Thứ 7, 27/04/2024, 16:24[GMT+7]

Hòa Bình: Phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ 3, 24/10/2023 | 08:43:32
9,150 lượt xem
Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, xã Hòa Bình (Kiến Xương) đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Mô hình trồng rau má thủy canh của ông Tạ Hữu Huấn, thôn Đoài, xã Hòa Bình.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Là xã thuần nông không có nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế nhưng cấp ủy, chính quyền xã đã đặt ra kế hoạch, lộ trình quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Xã xác định nông nghiệp là lĩnh vực trụ cột trong phát triển kinh tế nên đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích tụ ruộng đất, phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Vì thế, ngoài việc duy trì 100% diện tích gieo cấy lúa với năng suất bình quân đạt 128,2 tạ/ha/năm, đến nay Hòa Bình đã xuất hiện một số mô hình tích tụ ruộng đất với hơn 12ha, góp phần giảm diện tích bỏ hoang ở địa phương. Điển hình nhất ở thôn Đoài có ông Mai Ngọc Thanh tích tụ 4,5ha, ông Mai Văn Xuân tích tụ 2,7ha. 

Ngoài ra, trong thôn còn xuất hiện gương thanh niên mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa vào đồng ruộng để làm giàu. Anh Lương Hồng Quang cho biết: 5 năm trước đây tôi đã thực hiện tích tụ hơn 60 mẫu ruộng ở địa phương khác nên hiểu được sự thiếu hụt nguồn lao động cũng như nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhất là công đoạn phun thuốc trừ sâu. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, tôi đã đầu tư mua 3 thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật và thuê hơn 4.000m2 đất để mở dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ đó đến nay, ngoài phun thuốc bảo vệ thực vật ở trong tỉnh, tôi còn liên kết phun ở một số tỉnh ngoài. Với mô hình này, mỗi năm tôi đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Mục tiêu trong thời gian tới tôi sẽ đầu tư hệ thống sấy thóc và liên kết với các doanh nghiệp thu mua thóc tươi, sấy khô và tiêu thụ thóc cho bà con.

Đặc biệt, ở Hòa Bình đã hình thành được mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới phát triển thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Ông Tạ Hữu Huấn, thôn Đoài cho biết: Với mong muốn sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp đặc trưng cho địa phương, tháng 4 vừa qua tôi đã đầu tư 1,5 tỷ đồng vào hệ thống nhà màng trên diện tích 2.000m2 để trồng 350.000 rọ rau má theo phương pháp thủy canh. Đến nay, bình quân mỗi ngày tôi cắt 300kg rau má tươi, sau khi sấy lạnh và nghiền ra được 28kg bột. Hiện tại, tôi còn liên kết với 2 vườn rau má ở Quảng Ninh để sản xuất, chuẩn bị cho ra mắt 4 loại sản phẩm là bột rau má nguyên chất, rau má đậu xanh cốt dừa, rau má hạt sen và rau má có đường. Dự kiến sau khi sản xuất ổn định, mỗi ngày sẽ cho ra khoảng 60kg bột rau má, tương đương với 5.000 hộp/ngày. Hướng tới tôi sẽ phát triển thêm một số sản phẩm mỹ phẩm, đồ uống giảm cân từ rau má, trừ chi phí dự kiến mỗi năm thu lãi khoảng 5 tỷ đồng.

Cùng với việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, xã Hòa Bình tập trung mọi nguồn lực giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, hướng tới đích NTM nâng cao vào năm cuối nhiệm kỳ. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ xã đã kiện toàn ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, ban, ngành phụ trách từng tiêu chí. Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, trong các hội nghị để người dân nắm được mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM nâng cao, tạo ra sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện, đến nay đã đạt được một số kết quả. Hiện xã đang tiếp tục đầu tư xây dựng, sửa chữa các trường học, trạm y tế, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, nạo vét sông dẫn, hệ thống điện chiếu sáng trục đường liên xã và cơ sở vật chất nhà văn hóa các thôn. Tuy nhiên, để thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao xã còn cần khoảng 60 tỷ đồng để hoàn thành các hạng mục công trình ở địa phương, trong khi việc huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tiêu chí thu nhập còn chưa đạt theo kế hoạch đề ra, tiêu chí môi trường còn khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải. Vì vậy, xã xác định sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư về địa bàn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, tiếp tục quy hoạch các khu dân cư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn vốn hoàn thành các hạng mục công trình phúc lợi; quy hoạch xây dựng bãi rác mới để bảo đảm tiêu chí môi trường.

Kết quả đến nay thu nhập bình quân đầu người ở Hòa Bình đạt 55 triệu đồng/năm, giá trị sản xuất tăng bình quân 7,67%/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,53%. Xã phấn đấu tới năm 2025 giá trị sản xuất tăng từ 10% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%.

Khu bày bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của anh Lương Hồng Quang, thôn Đoài, xã Hòa Bình.


Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày