Thứ 6, 26/04/2024, 22:11[GMT+7]

Nông dân Trà Giang làm giàu từ cây chanh

Thứ 2, 24/04/2017 | 14:28:19
5,576 lượt xem
Có rất nhiều cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, song nông dân xã Trà Giang (Kiến Xương) lại chọn cây chanh để làm giàu. Thực tế, sau 3 năm triển khai mô hình này, nhiều nông dân xã Trà Giang có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Vườn chanh của gia đình anh Hoàng cho thu hoạch quanh năm.

Anh Trần Văn Hoàng, thôn Trực Tầm là hộ đầu tiên ở xã Trà Giang đưa cây chanh vào trồng thay thế cho cây hòe từ năm 2014. Vào thời điểm đó, cây hòe còn cho giá trị kinh tế cao, nhiều người dân địa phương cho rằng phá hòe, trồng chanh của anh Hoàng là việc làm dại dột. 

Anh Hoàng chia sẻ: Gia trại có tổng diện tích hơn 2 mẫu, trong đó có 7 sào vườn, còn lại là ao. Thấy cây hòe cho thu nhập tốt nhưng giá bán không ổn định nên anh trăn trở đi tìm cây thay thế. Tình cờ anh biết đến cây chanh tứ thời khi đi tham quan mô hình gia trại ở Tuyên Quang và anh quyết định đưa về trồng thử nghiệm 70 cây. Thấy cây chanh hợp với chất đất phù sa bãi bồi ở gia trại và phát triển tốt, chỉ sau 1 năm đã bắt đầu ra quả, cho thu hoạch. Sang năm thứ hai, một cây to có thể cho thu 1 tạ quả/năm, cây nhỏ cũng được 60 - 70kg/năm; với 70 cây chanh, bán với giá bình quân 20.000 đồng/kg, anh Hoàng thu về hơn 60 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao, anh Hoàng học cách chiết và nhân giống để mở rộng diện tích và bán giống cho bà con trong thôn, trong xã. 

Hiện nay, vườn chanh của anh Hoàng có gần 200 cây, ngoài thu nhập từ bán chanh quả, gia đình anh còn bán cây giống mỗi năm từ 300 - 500 cây với giá mỗi cây giống 25.000 - 30.000 đồng anh có thêm khoản thu nhập gần 15 triệu đồng.

Nông dân có thể tự chiết nhân giống chanh.

Từ mô hình thực tiễn của anh Hoàng, đến nay xã Trà Giang có hơn 100 hộ chủ động phá bỏ vườn tạp, trồng chanh tứ thời để làm giàu. Theo nhiều bà con cho biết, cây chanh tứ thời ra hoa và quả quanh năm, quả to, nhiều nước, hương thơm nên được người tiêu dùng ưa chuộng, dễ bán và giá bán cao hơn so với chanh truyền thống. Đây là giống chanh được Học viện Nông nghiệp Hà Nội nghiên cứu, lai tạo đã được ứng dụng trồng ở nhiều nơi trong cả nước. Việc trồng chanh không tốn nhiều công chăm sóc và chiếm ít diện tích nên cho hiệu quả kinh tế cao, nông dân ở vùng nào cũng có thể trồng được. Ngoài ra, chanh tứ thời còn có một ưu điểm nữa là ít bị bệnh vàng lá, xì mủ, ít bị sâu cuốn lá nên không tốn chi phí thuốc bảo vệ thực vật và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Giang cho biết: Với điều kiện diện tích đất đai lớn, nhất là có hơn 100ha đất bãi bồi ven sông Trà Lý, Trà Giang có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp. Song, nhiều năm qua, việc tìm cây gì, con gì cho nông dân sản xuất, làm giàu luôn là câu hỏi khó cho Hội Nông dân xã. Nay cây chanh tứ thời thực sự có giá trị thu nhập cao cho nông dân, Hội đã chủ động tuyên truyền, vận động hội viên quy hoạch lại vườn, mạnh dạn phá bỏ cây kém hiệu quả để trồng chanh. Bước đầu, đã có nhiều hội viên triển khai trồng với tổng số trên 2.000 cây tập trung ở các thôn: Trực Tầm và Năng Nhượng. Để có nguồn giống tốt, ngoài vận động bà con tự chiết, Hội Nông dân xã liên hệ với Trung tâm Giống cây Học viện Nông nghiệp Hà Nội mua cây giống hỗ trợ cho hội viên nhân rộng mô hình. Cùng với đó, Hội cũng đứng ra tín chấp với ngân hàng giúp nông dân có vốn đầu tư và tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con sản xuất có hiệu quả để giảm nghèo, làm giàu bền vững.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày