Thứ 7, 27/04/2024, 09:32[GMT+7]

Thái Thụy phòng, chống bệnh đốm trắng cho tôm

Thứ 4, 24/05/2017 | 09:09:14
1,115 lượt xem
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi, huyện Thái Thụy đang tích cực chỉ đạo các xã có diện tích nuôi tôm khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở tôm nuôi vụ xuân hè năm 2017.

Hộ nuôi tôm ở Thái Thụy rắc vôi bột để xử lý nước ao nuôi.

Vụ xuân hè năm 2017, xã Thụy Xuân có gần 49ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản, trong đó 8ha nuôi tôm sú và thẻ chân trắng. 

Theo ông Nguyễn Trọng Chính, Giám đốc HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Minh Hải: Ngày 17/4, sau 15 - 20 ngày thả giống, tại một số hộ trên địa bàn xã Thụy Xuân có hiện tượng tôm chết. Đến cuối tháng 4, toàn xã có 8 hộ nuôi với tổng gần 2 triệu con tôm giống bị chết. Trước tình hình đó, HTX đã báo cáo UBND xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện có biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện xuống các hộ có tôm nuôi bị chết lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân tôm chết là do bệnh đốm trắng. Song song đó, HTX đã thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh về tình hình dịch bệnh; cấp gần 2,5 tạ hóa chất Chlorine tỉnh hỗ trợ cho các hộ có tôm bị bệnh xử lý nước trong ao nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trước khi xả nước ra môi trường. Tính đến nay, trên địa bàn xã chưa xuất hiện thêm ao nuôi bị tôm chết do dịch bệnh đốm trắng gây ra.

Theo ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Từ ngày 17/4 đến nay tại 19 hộ nuôi ở 2 xã Thái Đô, Thụy Xuân với diện tích hơn 5,6ha, số lượng tôm giống chết là 3,5 triệu con. Nguyên nhân được xác định do bệnh vi rút đốm trắng gây ra. Những ngày gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ ngày đêm chênh lệnh kèm theo mưa rào làm cho điều kiện môi trường ao nuôi biến đổi khiến tôm yếu dần, sức đề kháng giảm, là điều kiện cho bệnh vi rút đốm trắng phát sinh. Bên cạnh đó, việc cải tạo ao đầm nuôi, xử lý nguồn nước và diệt tạp trước khi nuôi của một số hộ nuôi tôm chưa bảo đảm quy trình kỹ thuật, trong đó tôm rảo, cua còng vẫn còn ở trong ao nuôi là nguyên nhân mang mầm bệnh đốm trắng lây lan cho tôm nuôi…

Để khống chế dịch bệnh đốm trắng phát triển, lây lan trên diện rộng, UBND huyện Thái Thụy đã chỉ đạo UBND xã, HTX nuôi trồng thủy sản tại các địa phương có diện tích tôm nuôi bị bệnh thực hiện khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để mầm bệnh trong các ao đầm có tôm chết và đã được cơ quan chuyên môn kiểm tra; tổ chức thu gom tôm chết và không vứt xác bừa bãi, không xả nước của ao nuôi có tôm chết ra kênh mương làm ảnh hưởng đến môi trường. Đối với các hộ có tôm chết cần xử lý triệt để mầm bệnh trong ao bằng hóa chất Chlorine nồng độ 3kg/100m3 nước, giữ nguyên mực nước trong ao nuôi đã xử lý từ 7 - 10 ngày mới xả ra môi trường chung. UBND xã xử lý nghiêm những hộ nuôi cố tình vi phạm làm phát tán, lây lan dịch bệnh. Những diện tích chưa có hiện tượng tôm chết, trong thời gian dịch bệnh các hộ nuôi cần hạn chế lấy nước vào ao, chỉ lấy nước vào ao nuôi khi đã qua xử lý sau 5 ngày bằng hóa chất và kiểm tra các yếu tố môi trường theo quy định; định kỳ 7 - 10 ngày/lần sử dụng vôi bột, BKC, viên sủi Vicato hoặc các chế phẩm sinh học để xử lý nhằm ổn định môi trường ao nuôi; vào những ngày mưa rào nên rắc vôi bột xung quanh ao nuôi… Các phòng, ban chức năng  của huyện tăng cường tổ chức giám sát việc phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật chăm sóc, xử lý dịch bệnh…

Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày