Thứ 6, 26/04/2024, 15:22[GMT+7]

Nước sạch về quê (Kỳ 2)

Thứ 2, 07/08/2017 | 14:35:45
1,476 lượt xem
Mặc dù toàn tỉnh đã đầu tư được 66 công trình cấp nước sạch nhưng các công trình này mới chỉ cung cấp nước sạch cho khoảng 20% số dân ở khu vực nông thôn. Trong khi nhu cầu của nhân dân về sử dụng nước sạch rất cấp thiết thì việc đầu tư các công trình không mang lại hiệu quả và bỏ không đã gây ra sự lãng phí rất lớn.

Công ty Cổ phần Casaro miền Bắc lắp đặt đường ống dẫn nước sạch tại xã Thái Dương (Thái Thụy).

Kỳ 2: Tìm giải pháp chống lãng phí

Nâng cấp các công trình nước sạch

Nhận thấy sự lãng phí trong đầu tư các công trình nước sạch, tỉnh đã lựa chọn giải pháp mang tính đột phá đó là thực hiện chuyển nhượng các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn được đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cấp nước sạch cho nhân dân. Để hiện thực hóa giải pháp đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 27 và Kế hoạch số 40 về chuyển nhượng các dự án cấp nước sạch thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và vốn vay Ngân hàng Thế giới cho doanh nghiệp.

Trạm cấp nước xã Vũ Tây là một trong 27 công trình thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý mang lại hiệu quả cao.

Để xác định giá trị tài sản còn lại của các công trình làm căn cứ xác định phần nhận nợ đối với nhà nước, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng xác định giá trị còn lại các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung cấp tỉnh, thực hiện kiểm kê hiện trạng tài sản của từng công trình, thực hiện phân loại, đánh giá cụ thể từng tài sản, thiết bị còn sử dụng được, không còn sử dụng được do hư hỏng, không cần dùng và các yếu tố liên quan phù hợp với thị trường làm căn cứ để đánh giá, xác định giá trị còn lại của từng hạng mục công trình tại thời điểm.

Phòng nội kiểm nhà máy nước sạch tại xã Đông Trung (Tiền Hải).

Đến nay, toàn tỉnh đã có 7 doanh nghiệp nhận chuyển đổi mô hình quản lý 27 công trình cấp nước sạch tập trung, trong đó có 20 công trình đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và 7 công trình đầu tư từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia; tổng công suất thiết kế các công trình 69.200m3/ngày đêm, phục vụ cấp nước cho 65 xã trên địa bàn tỉnh. Sau khi chuyển nhượng, các doanh nghiệp nước sạch đã nhanh chóng xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất, tiếp tục đầu tư mở rộng nâng cao quy mô, công suất cấp nước sạch, đồng thời nâng cao chất lượng cấp nước sạch cho nhân dân.

Những nhà máy mới

Cô và trò Trường Mầm non Thụy Hà (Thái Thụy) được sử dụng nước sạch của Công ty cổ phần Kinh doanh Nước sạch và Vật tư ngành nước Thái Bình.

Cùng với việc thực hiện chuyển nhượng các công trình nước sạch, Thái Bình còn chủ động ban hành Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND ngày 2/8/2012 quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2012 – 2015; từ đó tạo nên sự đột phá trong lĩnh vực nước sạch của tỉnh. Theo đó, với dự án đầu tư xây dựng mới tỉnh sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng/m3/ngày đêm; với dự án đầu tư nâng cấp mở rộng công suất cấp nước tỉnh sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/m3/ngày đêm và với dự án đầu tư mở rộng phạm vi cấp nước tỉnh sẽ hỗ trợ 1,5 triệu đồng/m3/ngày đêm. Ngoài hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình, các doanh nghiệp nước sạch còn được nhận nhiều sự ưu đãi khác như: ưu đãi về thuế, ưu đãi về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tạo nguồn nước.

Công ty TNHH Thương mại Đỗ Gia Bảo là một trong những doanh nghiệp đầu tiên hưởng ứng kêu gọi đầu tư chương trình nước sạch nông thôn của tỉnh, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư nhà máy xử lý nước mặt cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân 6 xã của huyện Đông Hưng (Đông Xuân, Đông Động, Đông Hà, Đông Vinh, Đông Các và Đông Quang) theo chủ trương xã hội hóa của tỉnh.

Công ty TNHH Thương mại Đỗ Gia Bảo là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn theo chủ trương xã hội hóa của tỉnh.

Ông Đỗ Đức Uyển, Giám đốc Công ty cho biết: Do có sự hỗ trợ của tỉnh cùng với sự đóng góp của nhân dân nên Công ty mới dám đầu tư xây dựng công trình cung cấp nước sạch. Sau gần 2 năm, với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, Công ty hoàn thành đồng bộ hệ thống khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho khoảng 53.000 nhân khẩu và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn 6 xã với tổng công suất 10.500m3/ngày đêm. Hiện nhà máy đã cung cấp nước sạch cho 5 xã (Đông Động, Đông Các, Đông Vinh, Đông Xuân và Đông Hà) với tổng số đồng hồ đo nước lắp đặt đến hộ dân là gần 6.000 chiếc. Riêng với xã Đông Quang, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, đến ngày 18/6, Công ty đã hoàn thành lắp đặt đường ống và cấp nước cho 5 trụ sở cơ quan của xã, phấn đấu trong 4 tháng nữa sẽ hoàn thành cấp nước cho toàn bộ nhân dân trong xã.


Ông Đinh Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, quản lý công trình nước sạch nông thôn của tỉnh tới các đơn vị trong toàn ngành; tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng có giải pháp tháo gỡ kịp thời, giúp các doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đến ngày 30/4/2017, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cam kết cho vay 23 dự án kinh doanh nước sạch nông thôn với tổng số tiền 300,45 tỷ đồng, doanh số cho vay 261,998 tỷ đồng, tổng dư nợ ước đạt 206,162 tỷ đồng. Nếu tính cả dư nợ cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội và các dự án nước sạch nông thôn trước khi có Quyết định số 12 thì tổng dư nợ cho vay nước sạch nông thôn của ngành Ngân hàng đạt 990,138 tỷ đồng với 72.299 khách hàng đang vay vốn.

Cô giáo Nguyễn Thị Tiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụy Hà (Thái Thụy)

Trường Mầm non Thụy Hà hiện có hơn 400 học sinh. Nhà trường tổ chức học bán trú cho các em nên nhu cầu dùng nước sạch là rất cấp thiết và quan trọng. Vì vậy, khi nhà máy xử lý nước sinh hoạt trên địa bàn xã đi vào hoạt động nhà trường đã đăng ký đấu nối sử dụng để phục vụ sinh hoạt, vệ sinh cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường còn dùng nước máy để lọc qua hệ thống máy lọc do nhà trường trang bị dùng cho việc nấu ăn và uống trực tiếp. Nguồn nước sạch của nhà máy đã góp phần giúp nhà trường duy trì và bảo đảm tốt công tác vệ sinh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho học sinh.


Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc nhà máy nước Nam Long (Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long)

Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long nhận quản lý và mở rộng nâng cấp 19 công trình thuộc nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới với tổng diện tích xây dựng công trình 47.359m2, tổng công suất thực tế 28.010m3/ngày đêm; tổng giá trị còn lại tại thời điểm bàn giao 263,3 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhân dân 45,5 tỷ đồng; tổng số lao động nhận bàn giao 114 người, trong đó lao động trực tiếp quản lý 94 người và lao động gián tiếp 20 người. Sau khi nhận chuyển nhượng, Công ty đã huy động nguồn vốn hơn 60 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình, năng lực phục vụ cấp nước; đưa tổng công suất cấp nước của các công trình đạt hơn 45.000m3/ngày đêm. Chính vì thế, chất lượng nước tại khu vực trong vùng dự án được nâng lên rõ rệt, kịp thời cung cấp nước cho nhân dân, đặc biệt là trong dịp hè.


(còn nữa)

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày