Thứ 7, 27/04/2024, 23:51[GMT+7]

Dấu ấn trong sản xuất nông nghiệp

Thứ 5, 24/07/2014 | 09:17:49
847 lượt xem
Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2014, mặc dù chịu nhiều áp lực nặng nề nhưng ngành Nông nghiệp đã tham mưu với tỉnh các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đúng, trúng, kịp thời góp phần để sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm tạo được nhiều dấu ấn...

Xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

 

Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2014, ngành Nông nghiệp chịu áp lực nặng nề khi lúa xuân gặp rét đậm, rét hại làm 10.746 ha lúa, mạ bị ảnh hưởng; chăn nuôi đứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất cao; nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhất là giá ngao xuống thấp, đầu ra bấp bênh. Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp đã tham mưu đúng, trúng, kịp thời trong công tác chỉ đạo cộng với sự vào cuộc sâu sát, quyết liệt của các cấp, ngành nên sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm đã tạo được dấu ấn quan trọng trên nhiều lĩnh vực.         

 

Thách thức trên hai lĩnh vực mũi nhọn

 

Ngay từ đầu vụ xuân, các cấp, ngành và bà con nông dân đã đối mặt với thách thức khi trải qua hai đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm 10.746 ha lúa mới cấy bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó 3.457 ha phải gieo cấy lại hoàn toàn. Còn nhớ, trong những ngày trung tuần tháng 2, nhiệt độ xuống dưới 130C, mưa phùn kéo dài, dưới cái rét thấu da, thấu thịt người nông dân vẫn phải gồng mình ra đồng gieo cấy lại. Ðối với các cấp, ngành, nhất là những đơn vị trực tiếp chỉ đạo sản xuất đã phải cân nhắc thận trọng các giải pháp đưa ra, có những địa phương đã đưa ra quyết định mạnh bạo như: Những diện tích lúa có biểu hiện chết, chỉ còn lại ít dảnh, song không chỉ đạo nhổ đi cấy lại, mà chỉ tỉa dặm và vơ lá lúa đã thối đen, tiến hành chăm sóc. Kết quả, những giải pháp khắc phục lúa xuân đã đúng được nông dân đánh giá cao. Song, việc hoàn thành gieo cấy lúa xuân cũng mới chỉ vượt qua được khó khăn bước đầu. Bởi, do phải gieo cấy lại lúa xuân nên thời vụ đã chậm hơn so với kế hoạch 10 ngày, đồng thời sau gieo cấy thời tiết vẫn âm u, mưa nhiều, độ ẩm cao, nền nhiệt thấp nên lúa sinh trưởng, phát triển chậm.

 

Nông dân xã Hồng An (Hưng Hà) thu hoạch lúa vụ xuân.

 

Bài toán đặt ra cho ngành Nông nghiệp và các địa phương phải làm cho lúa rút ngắn thời gian sinh trưởng để sau thu hoạch gieo cấy lúa mùa trà sớm, nhưng vẫn bảo đảm cho lúa xuân đạt năng suất cao. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh đứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, nhất là vi rút cúm A/H5N1 và H7N9. Thực tế cho thấy, trong những tháng đầu năm dịch cúm gia cầm H5N1 đã xảy ra tại nhiều tỉnh trong cả nước, trong đó có các tỉnh lân cận với Thái Bình nên việc ứng phó gặp nhiều khó khăn, thách thức.

 

Ðặc biệt, Chi cục Thú y đã lấy mẫu gia cầm ở một số địa phương đưa đi xét nghiệm, kết quả có nhiều mẫu gia cầm dương tính với vi rút cúm H5N1. Sự lưu hành vi rút H5N1 trên đàn gia cầm ở một số địa phương trong tỉnh đã làm tăng thêm mối lo ngại cho các cấp, ngành và người chăn nuôi, vì dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu không được phòng chống tốt. Như vậy, hai lĩnh vực mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp đều gặp khó khăn, thách thức ngay từ đầu năm; luôn ở trong tình thế làm giảm giá trị sản xuất, khó bảo đảm tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành.

 

Chủ động để giành thắng lợi

 

Mặc dù lúa xuân gặp nhiều khó khăn, thách thức gần như suốt vụ, song với sự chủ động của ngành Nông nghiệp trong việc tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục lúa xuân chết, sinh trưởng chậm và phòng chống sâu bệnh nên vụ xuân đã giành thắng lợi toàn diện. Tổng diện tích gieo cấy đạt 80.523 ha, tăng 57 ha; lúa gieo thẳng chiếm 35,68% so với tổng diện tích gieo cấy, tăng 30,88% so với vụ xuân năm 2013. Những ngày đầu tháng 6, đi thăm các cánh đồng ở các địa phương trong tỉnh ai cũng tấm tắc khen lúa tốt, bông to, mẩy, nông dân được mùa lớn.

 

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, năng suất lúa vụ xuân bình quân đạt 72,51 tạ/ha, trong đó một số giống cho năng suất vượt trội như BC15 đạt 76,67 tạ/ha, TBR1 đạt 75,25 tạ/ha, các giống lúa lai đạt 76,36 tạ/ha. Không chỉ có lúa xuân gieo cấy tăng diện tích, được mùa, cây màu vụ xuân cũng được mở rộng tối đa diện tích, đạt 13.317ha, tăng 795ha; cây màu hè đạt 8.430ha, tăng 508 ha so với năm trước. Tổng giá trị sản xuất trồng trọt 6 tháng đầu năm ước đạt 6.876,5 tỷ đồng, tăng 6,46% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Trên lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã chỉ đạo kịp thời các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và hỗ trợ các địa phương hàng chục tấn hóa chất để tiêu độc khử trùng chuồng trại, quanh khu vực chăn nuôi và các vùng có nguy cơ bùng phát dịch cao. Các đơn vị chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động thành lập các đội kiểm dịch lưu động và các chốt kiểm dịch tại các bến đò ngang, đầu mối giao thông ra vào các địa phương có vi rút cúm H5N1 đang lưu hành trên đàn gia cầm. Do chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nên chăn nuôi vẫn phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn. Tính đến ngày 1/4/2014, tổng đàn gia cầm trong tỉnh đạt 10,81 triệu con; đàn lợn có 1.014,6 nghìn con; đàn trâu, bò 49.947 con. Tổng giá trị sản xuất chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm ước đạt 3.798,6 tỷ đồng, tăng 2,46% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Ðể sản xuất nông nghiệp tiếp tục giành thắng lợi sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,0% trong năm 2014, hiện nay các địa phương đang tập trung chỉ đạo sản xuất vụ mùa, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Theo đó, vụ mùa phấn đấu năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 62 tạ/ha trở lên; diện tích cây vụ đông đạt 38.000ha trở lên. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm dịch động vật; tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ thu, đông. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn; đẩy nhanh tái đàn gia súc, gia cầm. Tiếp tục hỗ trợ ngư dân phát triển phương tiện khai thác hải sản xa bờ và đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Nguyên Bình

 

  • Từ khóa