Chủ nhật, 19/05/2024, 17:59[GMT+7]

Truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương Thái Bình góp phần hun đúc ý chí và phẩm chất cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Thứ 5, 01/02/2018 | 09:40:55
4,253 lượt xem
Thái Bình là vùng địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng, nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng và chở che bao danh nhân, tuấn kiệt đã góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.

Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy).

Là vùng đất bốn bề sông biển, được hình thành khoảng từ 3.000 năm trở lại đây, do chung đúc khí thiêng sông biển, đất đai màu mỡ, vùng đất Thái Bình cổ xưa đã có sức cuốn hút mạnh mẽ các luồng cư dân về sinh sống, phát triển nông ngư nghiệp. Trải qua nghìn đời, Thái Bình luôn là một điển hình về thâm canh lúa nước và phát triển các nghề thủ công, được sử sách tôn vinh là “quê lúa, đất nghề”, là “kho người, kho của” cung cấp nhân tài, vật lực cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước ở mọi thời kỳ lịch sử.

Do những đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình và cư dân nên Thái Bình là nơi hội tụ và lan tỏa các sắc thái văn hóa, văn minh đặc sắc của vùng châu thổ sông Hồng. Trải bao thăng trầm, đến nay Thái Bình còn lưu giữ hàng nghìn công trình kiến trúc cổ, một phần lớn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đó là chùa Keo, một trong những biểu tượng ngời sáng của bản sắc văn hóa kiến trúc và Phật giáo Việt Nam; Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, niềm tự hào muôn đời về vùng đất phát nghiệp đế vương đã sinh ra những bậc hiền tài khai sáng ra một vương triều lừng lẫy võ công, văn nghiệp.

Nhân dân Thái Bình còn tự hào là vùng quê giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng nổi trội. Trên vùng đất này, thời nào cũng có nhân tài “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”; có những gia đình, cha con văn võ song toàn, trở thành danh nhân văn hóa, danh nhân lịch sử của đất nước. Trải qua gần 1.000 năm Nho học, cả nước có gần 3.000 trí thức đại khoa thì Thái Bình có tới hơn 120 vị, trong đó tiêu biểu là Tam Nguyên Trạng Nguyên Phạm Đôn Lễ (1481); nhà văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Tông Quai, Tiến sĩ Lê Trọng Thứ; nhà bác học Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn; Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ; Thám hoa Quách Đình Bảo; Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm; Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm...

Xưa và nay, Thái Bình từng được cả nước biết đến là một miền quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Với vị trí trọng yếu, cửa ngõ sông, biển, Thái Bình sớm phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm. Ngay từ buổi đầu dựng nước, năm 40 đầu Công nguyên, nữ tướng Vũ Thị Thục đã chọn vùng đất Thái Bình để dấy binh khởi nghĩa dưới cờ Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Đông Hán, được Hai Bà Trưng phong tước hàm “Đông Nhung Đại tướng quân”. Năm 542 - 544, Lý Bí (Lý Bôn) đã lập căn cứ đánh đuổi giặc Lương, lập nên nước Vạn Xuân - một nhà nước độc lập đầu tiên ở Việt Nam, tự xưng Hoàng đế - Vua Lý Nam Đế. Thế kỷ thứ X, vùng đất Bố Hải khẩu đã được tướng quân Trần Lãm chọn làm nơi nương tựa cho Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lập nghiệp đế v­ương. Vùng đất Thái Bình còn là nơi sinh ra Thái úy Lưu Khánh Đàm, Thái phó Lưu Điều, những danh tướng có công dựng nghiệp nhà Lý (1009). Và đặc biệt, Thái Bình là vùng quê phát tích và dựng nghiệp nhà Trần (1225), một vương triều cường thịnh, võ công oanh liệt bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam, gắn với tên tuổi của những danh nhân sáng nghiệp nhà Trần như: Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung và nhiều danh nhân, danh tướng khác gắn với những trang sử hào hùng của dân tộc qua các triều đại Lý, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê...

Từ khi Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX đến những thập niên đầu thế kỷ XX, người Thái Bình đã liên tục sục sôi khí thế chống Pháp, sớm hình thành các căn cứ kháng Pháp gắn liền với tên tuổi của các văn thân, sĩ phu yêu nước là thủ lĩnh chống Pháp trên đất Thái Bình và nhiều tỉnh thành khác như Phạm Thế Hiển, Nguyễn Mậu Kiến, Doãn Khuê, Nguyễn Quang Bích, Trần Xuân Sắc, Nguyễn Doãn Cử, Nguyễn Hữu Bản, Nguyễn Hữu Cương, Đốc Nhưỡng, Đốc Đen, Bang Tốn, Tạ Hiện, Phạm Huy Quang, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm…

Là một miền quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần thượng võ, quật khởi chống ngoại xâm và áp bức cường quyền đã thấm sâu vào máu thịt, tâm can của các thế hệ cư dân nơi đầu sóng ngọn gió này. Ngay sau ngày thành lập Đảng, ở Thái Bình đã nổ ra hai cuộc biểu tình “long trời lở đất” của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà vào ngày 1/5/1930 và của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Thái Bình đã luyện tôi trong gian khó, hy sinh, bền gan, vững chí, một lòng son sắt với Đảng, đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.

Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy).

Diêm Điền (Thái Thụy), nơi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ra và lớn lên là một vùng đất “đầu sóng ngọn gió” của tỉnh Thái Bình. Lịch sử mảnh đất này với tên gọi “Xóm Tiền” hàm chứa những nội dung truyền thống tốt đẹp. Theo  những di vật, di văn còn sót lại, làng Diêm Điền được hình thành từ thời Lý. Làng được chia thành 5 xóm gồm: xóm Tiền, xóm Trung, xóm Tả, xóm Hữu và xóm Hậu. Tên 5 xóm tương ứng với 5 chủng quân thiện chiến thời bấy giờ: tiền quân, trung quân, tả quân, hữu quân và hậu quân. Làng có quy định nghiêm ngặt, mọi hoạt động phải tuân thủ tinh thần phòng thủ và phối hợp chặt chẽ với các xóm. Ai vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng. Xóm mang tên Tiền vì địa thế nằm sát mép nước đại dương, áp sông Diêm Điền. Dân xóm chài phải gánh trọng trách rất nặng nơi đầu sóng ngọn gió, đối mặt với bão tố, ngập lụt, cướp biển, giặc giã... Xóm Tiền nói riêng và Diêm Điền nói chung là vùng đồng chua, nước mặn nên nghề canh nông không phát triển. Vì thế, cái nghèo, cái đói bám suốt thế hệ này qua thế hệ khác. Nhưng lợi thế vì có sông, có biển nên phát triển nghề làm muối, làm mắm, kéo lưới, quăng chài và cũng là nơi sớm phát triển nghề thuyền bè, giao thông vận tải sông nước. Lịch sử còn lưu lại những câu chuyện người Diêm Điền dong buồm ra khơi và đi tới những miền đất xa như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh... Điều đó cho thấy con người nơi đây rất tần tảo, vật lộn, xông xáo và năng động.

Có thể khẳng định, những phẩm chất truyền thống nổi trội “cần mẫn và năng động; đoàn kết và dân chủ; quả cảm và cương nghị; hiếu học và giàu chí tiến thủ; nhạy bén với thời cuộc; thích nghi với môi trường sống; trọng nghĩa tình và sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn” của đất và người Thái Bình nói chung, của Diêm Điền, Thái Thụy nói riêng đã góp phần hun đúc ý chí và phẩm chất cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bắt nguồn từ truyền thống tốt đẹp của quê hương Thái Bình, lại được nuôi dưỡng, chở che từ truyền thống của một gia đình nhà nho nghèo yêu nước. Thân  phụ của đồng chí là cụ Nguyễn Đức Tiết, thi đậu cử nhân năm 1888. Giữa lúc triều đình nhà Nguyễn nhu nhược, đầu hàng và bán nước ta cho thực dân Pháp, vốn là người khẳng khái, có tinh thần yêu nước, ông Nguyễn Đức Tiết từ chối không ra làm quan và về quê mở trường dạy học để góp phần mở mang dân trí.

Khi các phong trào yêu nước chống Pháp xâm lược của nhân dân ta bùng nổ, cụ Cử Tiết bí mật tham gia chiêu mộ quân sĩ cho quan Hiệp Trấn Đô thống quân vụ Bắc Kỳ - tướng quân Đề Hiện. Cụ Cử Tiết vẫn mở trường dạy học, dạy chữ, dạy đạo lý và giáo dục niềm tự hào về nòi giống, dân tộc. Học trò của cụ rất đông, đỗ đạt cao và đều theo chí hướng của thầy nên không ra làm quan. Chính khí khái và tinh thần yêu nước của thân phụ đồng chí - một sĩ phu, một nho sĩ trước vận mệnh nguy nan của dân tộc cùng những lời dạy, lời ru của mẹ đã là hành trang đi theo người thanh niên yêu nước Nguyễn Đức Cảnh trên những bước đường dấn thân hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh sau này. Với tư chất thông minh, Nguyễn Đức Cảnh luôn thấm nhuần lời cha truyền dạy về “minh đạo gia huấn” (những bài học về đạo đức làm người trong gia đình), “nhân hữu ngũ luân, cương thường vi trọng” (luân lý, đạo lý làm người, làm người phải coi trọng đạo lý) và “tận thân vị chúng” (hết lòng vì mọi người). Vì vậy mà khi cha mất, Nguyễn Đức Cảnh phải ở trong gia đình quan tuần phủ Thái Bình - Trần Mỹ. Tuy ở nhà một viên tuần phủ, nhưng đồng chí vẫn giữ được nếp sống giản dị, cốt cách của gia đình, luôn thấu hiểu lời dạy của cha và những điều răn dạy của mẹ nên rất chăm chỉ học hành và sớm bộc lộ những tư chất thông minh ngay từ khi còn nhỏ.

Lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống văn hóa, văn hiến yêu nước và cách mạng của quê hương luôn là động lực tinh thần to lớn, thôi thúc và nuôi dưỡng nghị lực, ý chí và phẩm chất cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trên các chặng đường tranh đấu. Ngay từ khi còn là học sinh, truyền thống của quê hương, gia đình đã thấm vào tâm can hình thành nên trong đồng chí một tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, sẵn sàng xả thân vì nước, vì dân. Đồng chí đã tích cực tham gia  các phong trào đấu tranh yêu nước như: bãi khóa, đòi tăng lương, giảm giờ làm của công nhân; tiêu biểu là tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và truy điệu cụ Phan Chu Trinh nên đồng chí đã bị đuổi học. Rời Trường Thành Chung - Nam Định, Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội và bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.  Sau khi tham dự lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu - Trung Quốc, được giác ngộ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng chí đã từ bỏ tư tưởng cách mạng tư sản để đi theo con đường cách mạng vô sản, gia nhập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, một trong những bước chuyển quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Về nước, đồng chí được Kỳ bộ cử làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Hải Phòng (3/1928), sau đó được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ và Bí thư Khu bộ Hải Phòng. Với chủ trương “vô sản hóa” do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đề xuất, phong trào cách mạng trong công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động trong nước đã phát triển mạnh mẽ. Từ thực tiễn phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam cuối những năm 20 của thế kỷ XX, với nhãn quan chính trị sâu sắc, nhạy bén của mình, lại được rèn luyện trong phong trào “vô sản hóa”, Nguyễn Đức Cảnh cùng một số đồng chí trong Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã sớm nhận thức được sự cần thiết phải thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam để đáp ứng đòi hỏi cấp bách của phong trào cách mạng. Thực hiện chủ trương đó, tháng 3/1929, tại số 5D, phố Hàm Long - Hà Nội, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là 1 trong 7 đảng viên đầu tiên của Chi bộ này. Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên ở nước ta, đóng vai trò nòng cốt cho việc chuẩn bị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.

Tượng đài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại Quảng trường 14-10.

Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, Nguyễn Đức Cảnh được cử vào Ban Chấp hành Trung ương. Ngày 28/7/1929, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng về công tác công vận, Nguyễn Đức Cảnh đã triệu tập Đại hội công nhân các tỉnh Bắc Kỳ và được Đại hội bầu là Hội trưởng Ban trị sự, phụ trách tờ Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ. Sự ra đời và hoạt động của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ đã tác động tích cực đến phong trào công nhân. Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ xuất bản dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã góp phần quan trọng, kịp thời tuyên truyền, giáo dục công nhân đấu tranh theo đường lối của Đảng.

Từ hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3/2/1930 tại Hương Cảng - Trung Quốc, về nước trên cương vị Bí thư Đảng bộ Hải Phòng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã có những đóng góp to lớn trong việc lãnh đạo phong trào công nhân, xây dựng và phát triển tổ chức đảng ở Bắc Kỳ nói chung và trong công nhân vùng mỏ Quảng Ninh, Hải Phòng nói riêng. Cuối tháng 10/1930, đồng chí được Trung ương điều tăng cường cho Ban lãnh đạo Đảng ở Trung Kỳ. Vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy, đồng chí cùng Xứ ủy Trung Kỳ tích cực hoạt động tuyên truyền, động viên quần chúng giữ vững tinh thần cách mạng, chắp nối bảo toàn cơ sở cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân.

Cuối tháng 4/1931, trên đường công tác, đồng chí bị địch bắt. Trong thời gian bị giam trong xà lim chờ án chém, đồng chí vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Đồng chí đã tranh thủ từng giây, từng phút còn lại của đời mình để giảng giải về lý tưởng cách mạng, tổng kết những kinh nghiệm tổ chức, vận động, chỉ đạo phong trào cách mạng của Đảng ta cho các đồng chí trong tù. Mặc dù bị tra tấn hết sức dã man và bị kết án tử hình nhưng người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đức Cảnh vẫn hiên ngang, bất khuất, luôn giữ vững khí tiết cách mạng, nguyện hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc và nhân dân.

Ngày 31/7/1932, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh anh dũng hy sinh tại pháp trường, bên bờ sông Lấp, trước cửa nhà lao Hải Phòng. Sự hy sinh anh dũng của đồng chí, người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi kiên trung đã góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc và quê hương Thái Bình, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào, đồng chí cả nước. Lịch sử dân tộc và các thế hệ người Việt Nam sẽ mãi mãi ghi nhớ những cống hiến to lớn và sự hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng.

Quê hương Thái Bình tự hào là nơi sinh ra, nuôi dưỡng và góp phần hun đúc nên ý chí, phẩm chất cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng; đồng thời noi gương đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đóng góp sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc xâm lược, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hàng chục vạn người con của quê hương Thái Bình đã lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó có trên 51.000 người con của quê hương đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc; gần 33.000 người con của quê hương để lại một phần máu xương trên các chiến trường, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Tỉnh Thái Bình và 8/8 huyện, thành phố của tỉnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; trên 100 tập thể, gần 100 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động. Toàn tỉnh có 332.827 người được Nhà nước ghi nhận có công với cách mạng, trong đó có 916 người được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng; 258 người được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa; hơn 5.000 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ Thái Bình đã vận dụng và cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương nên đã giành được những thành tựu to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đặc biệt, trong 5 năm (2010 - 2015), nền kinh tế ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng khá (8,04%/năm). Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế  - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn đạt 45.482 tỷ đồng, tăng trên 11% so với năm 2016. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện theo hướng hiệu quả, bền vững. Đến nay, có 199 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó 186 xã và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng được tăng cường, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Sự nghiệp văn hoá, thông tin, thể thao có những chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả, quản lý, điều hành của chính quyền, chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.

Cội nguồn của tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng quật cường và phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bắt nguồn từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương và của gia đình; đồng thời, được bồi đắp, hun đúc trong quá trình hoạt động cách mạng. Đó là lòng yêu nước thương nòi, tình yêu thương đồng chí, đồng bào, là sự giác ngộ chủ nghĩa cộng sản sâu sắc, là tinh thần học tập, rèn luyện bền bỉ. Đặc biệt, đó là tinh thần đấu tranh quyết liệt với kẻ thù và đức hy sinh cao cả vì sự nghiệp cách mạng ở người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của quê hương Thái Bình - Nguyễn Đức Cảnh.

Với lòng biết ơn vô hạn trước những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nguyện đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí, tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng vững chắc để xây dựng tỉnh Thái Bình sớm có nền nông nghiệp, công nghiệp hiện đại, góp phần cùng cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên

(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày