thấy, ngay từ trung tuần tháng 6 khi chúng tôi có mặt trên các cánh đồng ở xã Vũ Ninh, Vũ An, Thanh Tân, Lê Lợi... các hộ dân đã huy động nhân lực, máy móc để thu hoạch lúa xuân đến đâu làm đất luôn tới đó.

 

Bà Phạm Thị Khuy (thôn Ðô Lương, xã Vũ An) cho biết: Vụ xuân năm 2014, hộ gia đình gieo cấy 1 mẫu bằng các giống chất lượng, năng suất cao như BT7, BC15, đến hết ngày 15/6 đã thu hoạch xong, năng suất bình quân đạt 2,8 tạ/sào; sau khi thu hoạch xong lúa xuân, việc làm đất được thực hiện ngay, do đó không bị áp lực về thời vụ, vẫn bảo đảm thời gian gieo cấy trà sớm để sau thu hoạch trồng cây vụ đông ưa ấm. Chỉ trong thời gian ngắn từ trung tuần tháng 6 đến tuần đầu tháng 7, các địa phương không chỉ bảo đảm thu hoạch lúa xuân nhanh, gọn mà còn kết hợp làm đất, gieo mạ và gieo cấy lúa mùa. Hệ lụy của việc lúa xuân trỗ muộn không còn là thách thức đối với các địa phương, mà điều quan trọng là tập trung tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện gieo cấy đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống, trà lúa và kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc.

 

Nông dân xã Vũ Ninh (Kiến Xương) làm đất gieo cấy lúa mùa.

 

Theo chủ trương của huyện, các xã, thị trấn phải bố trí trà lúa mùa sớm phù hợp với việc mở rộng diện tích cây vụ đông ưa ấm, tạo khoảng cách phù hợp giữa hai trà lúa, tránh lúa trỗ bông vào tuần 1 tháng 9 (qua theo dõi nhiều năm, tuần này thường mưa nhiều). Ðồng thời bố trí cân đối, hợp lý giữa nhóm giống năng suất cao, chất lượng và không gieo cấy những giống lúa nhiễm bệnh bạc lá. Khuyến khích các hộ nông dân mở rộng diện tích gieo thẳng, áp dụng các biện pháp thâm canh cải tiến. Theo đó, bố trí gieo cấy giống lúa chất lượng cao từ 30 - 35% diện tích bằng các giống lúa Nhật, RVT, N87, N97 và một số giống mới kháng được rầy nâu, chống chịu bạc lá; giống BT7, T10 chỉ sản xuất ở vùng có trình độ thâm canh cao và áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác tổng hợp để hạn chế nhiễm bệnh bạc lá. Các giống lúa năng suất cao, chịu thâm canh gieo cấy từ 65- 70% diện tích gồm BC15, TBR1 và một số giống lúa lai kháng bạc lá để cấy ở vùng thấp trũng. Ðối với lúa mùa trà sớm gieo cấy 20% diện tích trở lên; gieo cấy lúa mùa đại trà khoảng 80% diện tích.

 

Ðể lúa sau cấy sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, năng suất cao, các hộ nông dân cần thực hiện đúng kỹ thuật: Mật độ cấy lúa thuần từ 38 - 40 khóm/m2, 2 - 3 dảnh/khóm; lúa lai và giống BC15 cấy 32 - 35 khóm/m2, 1 - 2 dảnh/khóm. Dùng phân NPK để bón lót và bón thúc cho lúa, bón lót sâu, thúc sớm, không bón đạm đơn. Trong công tác bảo vệ thực vật, Kiến Xương đã chỉ đạo các địa phương xây dựng các tổ đội diệt chuột với phương châm tăng cường đánh bắt bằng phương pháp thủ công kết hợp với các loại thuốc hóa sinh học có hiệu quả cao để bảo vệ lúa mùa. Ðồng thời tăng cường công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo sớm các đối tượng sâu bệnh gây hại lúa mùa để phòng trừ kịp thời.

 

Hiện nay, Kiến Xương đang chỉ đạo quyết liệt về cơ cấu giống, lịch thời vụ, quy trình canh tác, vùng sản xuất hàng hóa, công tác thủy nông, bảo vệ thực vật; chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở ngay từ đầu vụ.

Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa