Chủ nhật, 28/04/2024, 12:40[GMT+7]

Sản xuất vụ mùa năm 2014 Giành thế chủ động ngay từ đầu vụ

Thứ 4, 16/07/2014 | 08:52:46
941 lượt xem
Ðể bảo đảm gieo cấy lúa mùa nhanh, gọn, kết thúc sớm, các địa phương cần tiếp tục huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tăng cường cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp phối hợp với cơ sở chỉ đạo quyết liệt về lịch thời vụ, cơ cấu giống, quy trình canh tác, vùng sản xuất hàng hóa, công tác thủy nông, bảo vệ thực vật để giành thế chủ động ngay từ đầu vụ.

Nông dân xã Ðông Xuân (Ðông Hưng) làm đất gieo cấy lúa mùa. Ảnh: Ngọc Trâm

 

Ngay khi chuẩn bị bước vào sản xuất vụ mùa năm 2014, các cấp, ngành, địa phương đã xác định sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức về lịch thời vụ, nguyên nhân do lúa xuân được dự báo trỗ muộn hơn so với mọi năm từ 7 - 10 ngày. Song với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và bà con nông dân, cùng với các giải pháp được áp dụng đồng bộ nên vụ mùa đã giành lại thế chủ động ngay từ đầu vụ. Ðến ngày 13/7, toàn tỉnh đã gieo cấy được gần 70.000 ha, trong đó gieo thẳng đạt trên 15.000 ha; một số địa phương cơ bản gieo cấy xong và đạt trên 85% diện tích như Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư. Với điều kiện thời tiết thuận lợi như hiện nay và thực trạng tiến độ gieo cấy của các địa phương, dự kiến toàn tỉnh cơ bản hoàn thành gieo cấy vụ mùa trước ngày 20/7/2014.

 

Trước đó, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, vụ xuân năm 2014 bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại kéo dài nên lúa xuân trỗ muộn hơn so với vụ xuân trước từ 7 - 10 ngày, ảnh hưởng đến tiến độ làm đất, gieo cấy lúa mùa trà sớm. Tuy nhiên, thời tiết cuối vụ xuân diễn ra khá thuận lợi nên lúa trỗ, chín nhanh, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức thu hoạch và làm đất, gieo cấy lúa mùa. Thực tế cho thấy, ngay từ tuần đầu tháng 6 một số huyện đã tổ chức thu hoạch lúa xuân đại trà, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh rủi ro về mưa, bão; đến ngày 20/6 các địa phương đã cơ bản thu hoạch xong lúa xuân. Ngay trong thời gian thu hoạch lúa xuân, các địa phương đã huy động tối đa nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ làm đất theo phương châm gặt đến đâu làm đất luôn tới đó. Trong quá trình làm đất, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân làm đất kỹ, tăng cường bón vôi bột, phân hữu cơ vi sinh để tăng cường khả năng phân hủy rơm rạ.

Nông dân xã Minh Châu (Ðông Hưng) tỉa dặm, chăm sóc lúa vụ mùa năm 2014. Ảnh: Ngọc Linh

 

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của các cấp, ngành, địa phương nên vụ mùa đang diễn ra khá nhanh, đáp ứng được yêu cầu về lịch thời vụ đề ra. Ðặc biệt, việc gieo cấy lúa mùa được đẩy nhanh về tiến độ còn do các địa phương đã áp dụng rộng rãi phương thức gieo thẳng; đến ngày 13/7, toàn tỉnh gieo thẳng đạt trên 15.000 ha, tăng gần 5.000 ha so với cùng kỳ vụ mùa trước. Diện tích gieo thẳng ở các địa phương ngày càng tăng không chỉ giải quyết được khâu thời vụ mà còn giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác nên được nông dân ứng dụng rộng rãi.

 

Thực tế cho thấy, hiện nay lao động ở nông thôn yếu và thiếu do lao động trẻ khỏe đi làm ăn xa, làm trong các nhà máy, xí nghiệp... nên khó có thể đáp ứng được yêu cầu gấp gáp của thời vụ. Chính vì vậy, trong những năm qua ngành Nông nghiệp đã nghiên cứu, đưa ra nhiều ứng dụng về kỹ thuật thâm canh nhằm nâng cao năng suất cây trồng và giảm thiểu lao động nhưng vẫn bảo đảm được lịch thời vụ. Ðiển hình trong các phương thức gieo cấy đó là gieo thẳng. Trước đây, gieo thẳng còn khá mới lạ đối với nông dân Thái Bình song nhờ có chính sách hỗ trợ nông dân mua công cụ sạ hàng, thuốc trừ cỏ của tỉnh; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền về những ưu điểm vượt trội so với lúa cấy và sự đòi hỏi từ thực tế đặt ra nên gieo thẳng năm sau đều tăng so với năm trước. Theo tính toán của các hộ nông dân, gieo lúa thẳng đã giảm trên 80% chi phí đầu tư so với cấy truyền thống như giảm lượng giống, công làm đất gieo mạ, công cấy. Ðồng thời gieo lúa thẳng còn tăng năng suất từ 10 - 15% so với cấy truyền thống.

 

Bà Phạm Thị Kim Hoàn, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ðể giành thế chủ động trong sản xuất vụ mùa, ngoài việc huy động tối đa nhân lực, máy móc để gieo cấy, các địa phương cần rà soát lại diện tích mạ để cân đối ngâm ủ mạ gieo cấy hết diện tích và mạ dự phòng. Sau gieo cấy 5 - 7 ngày, lúa bắt đầu bén rễ hồi xanh phải tiến hành chăm sóc như giữ nước nông mặt ruộng, bón thúc bằng phân tổng hợp NPK chuyên thúc; khi lúa đẻ kín đất bón 3 - 3,5 kg kali. Ngoài ra, đối với những ruộng chưa được làm đất kỹ, khi thời tiết nắng nóng lúa hay có hiện tượng ngộ độc hữu cơ như lá, rễ vàng, lúa không phát triển, bà con nông dân cần rắc vôi bột, sục bùn, để lắng mặt ruộng 2 - 3 ngày, sau đó thay nước và bón bổ sung lân supe kết hợp với phun các chất hỗ trợ sinh trưởng như PennacP, ET. Ngoài ra, các trạm bảo vệ thực vật cần phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa mùa đã cấy để phát hiện kịp thời dịch hại như ốc bươu vàng, bệnh lùn sọc đen, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời.

 

Theo kế hoạch, vụ mùa năm 2014 toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 81.300 ha, năng suất đạt 62 tạ/ha trở lên; trà lúa mùa sớm gieo cấy từ 25.000 - 30.000 ha, trà mùa trung từ 52.000 - 55.000 ha; thời vụ gieo cấy kết thúc trước ngày 25/7/2014. Ðể bảo đảm gieo cấy lúa mùa nhanh, gọn, kết thúc sớm, các địa phương cần tiếp tục huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tăng cường cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp phối hợp với cơ sở chỉ đạo quyết liệt về lịch thời vụ, cơ cấu giống, quy trình canh tác, vùng sản xuất hàng hóa, công tác thủy nông, bảo vệ thực vật để giành thế chủ động ngay từ đầu vụ.

  Nguyên Bình

 

  • Từ khóa