Chủ nhật, 28/04/2024, 21:14[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 2)

Thứ 2, 17/04/2017 | 08:59:09
1,934 lượt xem
Với chiến thuật tạo ảnh hưởng từ đội quân cố vấn Mỹ để đội quân này bám rễ sâu chặt trong lòng quân đội Sài Gòn. Người Mỹ đã mở nhiều lớp huấn luyện cho đội quân cố vấn không chỉ thành thục về chiến thuật quân sự, hành động như thế nào, phải làm gì khi tiếp cận quân lực Việt Nam cộng hòa.

Chiến thuật trực thăng vận lần đầu tiên được Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Ảnh tư liệu.

Kỳ 2: Những trận đầu đánh Mỹ

Họ cố dựng lên hình tượng người cố vấn quân sự tạo ra sự ngưỡng mộ dẫu chỉ là ảo ảnh. Khi đội quân này không đạt tới thần tượng về uy tín quân sự, họ sẽ áp dụng theo sự bắt buộc của chế độ quan thầy, nhất nhất quân đội Sài Gòn phải tuân thủ.
Khi bước vào cuộc chiến tranh đặc biệt, thế và lực của quân giải phóng chưa nhiều, nhưng ý chí chiến đấu và tinh thần quyết tử đã khiến cho đối phương phải chùn bước.
Kinh nghiệm đối phó với chiến thuật trực thăng vận, chiến xa vận được tích lũy. Điều này đã tạo ra thắng lợi cho trận Ấp Bắc. Quân đội Việt Nam cộng hòa trở nên yếu thế, bắt buộc phải lui về thế thủ gần các thành phố.
Trong các năm từ 1963 quân giải phóng miền Nam thắng thế tấn công mở rộng trên toàn chiến trường, đánh bại các chiến đoàn thiết giáp cơ động và các đơn vị dự bị chiến lược của quân đội Việt Nam cộng hòa.
Chiến thuật dùng đội quân cố vấn của người Mỹ không còn hiệu quả. Xe tăng Mỹ, thiết giáp Mỹ, cố vấn cuối cùng theo một nhà chuyên gia quân sự Mỹ cho biết: Ông Kawyles chuyên gia quân sự Mỹ nói: Ban đầu khi mở ra chiến tranh đặc biệt người Mỹ rất hy vọng, ba lực lượng này cùng với quân lực Việt Nam cộng hòa, họ sẽ áp đảo đối phương hoặc đẩy Việt cộng và quân giải phóng vào con đường không lối thoát nhưng thực chất chính người Mỹ lại rơi vào hoàn cảnh không lối thoát. Xe tăng vận, trực thăng vận, cố vấn Mỹ hóa ra lại trở thành bia đỡ đạn thay cho quân lực Việt Nam cộng hòa. Cái đau của người Mỹ trong chiến lược chiến tranh đặc biệt là như thế. Họ cứ tưởng vũ khí tối tân, bộ óc cố vấn và đội quân Việt Nam cộng hòa sẽ vô địch. Họ đã lầm. Cái lầm của chiến tranh là cái lầm chết người. Chết người cả hai phía thật vô ích.
Các cựu binh vào thăm miền Đông Nam Bộ, nơi họ từng chiến đấu năm xưa. Lính miền Đông gian lao và anh dũng. Hình ảnh ngày đó bất chợt lại hiện lên trong ký ức không thể nào quên.
Thời kỳ người Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh đặc biệt với tư cách cố vấn trực tiếp chỉ huy trận đánh, dưới sự yểm trợ của các phương tiện vũ khí tối tân, hiện đại, có cả chiến xa vận, trực thăng vận. Nhưng họ đâu có ngờ khi giáp mặt đối phương, kẻ chiến bại lại chính là phía người Mỹ có sức mạnh.
Chiến thắng Vạn Tường đã tạo đà cho quân giải phóng tiến lên đánh trận Ấp Bắc lịch sử. Trong cuộc chiến này, người Mỹ vẫn ảo tưởng vào sức mạnh, hỏa lực từ các phương tiện chiến tranh mà họ đã sử dụng. Nhưng cũng như Vạn Tường, quân dân Ấp Bắc đã mưu trí, dũng cảm bẻ gãy 5 đợt tấn công, loại khỏi vòng chiến đấu: 450 tên địch, bắn cháy nhiều xe quân sự và trực thăng vận của Mỹ.
Đây là khu di tích Ấp Bắc thuộc tỉnh Tiền Giang, nơi còn lưu giữ khá nhiều hiện vật chiến lợi phẩm quân ta thu được. Tượng đài chiến thắng, biểu tượng thiêng liêng mãi mãi ghi dấu một thời lịch sử.
Tôi hiểu những ai phải trả giá cho cuộc chiến sau đó như thế nào. Người Mỹ đầu tiên có mặt hoặc có thể ai đó trước tôi ở Việt Nam, tôi không rõ. Họ đã tham dự những trận đánh đầu tiên mang tính thử nghiệm, thăm dò, thử nghiệm cách giết người thật man rợ. Chiến thuật chiến xa vận không làm cho đối phương lùi bước mà ngược lại. Tổn thất cả hai bên không nhỏ. Cái giá phải trả như thế đấy. Những mạng sống người Việt, người Mỹ, vật dụng chiến tranh nữa, những mất mát thật vô ích.
Câu chuyện 3 người chiến sĩ cảm tử của Tiểu đoàn 261 đánh trận Ấp Bắc sẽ còn mãi mãi lưu truyền. Đó là Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch, Trần Văn Hùng. Các anh sinh ra trên quê hương Đồng Tháp, Bến Tre, Long An. Trong thời khắc quyết định của trận đánh, các anh đã dấn thân tiêu diệt chiếc xe bọc thép 113 và bám trụ đến phút cuối cùng.

Tượng đài Ba chiến sĩ gang thép ở Ấp Bắc.

Bị thương nhiều lần, vẫn không rời trận địa. Nhân dân gọi các anh là 3 người gang thép. Trong vòng lửa đạn dày đặc, các anh vẫn dũng cảm xông lên và đã dâng hiến cả cuộc đời trai trẻ của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.Biểu tượng chiếc chiến xa vận bị bắn cháy trên cánh đồng Ấp Bắc năm xưa, một kết cục thảm bại của người Mỹ trong chiến thuật trực thăng vận, chiến xa vận.
Những trận đầu quân dân miền Nam đánh thắng Mỹ ở Núi Thành, ở Vạn Tường và Ấp Bắc tạo niềm tin rất lớn cho mặt trận Đông Nam Bộ bước vào trận đánh mới.
Ngược thời gian 50 năm trước, tháng 12/1964 Trung đoàn 761 và Trung đoàn 762 cùng bộ đội, du kích địa phương mở chiến dịch đánh Bình Giã. Tại đây ngoài lực lượng lớn quân ngụy, người Mỹ tiếp tục sử dụng chiến thuật trực thăng vận, chiến xa vận nhằm áp đảo và tiêu diệt lực lượng quân giải phóng.
Quân chủ lực của ta và bộ đội địa phương liên tiếp tổ chức tấn công vào các mục tiêu chính, tiêu diệt lực lượng địch phản công trên quốc lộ 2, đoạn từ Bình Giã đến thị xã Bà Rịa.
Kế hoạch Tay Lor trong chiến tranh đặc biệt đã bị đánh bại. Chỉ tính trong hai năm 1963 - 1964 ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 30.000 tên địch, bắn cháy hàng trăm xe bọc thép và máy bay trực thăng của Mỹ.
Chúng tôi có dịp gặp Đại tướng Lê Văn Dũng, ông là một trong những người trực tiếp tham gia chiến dịch Bình Giã.
Đây là chiến dịch đánh lớn, ta huy động tới gần 7.000 quân. Trận đánh kéo dài, khốc liệt. Quân địch thương vong, chết trận ngày càng nhiều. Lực lượng ta đẩy quân địch vào tình trạng thất thủ. Chiến xa vận không còn đủ sức mạnh cản phá đối phương. Trực thăng vận  phải hạ cánh cướp phế binh, tháo chạy.
Ông Randy cựu binh Mỹ, nhiều năm có mặt ở chiến trường miền Đông và khu 5 với vai trò là phóng viên mặt trận. Những bức ảnh, những thước phim ông quay được trong cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam là những ký ức còn nguyên vẹn.
Tôi đã ghi được những hình ảnh cuộc chiến tranh nơi đơn vị tôi đồn trú, thật khủng khiếp, những trận đánh bom, những xác chết cả hai phía, người Mỹ, người Việt, chết rất nhiều. Người Mỹ chúng tôi có xe bọc thép, có phi pháo mạnh, vẫn không tránh được cái chết. Ngày đó còn rất trẻ tôi cũng sợ chết. Nhưng chiến tranh đã không trừ một ai.
Cựu binh Randy cũng thừa nhận rằng sức mạnh của cuộc chiến không phải là phương tiện mà là con người và tinh thần của họ.
Bài học từ Vạn Tường, Ấp Bắc đến chiến thắng Bình Giã rõ ràng sức mạnh chiến xa vận, trực thăng vận đã bị chính con người đánh bại.
Ông Lenay Mas cựu binh Mỹ nói: Khi đó người Mỹ không lường hết cái gì sẽ xảy ra. Đó là điều thật khó hiểu. Chúng tôi có trong tay những thứ mà quân giải phóng, quân Việt cộng không có. Từ trên đánh xuống là đội quân trực thăng vận cùng với các xạ thủ tinh nhuệ của đội quân viễn Chinh. Dưới đất những khối thép di động mà Cộng sản gọi là xe bọc thép, có gắn phi pháo cực mạnh. Theo sau là một quân đội bản địa, quân Việt Nam cộng hòa, cầm đầu do cố vấn Mỹ. Buộc quân Việt Nam cộng hòa nhất nhất phải hành động theo cố vấn. Có ai không dám tin là Mỹ thắng mà thực tế lại bại trận. Bạn biết vì sao không? Cộng quân rất lì lợm. Họ không tấn công trực diện mà họ bám chặt đội quân cố vấn. Quân các ông bảo bám thắt lưng Mỹ mà đánh. Bám sát xe bọc thép mà bắn. Đánh thế thì họ thắng là chắc.
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hôm nay còn rút ra bài học “Trận tuyến từ trong lòng dân. Nhờ có sự góp công, góp sức, góp cả xương máu của nhân dân địa phương, Bình Giã mới có được chiến công như thế”.
Từ bài học đó, thế hệ trẻ hôm nay đang tiếp bước cha ông, viết thêm những trang sử mới, xứng đáng với mảnh đất đã một thời làm nên lịch sử.
Một thời quân dân đoàn kết, đồng lòng sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng quê hương. Một thời tinh thần yêu nước không ai suy tính. Được ra trận chiến đấu, được chết cho đất nước, cho nhân dân là cái chết bất tử. Cả dân tộc Việt Nam ngày đó hầu hết đều hành động như thế.

(Còn nữa)

Ký sự của nhà văn Minh Chuyên