Thứ 7, 27/04/2024, 02:09[GMT+7]

Nước sạch về quê (kỳ 1)

Thứ 6, 04/08/2017 | 08:14:52
2,023 lượt xem
Thời gian qua, cùng với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã chủ trương đưa nước sạch về quê bằng con đường xã hội hóa khi xây dựng các nhà máy nước ở huyện, ở xã. Khi ý Đảng hợp với lòng dân thì chuyện dân “khát” nước sạch cứ giảm dần, đồng thời chấm dứt tình trạng lãng phí các công trình cấp nước sạch trước đây.

Nhà máy nước sạch do Công ty Cổ phần Phát triển Thủy Long xây dựng tại xã Vũ Quý (Kiến Xương).

Kỳ 1: Những lãng phí khi xây dựng các công trình nước sạch

Thái Bình là tỉnh ven biển, dân số hơn 1,8 triệu người, địa giới hành chính chia thành 7 huyện, 1 thành phố với 10 phường, 9 thị trấn và 267 xã. Trước năm 1998, trên địa bàn tỉnh chỉ có 8 công trình cấp nước sạch với tổng công suất 2.400m3/ngày đêm, thực hiện cung cấp nước sạch cho khoảng 16.000 nhân khẩu. Mục tiêu để 100% người dân được sử dụng nước sạch luôn là băn khoăn, trăn trở của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Nước sạch về làng 

Trước năm 2011, Thụy Quỳnh là một trong những xã thiếu nước sạch sinh hoạt vào diện trầm trọng của huyện Thái Thụy. Không có nước sạch, người dân địa phương phải sử dụng nước giếng khoan, giếng đào, nước mưa để sinh hoạt và ăn uống. Vì vậy, vào những tháng mùa khô, nhiều hộ trên địa bàn xã thiếu nước sinh hoạt, phải mua nước bình với chi phí cao để sử dụng ăn uống. 

Đặc biệt, do nguồn nước ngầm tại địa phương bị nhiễm mặn nặng, dù người dân đã xử lý bằng hệ thống lọc nhưng nước vẫn còn tồn dư nhiều hàm lượng sắt khiến các thiết bị vệ sinh nhanh hoen rỉ, hỏng hóc, dùng để tắm giặt thường xuyên cũng không bảo đảm cho sức khỏe. 

Cùng với Thụy Quỳnh, nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh đặc biệt là ở khu vực nông thôn, tình trạng người dân phải sử dụng nước giếng khoan, nước không hợp vệ sinh để sinh hoạt hàng ngày đã trở nên phổ biến.

Trước khi có nước sạch, nhiều gia đình ở các vùng nông thôn đã phải sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt và ăn uống

Trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định và các văn bản chỉ đạo làm căn cứ triển khai thực hiện việc cấp nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn. Bằng nhiều nguồn vốn như: vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn khác…, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện để mạng lưới nước sạch sớm phủ kín các thôn làng.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, mục tiêu đến năm 2020, Thái Bình sẽ phủ kín mạng lưới nước sạch đến tận khu vực nông thôn. Trong ảnh: Nông thôn xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình).


Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới đã có 20 công trình được xây dựng; trong đó 7 công trình có quy mô 1 xã, 4 công trình có quy mô 2 xã và 9 công trình có quy mô từ 3 - 5 xã; tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 461 tỷ đồng, công suất thiết kế khoảng 28.760m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho gần 77.000 hộ. Sau khi hoàn thành, đối với các công trình xây dựng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh giao cho cấp xã; đối với công trình xây dựng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn Thái Bình quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng.

Còn nhiều lãng phí khi xây dựng các công trình nước sạch

Các công trình nước sạch được đưa vào hoạt động đã đáp ứng niềm khao khát nước sạch, nước hợp vệ sinh cho bà con, cho trường học và trạm y tế… Vốn đầu tư là không nhỏ nhưng chỉ sau một thời gian đưa vào vận hành và sử dụng, các công trình đã bộc lộ nhiều hạn chế, từ đó dẫn đến tình trạng bỏ không và phải ngừng hoạt động. 

Trạm cấp nước xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng là một ví dụ. Ông Lê Văn Đông (thôn Thái Hòa 2, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng) bức xúc chia sẻ: Nhà tôi ở cuối đường ống nên hầu như nước không chảy về đến gia đình, nếu có chảy được thì cũng rất ít. Chính vì thế mặc dù đã được lắp đặt đường ống đến tận cổng và đồng hồ đo nước nhưng gia đình tôi vẫn không có nước để sử dụng, mọi sinh hoạt trong gia đình đều phải dùng bằng nước giếng khoan và nước mưa.

 

Trạm cấp nước xã Đông Hoàng (Đông Hưng) đã ngừng hoạt động được gần 10 năm.

Cùng với Trạm cấp nước xã Đông Hoàng, trên địa bàn tỉnh còn có 18 công trình nước sạch khác cũng ngừng hoạt động, trong đó 13 công trình được đầu tư bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và 5 công trình được đầu tư bằng nguồn vốn khác như doanh nghiệp tự đầu tư, vốn của Bộ Khoa học và Công nghệ, vốn của Bộ Xây dựng… Tổng công suất thiết kế của các công trình 4.800 m3/ngày đêm, tổng số hộ dân được cấp nước 12.595 hộ. 

Nguyên nhân chủ yếu làm các trạm cấp nước ngừng hoạt động là do quy mô đầu tư nhỏ, không phù hợp với xu thế sản xuất tập trung; mô hình quản lý không đồng nhất, hoạt động quản lý yếu kém, tỷ lệ nước thất thoát lớn, chưa khai thác hết công suất thiết kế; chất lượng nước của một số công trình chưa bảo đảm… gây bức xúc trong nhân dân.

 

 Đường ống bị hoen gỉ, cỏ mọc um tùm là tình trạng phổ biến ở các trạm cấp nước đã ngừng hoạt động trên địa bàn tỉnh.

 

Ngừng hoạt động nên Trạm cấp nước thôn Năng An, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư thậm chí còn không có cổng.


Ông Bùi Văn Tính, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh

66 công trình nước sạch được xây dựng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn khác, giúp cho hàng trăm nghìn hộ dân có nguồn nước sạch sử dụng là cả sự nỗ lực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Bởi thực trạng vùng nông thôn Thái Bình trước đây có nơi thì môi trường ô nhiễm bởi phân gia súc, gia cầm, nhà tiêu hố xí không hợp vệ sinh, có những xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt là các huyện ven biển dân “khát” nước sạch, thậm chí phải sử dụng cả nước mặn để sinh hoạt tắm rửa ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh đau đường ruột, tiêu chảy, giun sán và chưa lường hết được những bệnh “ủ” lâu dài do uống phải nước không hợp vệ sinh.

Ông Phí Văn Khổng, Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng

Từ trước năm 2015, mặc dù có trạm cấp nước nhưng nhân dân xã Đông Hoàng vẫn phải sử dụng nước giếng khoan, giếng đào, nước mưa để sinh hoạt và ăn uống. Đây là một sự lãng phí rất lớn bởi Trạm cấp nước xã Đông Hoàng tuy được xây dựng từ năm 1995 và hoàn thành vào năm 1997 bằng nguồn vốn của Bộ Xây dựng nhưng chỉ sau 6 tháng đưa vào sử dụng, Trạm đã phải ngừng hoạt động do không có bơm đẩy nên nước không chảy về được đến các hộ dân. Bên cạnh đó, chất lượng nước cũng rất kém, không bảo đảm vệ sinh khiến nhân dân trong xã rất bức xúc.


Ông Vũ Ngọc Vinh, nguyên nhân viên vận hành Trạm cấp nước thôn Hiếu Thiện, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư

Trạm cấp nước thôn Hiếu Thiện được xây dựng từ năm 2004 và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2005. Trạm có công suất thiết kế 380m3/ngày đêm, tổngvốn đầu tư 2 tỷ đồng trên tổng diện tích 400m2, phục vụ cấp nước cho 600 hộ dân của ba thôn trong xã. Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng do cơ sở vật chất còn hạn chế, số lượng công nhân ít, công suất của Trạm không đủ đáp ứng nhu cầu của nhân dân nên dẫn đến tình trạng quá tải, chất lượng không bảo đảm. Đến nay, Trạm đã ngừng hoạt động, mọi máy móc thiết bị đều đã được thanh lý.


Đến năm 2012: 
- Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 66 công trình cấp nước sạch; trong đó 46 công trình cấp nước sạch đầu tư từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia (3 công trình quy mô cấp liên xã, 13 công trình quy mô cấp xã, 30 công trình quy mô cấp thôn, xóm).
- Tổng vốn đầu tư các công trình nước sạch hơn 613 tỷ đồng, tổng công suất thiết kế 20.520m3/ngày đêm, thực hiện cấp nước sạch cho 37 xã, 2 trường học và 1 bệnh viện với tổng số gần 170.000 nhân khẩu
 - Tổng mức đầu tư 152.573 triệu đồng, trong đó vốn chương trình mục tiêu quốc gia 92.615 triệu đồng, vốn dân góp đối ứng 59.958 triệu đồng


(còn nữa )

Nhóm phóng viên 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày