Thứ 6, 10/05/2024, 01:27[GMT+7]

“Hậu” dã ngoại

Thứ 2, 16/04/2018 | 08:54:28
1,125 lượt xem
Với phương châm "Chơi mà học, học mà chơi" chắc chắn những buổi học ngoại khóa sẽ diễn ra ngày càng nhiều hơn ở các trường, các lớp. Do vậy từng trường hoặc lớn hơn nữa là các phòng giáo dục nên thống nhất cách tổ chức cho các cháu đi tham quan học ngoại khóa như thế nào để những ngày học, giờ học thực sự bổ ích và lý thú, từ đó tình thầy trò, bạn bè, tình cảm của phụ huynh học sinh với nhau gắn bó hơn.

Học sinh tham quan Khu di tích K9 - Đá Chông.

4 giờ sáng vợ tôi đã gọi cậu con trai quý tử dậy vội vàng đánh răng, rửa mặt, ăn vội bát mì tôm rồi để bố chở đến trường. Trường ở cách nhà không xa nhưng vì là trường điểm nên mọi việc đều được sắp xếp theo lịch trình có kế hoạch rõ ràng. 

5 giờ cả lớp đã tập trung đầy đủ, học sinh được chia làm từng nhóm có nhóm, trưởng để tự quản lý nhau. Vì ở cái  tuổi ăn, tuổi ngủ nên 5 giờ sáng trông cháu nào cũng mệt mỏi do đang  ngủ thì bị gọi dậy. Đến tập trung đứa thì ăn sáng rồi, đứa thì chưa kịp ăn, đứa thì không ăn được do sớm quá nên được bố mẹ cho nắm xôi, cái bánh mì, cũng có đứa được bố mẹ cho vài chục nghìn, đứa nhiều thì được vài trăm nghìn nên khi gặp nhau lên xe tất cả đều vui vẻ.

Để có được chuyến đi dã ngoại mà mọi người gọi là học ngoại khóa này hội phụ huynh học sinh cô giáo chủ nhiệm và lãnh đạo nhà trường đã phải bàn bạc thống nhất từ khá lâu. Khu các cháu đến ở cách Hà Nội không xa, đó là khu di tích lịch sử K9, làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam và các điểm vui chơi cho trẻ em Khoang Xanh.

Cả lớp được chia làm 5 nhóm, các nhóm tự quản lý nhau, bên cạnh các cháu thì mỗi nhóm còn 1 - 2 phụ huynh. Cứ nhìn vào kế hoạch ai cũng nghĩ rằng chuyến đi dã ngoại chắc chắn sẽ diễn ra vui vẻ, thoải mái và bổ ích cho việc học hành của cả thầy và trò. Nào ngờ tối về đón con tôi mới thấy được bao chuyện vui buồn diễn ra trong ngày. Trước tiên là những chuyện vui con tôi khoe với bố mẹ là được đến nơi đã từng điều trị cho Bác Hồ trong những năm tháng chiến tranh, được xem những khu nhà làm việc ở các bác trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng, được chạy nhảy vui chơi trong khu rừng xanh tươi bát ngát mà trước đây các cháu chỉ biết trên sách, trên phim truyện. Rồi chuyện ở khu làng văn hóa các dân tộc được đặt trên một khu đất rộng lớn, mỗi dân tộc ở một khu riêng và có những đặc thù riêng. Từ điều kiện sinh sống, ăn ở, đi lại đến mối quan hệ gắn bó giữa các dân tộc với nhau. 

Càng đi, càng xem càng thấy thấm thía với những bài đã học con tôi khoe, chỉ cần một ngày đi chúng con đã biết được khắp đất nước. Tôi động viên con: Các cụ bảo đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Bây giờ có điều kiện, các con mới được đi học hỏi dã ngoại như thế này, chứ ngày xưa bố mẹ đi từ nhà lên đến thị xã đã là tốt lắm rồi. Mà không phải bạn nào cũng có điều kiện để đi, vì vậy con phải cố gắng học cho giỏi rèn luyện sức khỏe thì sẽ được đi nhiều, biết nhiều. Đây cũng là học tập. Nghe tôi nói vậy, cháu xị mặt bảo: Con cũng chẳng thích đi dã ngoại như thế này vì nhiều chuyện buồn lắm, đầu tiên là việc đã thu tiền của mỗi cháu 500.000 đồng nhưng lại không tổ chức cho các cháu ăn sáng cùng. Do đó mấy đứa cầm cái bánh mì, nắm xôi lên xe đều chia 3, chia 4. Nghe con kể mà vừa thương vừa giận, thương là thương cho các cháu phải nhịn đói đi chơi, giận là giận lớp, giận hội phụ huynh sao không tổ chức cho các cháu cùng ăn sáng. Rồi đến chuyện ở khu vui chơi, để chơi được các trò chơi thì phải bỏ tiền mua vé nhưng lớp thì chỉ đủ tiền cho các cháu vào khu vui chơi còn muốn chơi trò nào thì các cháu lại phải tự bỏ tiền ra mua vé. 

Do quan niệm cách dạy con của mỗi gia đình khác nhau nên nhiều gia đình nghĩ rằng đã đóng tiền cho lớp thì không nên cho tiền con nữa sợ trẻ tiêu tiền không đúng mục đích. Vừa ăn cơm con tôi vừa kể tiếp ở khu vui chơi nhiều bạn không có tiền nên không được chơi, trông các bạn ấy buồn và thương lắm. Vì có nhóm phụ huynh đi cùng lại là đại gia nên bao hết, nhờ đó mà các bạn trong nhóm đấy được chơi tất cả các trò riêng nhóm con tôi chúng dồn tiền lại mua vé chung tất cả chỉ được ba trò nhưng để cho hai bạn cùng nhóm được chơi chúng phải bớt đi một trò. Kể đến đây con tôi trách bố mẹ sao nhà mình không phải là đại gia, sao mẹ không đi với con, sao nhà trường lại tổ chức như thế? Con thương các bạn quá mà chẳng biết làm sao được. Cháu bảo mấy đứa con đại gia học thì bình thường nhưng cô cũng quý, thầy cũng quý vì lớp có gì gia đình nó bao hết. Nghe con kể tôi mới thấy kinh tế thị trường bây giờ đã len lỏi vào các trường học, lớp học trẻ con, người lớn đều lấy kinh tế thị trường làm điểm tựa cho cuộc sống, cho sự vươn lên của từng bản thân người lớn và cả con cái họ. 

Vẫn biết xã hội hóa là việc nên làm, cần làm nhưng với từng lĩnh vực thì phải làm như thế nào để khỏi ảnh hưởng đến lớp trẻ với cuộc sống thực dụng, nếu ăn sâu vào tiềm thức của bọn trẻ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường học cấp 1, cấp 2, thì không biết khi chúng lớn lên mọi việc sẽ thế nào, cuộc sống của chúng sẽ ra sao? 

Vẫn biết xã hội hóa là một việc cần làm nên làm nhưng làm như thế nào với từng loại đối tượng thì lại là một chuyện hoàn toàn khác, nếu áp dụng mô hình xã hội hóa giống nhau cho tất cả các đối tượng thì hậu quả sẽ là khó lường.

Với phương châm chơi mà học học mà chơi chắc chắn những buổi học ngày học ngoại khóa sẽ diễn ra ngày càng nhiều hơn ở các trường, các lớp. Do vậy từng trường hoặc lớn hơn nữa là các phòng giáo dục cũng nên thống nhất cách tổ chức cho các cháu đi tham quan học ngoại khóa như thế nào để những ngày học, giờ học thực sự bổ ích và lý thú và cũng từ đó tình cảm thầy trò, tình cảm bạn bè, tình cảm của phụ huynh học sinh với nhau cũng phải gắn bó hơn. Muốn được như vậy, thiết nghĩ nhà trường và từng bố mẹ học sinh phải là tấm gương cho con em mình học tập và làm theo. Nếu làm được như vậy thì những chuyến dã ngoại sẽ luôn là những kỷ niệm đẹp trong đời của các thế hệ học sinh.

Tuấn Dung